(ĐCSVN) – Tình trạng bất ổn trong thời gian gần đây tại Tunisia, Ai Cập, Libya và một số quốc gia khác tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi không những đã để lại nhiều hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế của các nước này mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác, từ mất trật tự xã hội đến bất ổn về mặt an ninh cũng như làm giảm chất lượng sống của người dân.
Từ những tác động nặng nề đến các nền kinh tế...
|
Tình hình bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi có nhiều tác động đến thị trường dầu mỏ thế giới (Ảnh: Internet) |
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, những bất ổn chính trị gần đây tại Ai Cập, Libya và Tunisia đã giáng một đòn mạnh xuống nền kinh tế của các nước này. Không chỉ dừng lại đó, tình trạng bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi – hai khu vực đóng vai trò chủ lực trong việc sản xuất và cung cấp dầu cho thế giới - cũng đã có nhiều tác động đối với thị trường thế giới và khiến giá vàng, giá dầu tăng ở mức chóng mặt.
Số liệu thống kê chính thức của Ai Cập cho thấy, những diễn biến bất ổn gần đây đã khiến ngành công nghiệp sản xuất, xây dựng và du lịch của nước này phải gánh chịu một khoản thiệt hại lên tới 1,7 tỷ USD. Trên thực tế, đây là con số không hề nhỏ bởi nó chiếm đến 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ai Cập trong năm 2010.
Trong bối cảnh đó, nhiều tổ chức tài chính đa quốc gia cũng đã giảm mức độ đánh giá về tăng trưởng kinh tế của Ai Cập trong năm tài khóa 2010-2011 từ 6% xuống chỉ còn từ 4-3,5%.
Trong khi đó, tình hình tại Tunisia thậm chí còn ảm đạm hơn khi tình trạng bất ổn nghiêm trọng đã khiến nền kinh tế nước này bị thiệt hại trực tiếp 2,14 tỷ USD; khoảng 40% các nhà máy tại quốc gia này đã buộc phải đóng cửa hay cắt giảm hoạt động, thậm chí có nhiều nhà máy còn bị cướp bóc và đốt phá nặng nề. Ngoài ra, du lịch-một ngành công nghiệp chủ lực, đóng góp 5,5% GDP cho Tunisia, là phương thức kiếm sống trực tiếp và gián tiếp của khoảng 2 triệu người dân nước này (tương đương với 20% dân số) cũng chịu nhiều tác động nghiêm trọng trong bối cảnh bất ổn về chính trị đã giảm 2/3 lượng du khách nước ngoài đến Tunisia.
Trước bối cảnh trên, Ngân hàng Phát triển châu Phi (ADB) vừa công bố một bản báo cáo trong đó đưa ra cảnh báo rằng, mức độ tăng trưởng kinh tế của Tunisia trong năm 2011 sẽ không vượt quá 1%, tức là thấp hơn 3% so với các dự báo trước đó.
Tình hình tại Libya cũng không sáng sủa hơn khi đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế cho thấy, bất ổn và bạo lực tại quốc gia châu Phi này đã khiến lĩnh vực khai thác dầu mỏ-một ngành công nghiệp xương sống, đóng vai trò trụ cột đối với nền kinh tế Libya-nước xuất khẩu dầu mỏ đứng thứ 15 trên thế giới, với sản lượng lên tới 1,6 triệu thùng dầu/ngày phải gánh chịu nhiều thiệt hại to lớn.
Ngày 22/1, ENI-tập đoàn dầu khí của Italia, đóng vai trò là một công ty khai thác dầu mỏ lớn nhất tại Libya cùng tập đoàn dầu khí Repsol của Tây Ban Nha đã tuyên bố ngừng hoạt động tại quốc gia châu Phi này do tình trạng bất ổn leo thang. Ngoài ra, các công ty năng lượng châu Âu khác hiện cũng đang tiến hành sơ tán một số nhân viên của mình khỏi Libya…Các thị trường hàng hóa cũng đang nhấp nhổm không chỉ vì Libya mà còn vì một mối đe dọa khác nữa là tình hình bất ổn có khả năng leo thang tại Iran, nước sản xuất dầu lửa lớn thứ hai trong Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu OPEC.
