Bê bối tham nhũng tiếp tục làm chao đảo chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ năm, 26/12/2013 17:59

(ĐCSVN) - Ngày 25/12, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Muammer Guler và Bộ trưởng Kinh tế nước này Zafer Caglayan đã lần lượt từ chức sau khi bị phát hiện vướng vào vụ bê bối tham nhũng lớn đang gây rúng động chính phủ của Thủ tướng Recept Tayyip Erdogan.

 

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recept Tayyip Erdogan
(ảnh: businessinsider)
 

Sự kiện này xảy ra ngay sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul, ngày 24/12, đã cảnh báo “các bộ trưởng trong chính phủ nếu dính líu đến tham nhũng và hối lộ có thể bị điều chuyển khỏi chức vụ hiện tại".

Trước đó, sáng sớm 17/12, 300 cảnh sát đã được huy động tham gia chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn chưa từng thấy tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sau gần 1 năm theo dõi, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ khoảng 50 người bị tình nghi, trong số đó có các con trai của 3 thành viên Nội các gồm: Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Môi trường và Xây dựng Đô thị. Viện công tố đang khởi tố những người này với cáo buộc nhận hối lộ. Ngoài ra, trong số những người bị bắt giữ còn có một số doanh nhân nổi tiếng. Những người tình nghi bị cáo buộc đưa và nhận hối lộ trong việc cấp giấy phép xây dựng cho các khu vực có lệnh cấm xây dựng, buôn lậu vàng và rửa tiền.

Ngày 18/12 , chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã cách chức 5 quan chức cảnh sát cấp cao bị tình nghi phạm tội hối lộ và tham nhũng. Trong số 5 quan chức bị cách chức có lãnh đạo các cơ quan đấu tranh chống tội phạm liên quan đến tài chính, khủng bố và buôn lậu.

Tiếp đó, ngày 22/12, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải 25 quan chức cảnh sát cấp cao, trong đó có Cảnh sát trưởng thành phố Istanbul và hàng chục nhân viên cảnh sát khác. Đây là động thái tiếp theo trong chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn nhất từ trước đến nay được triển khai tại nước này một ngày trước đó.

Người dân nước này đã tỏ ra giận dữ trước vụ bê bối trên. Khoảng hơn 10.000 người, trong đó có đại diện của một số đảng phái đối lập và các tổ chức phi chính phủ, đã tập trung biểu tình tại quảng trường Kadikoy ở thành phố Istanbul. Những người biểu tình tuyên bố phản đối các dự án đô thị hóa tại Istanbul và tình trạng tham nhũng ngày càng trầm trọng tại nước này; đồng thời, kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Erdogan từ chức. Đụng độ đã xảy ra giữa hơn 1.000 cảnh sát và người biểu tình sau khi một nhóm nhỏ biểu tình ném gạch đá vào các nhân viên tại một chốt kiểm tra an ninh tại Kadikoy. Cảnh sát đã phải dùng vòi rồng, hơi cay và đạn cao su để giải tán những người biểu tình.

Vụ bê bối trên khiến Bộ trưởng Bộ Nội vụ là ông Guler phải đệ đơn từ chức lên Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan, mặc dù ông này phủ nhận sự liên quan của cá nhân. Bộ trưởng Bộ Kinh tế - ông Caglayan - cũng khẳng định, cuộc điều tra là một hành động "gài bẫy" nhằm làm suy yếu chính phủ do đảng Công lý và Phát triển (AKP) lãnh đạo.

Trong khi đó, phát biểu trước những người ủng hộ ở thành phố biển Giresun, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên án vụ điều tra trên, coi đây là âm mưu bôi nhọ nhằm làm suy yếu chính phủ, đẩy nước này vào tình trạng hỗn loạn. Ông Erdogan cảnh báo sẽ đánh bại các lực lượng đối lập âm mưu chống chính phủ; đồng thời, bày tỏ sự ủng hộ đối với những Bộ trưởng bị cáo buộc dính líu đến vụ việc trên và khẳng định, đảng AKP của ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 30/3 tới.

Theo nhận định của các chuyên gia, vụ bê bối hiện tại bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa đảng AKP cầm quyền và phong trào do Giáo sỹ Fethullah Gulen, hiện đang sống lưu vong tại Mỹ đứng đầu, liên quan đến việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố kế hoạch đóng cửa mạng lưới các trường học tư, một nguồn thu tài chính chủ yếu của nhóm này. Hành động sa thải một loạt quan chức cảnh sát của chính phủ được cho là nhằm hạn chế bớt ảnh hưởng của phong trào Gulen, "thanh lọc" các phần tử của phong trào này hiện đang nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan cảnh sát, tòa án và tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ. Luật sư đại diện và bản thân ông Gulen đã lên tiếng chỉ trích hành động này của Chính phủ; đồng thời phủ nhận mọi dính líu tới cuộc điều tra.

Vụ bê bối hối lộ và tham nhũng hiện tại không chỉ khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa AKP và phong trào Gulen - một trong những lực lượng ủng hộ chính, góp phần vào chiến thắng của AKP kể từ khi đảng này lên nắm quyền từ năm 2002 - mà còn khiến cho chính phủ của Thủ tướng Erdogan đứng trước thử thách lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2002, trong bối cảnh cuộc bầu cử năm tới, mở đầu bằng cuộc bầu cử địa phương tháng 3/2014 sắp diễn ra. Trong khi đó, uy tín của chính phủ lại giảm sút mạnh sau làn sóng biểu tình bạo lực chống kế hoạch đô thị hóa thành phố Istanbul hồi tháng 6 vừa qua./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực