Bầu cử Mỹ năm 2012: Ông Obama giành lại lợi thế, cuộc đua đã đến lúc cao trào

Thứ sáu, 19/10/2012 16:28

(ĐCSVN)Sự quay trở lại đầy ấn tượng và mạnh mẽ trong vòng tranh luận thứ hai diễn ra tối ngày 16/10 (theo giờ Mỹ) đã trả lại lợi thế Tổng thống Mỹ Barack Obama trước ứng cử viên của đảng Cộng hòa Mitt Romney. Tuy nhiên, cuộc giằng co ngang tài ngang sức giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục, báo hiệu cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ đã vào hồi cao trào.

 Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mitt Romney (trái) và đương kim Tổng thống Mỹ
Barack Obama tham gia cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ hai ngày 16/10 (Ảnh: Reuters)

Cuộc tranh luận thứ hai được đánh giá là có phần “gay cấn”, đòi hỏi sự phản ứng và tư duy nhạy bén của hai ứng cử viên hơn là vòng tranh luận thứ nhất. Cuộc tranh luận này kéo dài trong vòng 90 phút và diễn ra dưới hình thức trả lời trực tiếp câu hỏi của cử tri. Cụ thể là, các ứng cử viên phải trực tiếp trả lời câu hỏi của những cử tri đang ngồi ở phía dưới hội trường. Họ là những người chưa quyết định dứt khoát ủng hộ ứng cử viên nào.

Điều phối cuộc tranh luận là nữ nhà báo Candy Crowley của truyền hình CNN – người có quyền lựa chọn 12 trong tổng số 80 người đăng ký để có thể đưa ra câu hỏi trước hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ. Cuộc tranh luận này được truyền hình trực tiếp từ hội trường trường Đại học Hofstra, bang New York – nơi ứng cử viên Barack Obama và Thượng nghị sỹ John McCain đã từng có cuộc tranh luận trực tiếp trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng năm 2008.

Ông Karlyn Bowman, một nhà nghiên cứu có thâm niên tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhấn mạnh: “Buổi tranh luận tối ngày 16/10 đã ghi nhận sự quay trở lại đầy ấn tượng của ông Obama. Tuy nhiên, người thách thức Romney cũng tỏ ra rất mạnh mẽ…Cuộc chạy đua vào Nhà trắng giữa hai ứng cử viên đang diễn ra rất sát nút và kịch tính”.

Nếu như ông Mitt Romney nhận được nhiều phản ứng tích cực từ phía dư luận sau “hiệp cân não” đầu tiên với ông Obama thì sau vòng tranh luận trực tiếp lần thứ hai này, lợi thế lại đang nghiêng về Tổng thống Obama. Điều đó có nghĩa rằng, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục phải “đấu trí” cho đến tận những thời khắc cuối cùng để thể hiện rõ vị thế của mình và thuyết phục được cử tri Mỹ rằng ai sẽ đủ tầm để trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Thậm chí, cuộc bầu cử Mỹ 2012 còn được dự báo là sẽ căng thẳng và kịch tính đến nỗi sẽ khó có thể đưa ra dự báo về người chiến thắng cho đến khi những lá phiếu cuối cùng được kiểm.

Sự quay trở lại mạnh mẽ của ông Obama

Đa phần phản ứng của dư luận đều cho rằng, ông Obama đã gỡ hòa và ghi điểm sau vòng tranh luận trực tiếp thứ hai. Điều này sẽ càng khiến cho cuộc ganh đua giữa ông và người thách thức Mitt Romney thêm kịch tính và căng thẳng trong bối cảnh cả hai sắp bước vào vòng tranh luận cuối cùng vào ngày 23/10 tới.

Có thể nói, trong suốt đêm tranh luận thứ 2, ông Obama luôn giữ vững ưu thế và tung ra những đòn tấn công quyết định nhằm vào đối thủ Romney. Bất cứ khi nào cựu Thống đốc của bang Massachusetts có ý vượt lên ghi điểm thì ông Obama đều nắm bắt tình hình và phản công rất nhanh-trái ngược hẳn với màn trình diễn mờ nhạt trong vòng tranh luận đầu tiên.

Ông Darrell M.West, Phó chủ tịch Nghiên cứu quản trị và là Giám đốc trung tâm sáng tạo công nghệ thuộc Viện Brookings nhận định :"Màn trình diễn mạnh mẽ của ông Obama trong đêm ngày 16/10 sẽ khiến cho tỷ lệ ủng hộ ông Romney đảo chiều và bị sụt giảm đáng kể. Điều này sẽ giúp cải thiện vị trí của ông Obama trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng".

Tuy nhiên, trái với những ý kiến nghiêng về ông Obama sau cuộc tranh luận thứ 2, một số nhà phân tích lại cho rằng, ông Romney vẫn tiếp tục giữ vững phong độ bên cạnh màn trình diễn đầy ấn tượng và mạnh mẽ của ông Obama trong đêm ngày 16/9. Cụ thể, ông Romney được cho là đã làm chủ tình thế trong bối cảnh cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã bị hâm nóng bởi một loạt các chủ đề mang tính thời sự. Điển hình là về chính sách năng lượng, ông Romney đã tiếp tục công kích ông Obama khi cho rằng, sản lượng khí đốt và dầu mỏ của Mỹ đã bị sụt giảm đáng kể dưới thời lãnh đạo của đương kim Tổng thống Mỹ.

