Dân chủ, bình đẳng ở đâu khi chính người dân của “đất nước tự do” ấy lại đang phải đứng lên đấu tranh cho sự công bằng?!
Tròn hai tháng kể từ ngày bùng nổ phong trào "Chiếm lấy Phố Wall," hôm 17/11, những người biểu tình Mỹ tại thành phố New York đã phát động một chiến dịch mới, đổi tên thành “Đóng cửa Phố Wall.” Cuộc đấu tranh vì sự công bằng của người Mỹ đang tiếp tục lan rộng, nhưng cũng đang phải đối mặt với hành động chống biểu tình của cảnh sát Mỹ.
|
Phong trào "Chiếm phố Wall" đã kéo dài hơn 2 tháng |
Không biết có phải vì Chính quyền Mỹ còn đang quá bận với những hoạt động “ngoại giao”, hay do phải tham gia những cuộc can thiệp nhằm bảo đảm “cái gọi là” hòa bình và an ninh, “bảo vệ” người dân thường ở một số quốc gia xung đột khác… mà làn sóng biểu tình ở ngay trong lòng nước Mỹ lại kéo dài suốt 2 tháng qua vẫn không hứa hẹn sẽ sớm được giải quyết!?
Chiến dịch biểu tình mới mang tên “Đóng cửa phố Wall” vẫn là bước tiếp nối của làn sóng biểu tình phản đối chính sách bất công, vụ lợi khởi nguồn từ phố Wall ở thành phố New York từ ngày 17/9. Nó cũng đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của một loạt thành phố lớn của nước Mỹ. Điều này cho thấy trong lòng một nước Mỹ vốn vẫn lên tiếng về “dân chủ, tự do, công bằng” lâu nay vẫn âm ỉ không ít “ung nhọt”. Và cái “ung nhọt” ấy chỉ chờ một ngòi kim nhỏ chọc vào là vỡ mủ, lan ra nhanh chóng.
Từ các thành phố lớn như thủ đô Washington, Philadelphia, Boston, rồi Portland thuộc bang Origon, quận Arlington thuộc bang Virginia… đều đã có hành động phản kháng. Đặc biệt cuộc biểu tình của người dân thành phố cảng Oakland, hải cảng lớn thứ 5 của Mỹ cũng đã trở thành phong trào “Chiếm Oakland” và đã có lúc kêu gọi tiến hành một cuộc “tổng tấn công” sau sự việc một cựu chiến binh trong chiến tranh Iraq đã bị thương trong một cuộc đụng độ với cảnh sát.
Phong trào biểu tình của người Mỹ ở các thành phố trên khắp nước Mỹ bày tỏ sự tức giận vì không có việc làm, phản đối cuộc khủng hoảng nợ, rồi đòi thay đổi hệ thống vốn đang tạo ra sự bất bình đẳng về kinh tế trong xã hội Mỹ hiện nay. Bất chấp các hành động mạnh tay của cảnh sát, người biểu tình tại thành phố New York và nhiều thành phố khác ở Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục làn sóng phản đối chính sách bất công, vụ lợi mà theo họ, nó đã và đang mang lại cho thiểu số 1% giới chủ và tầng lớp thượng lưu các khoản lợi nhuận kếch sù, chiếm tới gần một nửa tài sản quốc gia trong khi cái gánh nặng nợ nần thì lại do người đóng thuế Mỹ phải trả.
|
Làn sóng biểu tình đã lan sang nhiều quốc gia khác |
Cuộc biểu tình ngày 17/11 được coi là “Ngày hành động” phản kháng rầm rộ nhất với đỉnh điểm là các cuộc mít tinh và tuần hành quy mô lớn trên các đường phố và xe điện ngầm khắp tất cả 5 quận của thành phố New York. Đây được coi là mở đầu cho một làn sóng biểu tình mới trên toàn nước Mỹ để tiếp tục cuộc đấu tranh chống lại sự bất công và quan trọng hơn là để bày tỏ sự phản đối hành động mà các cơ quan chức năng và lực lượng cảnh sát New York dùng hơi cay và các dụng cụ chống bạo loạn đồng loạt đột kích vào khu Công viên Zuccotti Park nằm gần khu tài chính Phố Wall, để phá lều trại, giải tán và bắt giữ hơn 200 người biểu tình trong lúc họ đang ngủ. Công viên Zuccotti là xuất phát điểm và nay dường như trở thành “tổng hành dinh” của làn sóng biểu tình trên khắp các thành phố của Mỹ. Thậm chí nó đã trở thành một “đốm lửa sáng” để làm bùng lên những đám lửa biểu tình ở cả nhiều thành phố khác trên thế giới với cùng một chủ trương là phản đối các chính sách và những luật lệ bất công. Đã có con số thống kê rằng, làn sóng biểu tình đã lan sang 951 thành phố tại 82 quốc gia thuộc tất cả các châu lục.
Và như thế, đâu là “bất công, bạo lực”, đâu là “dân chủ, bình đẳng” khi chính những người dân của “đất nước tự do” ấy lại đang phải đứng lên đấu tranh cho sự công bằng như họ từng phải xuống đường từ những thế kỷ trước; Và chính họ cũng phải hứng chịu những hành động trấn áp bằng bạo lực?! Có lẽ nước Mỹ cần nhìn lại mình trước khi quyết định can dự vào những công việc tương tự ở nơi khác./.