Những diễn biến bất lợi trên đã khiến giá dầu mỏ và vàng trên thị trường thế giới tăng chóng mặt trong suốt mấy ngày qua. Điển hình như tại thị trường London, giá dầu đã vượt ngưỡng 105 USD/thùng, xác lập một mức giá mới, cao kỷ lục kể từ sau tháng 9/2008 (trong thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu), thậm chí giá vàng cũng xác lập một mức giá mới lên tới 1.400 USD/ounce – cao nhất trong vòng 7 tuần trở lại đây. Bên cạnh đó, bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi cũng để lại một hậu quả khác, không hề nhỏ đối với nền kinh tế thế giới khi kéo tụt điểm của một loạt cổ phiếu trên các sàn giao dịch.
...Đến an ninh suy yếu
|
Người Ai Cập đang tháo chạy khỏi Libya qua biên giới (Ảnh: Reuters) |
Bất ổn về chính trị cũng gây nên nhiều vấn đề không nhỏ về mặt an ninh tại một số quốc gia.
Điển hình như cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập đã kéo theo những thay đổi “chưa từng có tiền lệ” diễn ra trong bộ máy Chính phủ đi kèm theo quyết định từ chức của nhiều Bộ trưởng Ai Cập. Tuy nhiên, cho đến nay, tình hình tại Ai Cập vẫn chưa được cải thiện. Lệnh giới nghiêm vẫn chưa được dỡ bỏ và sân bay quốc tế Cairo vẫn chưa quay trở lại hoạt động bình thường. Thậm chí, nhiều hãng hàng không nước ngoài đã quyết định hủy các chuyến bay tới hoặc xuất phát từ Cairo.
Cũng theo số liệu thống kê của các nhà chức trách, những vụ bạo loạn tại Ai Cập trong suốt những ngày qua đã tạo cơ hội cho 23.000 tù nhân bỏ trốn khỏi 6 nhà tù tại Ai Cập. Hơn một nửa trong số này đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, số tù nhân trốn thoát hiện còn đang lưu lạc ở bên ngoài cũng không hề nhỏ và trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với ổn định xã hội.
Trong khi đó, bất ổn an ninh tại Tunisia lại có dấu hiệu tạm lắng trong tuần này, cùng với việc một loạt các công viên, nhà hát, khu vui chơi văn hóa và các tụ điểm tham quan du lịch được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, mất ổn định xã hội vẫn còn nhiều nguy cơ lặp lại trong bối cảnh có đến gần 10.000 tù nhân chưa được mang ra xét xử đã trốn thoát trong các cuộc bạo loạn vừa qua. Thậm chí, nhiều phần tử khủng bố còn lợi dụng tình hình rối ren hiện nay nhằm tạo sự hoảng loạn trong công chúng thông qua các hành vi tội ác, điển hình như vụ việc một linh mục người Ba Lan đã bị bắt cóc và sát hại hồi tuần trước.
Đầu tháng 1/2011, bạo loạn và biểu tình đã diễn ra liên tiếp trong vòng 5 ngày tại Algeria nhằm phản đối tình trạng giá lương thực leo thang chóng mặt cũng như thất nghiệp đang ngày một gia tăng nghiêm trọng tại quốc gia Bắc Phi giàu tài nguyên dầu mỏ này. Các cuộc biểu tình đã khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và 800 người khác bị thương cùng với việc gây nên nhiều thiệt hại lớn về tài sản.
Cùng với những bất ổn về tài chính, hỗn loạn trật tự xã hội…nhiều người có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng mất việc làm và tài sản cũng như phải sống trong điều kiện không được đảm bảo, an tâm về mặt an ninh. Trước bối cảnh trên, ngày càng có nhiều công dân, nhiều tổ chức xã hội lên tiếng kêu gọi tái thiết lập trật tự xã hội, đảm bảo cuộc sống cho người dân. Điển hình như việc mới đây, nhiều tổ chức xã hội tại Tunisia đã yêu cầu khôi phục trật tự bình thường trong xã hội. Kết quả một cuộc điều tra mới đây cũng cho thấy, có đến hơn 90% công dân Tunisia mong muốn quay trở về với cuộc sống bình thường và ổn định sớm nhất trong thời gian có thể./.