Ông John Fortier, Giám đốc dự án dân chủ tại Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng tại Mỹ nói: “Tôi cho rằng, ông Romney vẫn tiếp tục mạnh mẽ và duy trì phong độ như trong đêm tranh luận đầu tiên. Tuy nhiên, điểm khác biệt duy nhất trong hiệp đấu thứ hai giữa hai ứng cử viên Tổng thống đó là năng lực trình diễn và thái độ áp đảo của ông Obama đã được cải thiện đáng kể”.

Ông Fortier cho rằng, trong buổi tranh luận ngày 16/10, ông Romney đã tỏ rõ sự thuyết phục nổi trội của mình trong hai lĩnh vực. Cụ thể, ứng cử viên đảng Cộng hòa tiếp tục đề cập tới những động cơ nào đã khiến cho nền kinh tế Mỹ trở nên yếu kém trong suốt 4 năm qua. Bên cạnh đó, ông Romney còn tiếp tục đề cập tới kế hoạch tạo thêm công ăn việc làm và tiếp tục tập trung vào các điểm chính của cuộc bầu cử.

Trong khi đó, ông Fortier cũng cho rằng, trong đêm tranh luận thứ 2, ông Obama lại tỏ ra “tích cực và chủ động hơn” trong việc nêu bật các chính sách mà chính quyền của ông đang áp dụng. Mặt khác, bằng thái độ tự tin trong đêm tranh luận ngày 16/10, ông Obama còn chỉ rõ những điểm yếu kém của ông Romney và liên tục tỏ ra áp đảo và dồn đối thủ vào những vấn đề này.

Một cơ hội bỏ lỡ cho ông Romney

Trong khi nêu bật những ưu thế của ông Obama sau vòng tranh luận thứ hai, các nhà phân tích cũng rất lấy làm tiếc khi ông Romney đã không tận dụng được vấn đề để gây áp lực đối với đương kim Tổng thống Mỹ. Các nhà phân tích này cho rằng, đáng lý ra, ông Romney có thể tận dụng một cách dễ dàng những điểm yếu của ông Obama, điển hình như vụ tấn công tòa lãnh sự Mỹ tại Benghazi (Libya) vào đúng dịp nước Mỹ kỷ niệm 11 năm vụ khủng bố kinh hoàng 11/9. Trên thực tế, sau vụ việc trên, chính quyền Obama đã phải đối mặt với nhiều búa rìu dư luận và cáo buộc rằng, Tổng thống Mỹ đã xao nhãng, không tập trung thích đáng vào lĩnh vực an ninh và dẫn tới sự thiệt mạng của một số công dân Mỹ.

Sau vụ tấn công tại Benghazi khiến Đại sứ Mỹ tại Libya, ông Christopher Stevens và 3 nhân viên ngoại giao khác của Mỹ thiệt mạng. Đầu tiên, chính quyền Obama đã thừa nhận, đây là hậu quả của làn sóng biểu tình nhằm phản đối bộ phim bôi nhọ nhà tiên tri Mohammed. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, ông Obama lại khẳng định rằng, đây thực chất là một vụ tấn không khủng bố được lên kế hoạch từ trước. Chính thái độ bất nhất của ông Obama xung quanh vụ việc này đã khiến cho chính quyền của ông phải đối mặt với nhiều cáo buộc về khả năng “dàn xếp và bao che vụ việc”.

Tuy nhiên, ông Romney đã bỏ qua cơ hội chộp lấy điểm yếu này để tấn công ông Obama và bị giới chuyên gia đánh giá là “đã sa lầy vào quá nhiều chi tiết” trong hiệp tranh luận thứ hai.

Sau hai hiệp “cân não” với tỷ số hòa 1:1, ông Obama và ông Romney sẽ tiếp tục bước vào vòng tranh luận cuối cùng về chính sách đối ngoại vào ngày 23/10 tới. Đây được xem là cơ hội để ông Obama tiếp tục phát huy lợi thế. Tuy nhiên, vòng tranh luận cuối cùng này cũng được xem là “cơ hội vàng” để ông Romney có thể áp đảo và thể hiện khả năng “thay đổi tình thế” thông qua việc nắm bắt và tận dụng những điểm yếu của đối thủ vốn bị ông bỏ lỡ trong cuộc tranh luận thứ 2.

Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2012 sẽ rất dễ đoán định nếu như cuộc tranh luận lần thứ 2 tiếp tục đi theo lối mòn của hiệp đấu đầu tiên. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh cho thấy, điều gì cũng có thể thay đổi thậm chí là vào phút chót. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục diễn ra gay cấn, hứa hẹn nhiều kịch tính và vẫn rất khó để có thể đưa ra dự báo./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực