(ĐCSVN) - Đối thoại Shangri-La 2015, diễn ra tại Singapore từ 29–31/5, với sự tham dự của lãnh đạo, tư lệnh quốc phòng đến từ 30 nước trên thế giới, khách mời đặc biệt là Thủ tướng Lý Hiển Long.
|
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La. (Ảnh: CNA) |
Biện minh cho hoạt động phi pháp
Hội nghị đối thoại gồm 9 phiên (4 phiên toàn thể và 5 phiên đặc biệt). Nội dung tập trung vào các chủ đề liên quan đến những thách thức an ninh, nguy cơ khủng bố mới, thách thức an ninh an toàn hàng hải, phòng tránh xung đột leo thang, các hình thức hợp tác an ninh ở châu Á. Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông đã làm “nóng” hội nghị.
Tại diễn đàn Shangri-La 2015, ngày 31/5, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, ngang nghiên nói rằng: “Tình hình trên Biển Đông nói chung là hòa bình và ổn định, và không có vấn đề gì ảnh hưởng đến tự do hàng hải”.
“Trung Quốc tiến hành hoạt động xây dựng trên một số đảo và bãi đá ngầm trên Biển Đông là vì mục tiêu tăng cường chức năng, điều kiện sống và làm việc của đội ngũ đồn trú tại đó”.
Ông Tôn còn nói thêm rằng, ngoài việc đáp ứng yêu cầu quốc phòng cần thiết, những đảo nhân tạo còn giúp Trung Quốc tăng cường thực hiện những trách nhiệm và cam kết quốc tế liên quan đến tìm kiếm cứu hộ trên biển, phòng chống thảm họa, nghiên cứu hàng hải, theo dõi khí tượng, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn tàu bè qua lại, hoạt động đánh bắt thủy sản.
Chuyên gia hải quân Li Jie cho biết, với việc cử Đô đốc Tôn Kiến Quốc tới Shangri-La 2015, Bắc Kinh đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc biện minh về hoạt động bồi đắp và xây dựng trái phép 2 tháp hải đăng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Giới ngoại giao Trung Quốc cho rằng Đô đốc Tôn đã tốt nghiệp ngành sĩ quan tàu ngầm, ông ta am hiểu luật biển quốc tế cũng như chiến lược hàng hải của Trung Quốc, nên dễ bề biện minh cho những hành động phi pháp của họ. Tuy nhiên, trên thực tế tại hội nghị cho thấy ông Tôn đã giải thích quanh co khiến cho dư luận thất vọng và càng không hiểu nổi cách hành xử của một quốc gia được gọi là “nước lớn có trách nhiệm”.
Đấu khẩu “nảy lửa”
Giới quan sát cho rằng, tất cả các bài phát biểu của các nước tại diễn đàn đều quan ngại về an ninh ở Biển Đông, nhất là những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Trong đó có nhiều tham luận “nảy lửa” khiến Trung Quốc khá lúng túng.
Mở đầu phiên thảo luận (30/5), dưới tiêu đề: “Mỹ và những thách thức đối với an ninh châu Á - Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói rằng: Việc “biến những bãi đá ngầm thành sân bay không thể tạo ra tuyên bố chủ quyền” cho Trung Quốc, nhưng nó đang phá hoại an ninh trong khu vực, ông kêu gọi Trung Quốc thúc đẩy các phương pháp ngoại giao để giải quyết những căng thẳng trong khu vực tranh chấp này.
Ông Carter đã chỉ trích Trung Quốc đã xây dựng tiền đồn ở đảo tranh chấp, nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của mình và tạo ra sự bất ổn về an ninh trong khu vực Biển Đông. Ông nói: “Diện tích khai hoang của Trung Quốc nhiều hơn tất cả các bên tranh chấp khác kết hợp lại... và Trung Quốc đã làm như vậy chỉ trong 18 tháng qua. Quan trọng hơn, chúng ta không biết Trung Quốc sẽ tiến bao xa trong tương lai.”
Ông nói rằng: Washington “cực kỳ lo ngại” về quy mô xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và hoạt động quân sự hóa những đảo này, cho rằng những hoạt động của Trung Quốc sẽ dẫn đến nguy cơ “những tính toán sai lầm hoặc xung đột” trong khu vực Biển Đông.
Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain nói, những hành động của Trung Quốc là “đáng lo ngại và leo thang”. Vì thế, Mỹ tuyên bố “sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực, máy bay và tàu chiến Mỹ sẽ hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép để đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông” là cần thiết. Và rằng: “Mỹ và các đồng minh của Mỹ sẽ không bị ngăn cản thực hiện quyền của họ...”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cũng nhấn mạnh Trung Quốc cần hành xử như một cường quốc có trách nhiệm, các quốc gia cần thực hiện các hành động dựa trên luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc ép buộc các nước khác theo yêu cầu của mình, đồng thời phải tìm cách giải quyết các tranh chấp dựa trên các biện pháp hòa bình.
Cùng ngày 30/5, bên lề hội nghị, “ba Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Australia, Nhật Bản đã thống nhất đề nghị các bên tự kiềm chế, dừng những hoạt động xây dựng, có những biện pháp làm giảm căng thẳng và tránh những hành động gây hấn có thể làm leo thang căng thẳng, kêu gọi chính phủ các bên làm rõ và củng cố những tuyên bố chủ quyền phải tuân thủ luật pháp quốc tế”.
Cũng tại diễn đàn, Mỹ tái khẳng định chiến lược tái cân bằng ở châu Á, Mỹ sẽ hỗ trợ các nước trong khu vực để “có an ninh, cơ hội trỗi dậy và thịnh vượng”. Theo đó, Mỹ sẽ viện trợ 425 triệu USD cho các quốc gia Đông Nam Á để giúp các nước này tăng cường năng lực hải quân thông qua những cuộc tập trận chung và cung cấp khí tài quân sự.
Mỹ cũng đưa ra kế hoạch thể thúc đẩy tổ chức hội nghị đa phương, kêu gọi chấm dứt việc quân sự hóa ở Biển Đông, đồng thời củng cố mối quan hệ quân sự - quốc phòng với các đồng minh và đối tác khu vực tạo đối trọng với các quốc gia muốn biến giấc mộng độc chiếm Biển Đông thành hiện thực.
Và COC vẫn là giải pháp đúng đắn
Đối thoại Shangri-La 2015 đã kết thúc, vấn đề Biển Đông đã choán gần hết thời gian của hội nghị và tiếp tục “nóng” đến những phút cuối cùng. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews đã cùng quan điểm với Mỹ và nhiều nước khác lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời kêu gọi giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cũng bày tỏ quan ngại những căng thẳng ở Biển Đông có thể làm thay đổi cân bằng quyền lực ở khu vực, qua đó nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xây dựng một cấu trúc an ninh tổng thể. Ông cũng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm hoàn tất Bộ quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Giới chuyên gia đánh giá, Diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2015 có những tuyên bố thẳng thắn đáng kể từ các bộ trưởng phát biểu tại diễn đàn; trong đó có rất nhiều cuộc thảo luận về vấn đề Biển Đông. Vì thế, việc sớm hoàn tất và tiến tới ký kết COC giữa ASEAN và Trung Quốc thực sự là vấn đề cấp thiết trong tình hình hiện nay./.