(ĐCSVN) – Ngày quốc tế phụ nữ (8/3) là dịp để toàn bộ cộng đồng cùng tổng kết và điểm lại những tiến bộ đã đạt được, đồng thời kêu gọi những thay đổi và hoan nghênh các hành động dũng cảm và quyết tâm được thực hiện bởi những người phụ nữ bình thường nhưng lại đóng một vai trò đặc biệt trong lịch sử đất nước và cộng đồng.
Ngày quốc tế phụ nữ được bắt đầu từ phong trào nữ công nhân nước Mỹ vào cuối thế kỷ 19. Lúc này, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ, nền công nghiệp đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào lao động làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên, giới chủ tư bản trả lương rẻ mạt, giờ giấc làm việc không cụ thể và chỉ phục vụ một mục đích là làm sao bóc lột sức lao động một cách cao nhất nhằm sản xuất ra được nhiều sản phẩm, mang lại lợi nhuận. Bất bình trước thực tế đó, vào ngày 8/3/1899, nữ công nhân nước Mỹ đã cùng đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào khởi đầu từ nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại hai thành phố Chicago và New York. Mặc dù bị giới chủ tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh buộc giới chủ phải đưa ra nhượng bộ cuối cùng. Thắng lợi đó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của phụ nữ lao động Mỹ. Ðến tháng 2/1909, lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức "Ngày phụ nữ" mít-tinh, biểu tình rầm rộ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới. Trong phong trào đấu tranh giai cấp lúc đó xuất hiện hai nữ chiến sỹ lỗi lạc là bà Clara Zetkin (Đức) và bà Romans Luxembourg (Ba Lan). Nhận thức được sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ nên năm 1907, hai bà đã cùng phối hợp với bà Nadezhda Krupskaya vận động thành lập Ban "Thư ký phụ nữ quốc tế", bà Clara Zetkin được cử làm Bí thư.
Năm 1910, Đại hội phụ nữ thế giới họp tại Copenhagen (Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 hàng năm làm “Ngày quốc tế phụ nữ", ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: Ngày làm 8 giờ; Việc làm ngang nhau; Bảo vệ bà mẹ và trẻ em...
Năm 1975, trong khuôn khổ Năm quốc tế về phụ nữ, Liên hợp quốc đã bắt đầu kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ vào ngày 8/3. Hai năm sau đó, vào tháng 12/1977, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết tuyên bố các quốc gia thành viên chọn một ngày bất kỳ trong năm tùy theo truyền thống lịch sử và dân tộc để nói lên các quyền lợi của phụ nữ và hòa bình thế giới. Với việc thông qua nghị quyết này, Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định và nhận thức rõ ràng về vai trò của phụ nữ trong những nỗ lực vì hòa bình và phát triển; đồng thời kêu gọi chấm dứt phân biệt đối xử và tăng cường hỗ trợ cho sự tham gia đầy đủ của phụ nữ.
|
Cuộc sống khó khăn, nghèo đói vẫn là nỗi ám ảnh đối với các phụ nữ châu Phi (Ảnh: Hải Lê) |
Bình đẳng cho phụ nữ là sự tiến bộ cho tất cả mọi người
Năm nay, chủ đề của Ngày quốc tế phụ nữ (8/3/2014) được lựa chọn là: “Bình đẳng cho phụ nữ là sự tiến bộ cho tất cả mọi người” nhằm lưu ý cách thức bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, được hưởng đầy đủ các quyền con người của họ và xóa đói giảm nghèo là rất cần thiết để phát triển kinh tế và xã hội. Nó cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ là các nhân tố của sự phát triển.
Không có một giải pháp bền vững nào cho các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị phức tạp và áp lực nhất của xã hội được tìm thấy nếu không có sự tham gia đầy đủ, trao quyền hoàn toàn cho phụ nữ trên toàn thế giới. |
Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) sắp hết hạn hiệu lực vào năm 2015. Chính vì vậy, Ngày quốc tế phụ nữ năm nay cũng là một cơ hội để nhấn mạnh những thách thức và các tiến bộ được thực hiện đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Trong thông điệp gửi đi nhân ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết: Năm nay, chúng ta kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ bằng cách nhắc nhở về tầm quan trọng của việc thiết lập bình đẳng giới, không chỉ vì lý do công bằng và tôn trọng nhân quyền, mà còn bởi vì đó là một điều kiện tiên quyết để đạt được nhiều mục tiêu khác.
Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Các quốc gia, nơi phụ nữ được đối xử bình đẳng với nam giới có tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Các công ty có nhiều phụ nữ trong số các nhà lãnh đạo có kết quả kinh doanh tốt hơn. Các thỏa thuận hòa bình có liên quan đến phụ nữ khả thi trong dài hạn hơn. Quốc hội có nhiều ghế dành cho phụ nữ thông qua nhiều luật hơn về các vấn đề xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, không phân biệt đối xử và các khoản phụ cấp gia đình. Vì vậy, không còn bóng tối của sự nghi ngờ rằng bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới là một lợi ích cho tất cả mọi người. Thực tế này phải là trọng tâm của những nỗ lực của chúng ta để đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trước thời hạn vào năm 2015 và thiết lập một kế hoạch hành động cho tương lai”.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, mặc dù đã đạt các tiến bộ đáng kể liên quan đến việc tiếp cận của các trẻ em gái với giáo dục tiểu học và tỷ lệ phụ nữ trong các cơ quan chính trị song vẫn còn quá chậm và không đồng đều. Dù từ đâu đến, các trẻ em gái sinh ra hôm nay vẫn sẽ phải đối mặt với những cơ hội bất bình đẳng và phân biệt đối xử. Tuy nhiên, tất cả chúng ta phải bảo đảm rằng phụ nữ được tránh xa bạo lực – tình trạng vốn đang ảnh hưởng đến 1 trong 3 phụ nữ trên thế giới, có thể nhận được mức tiền lương ngang bằng cho một công việc tương đương mà không bị ngăn cản đóng một vai trò trong nền kinh tế, được tham gia bình đẳng vào các quyết định có ảnh hưởng đến họ, và có quyền quyết định liệu có nên có con, và nếu như vậy, thời gian nào sẽ có con và có bao nhiêu con.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon mong muốn nhắn gửi tới tất cả các phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới: “Tôn trọng nhân quyền và bình đẳng giới không phải là lý tưởng không thể đạt được. Thay vào đó, chính các chính phủ, Liên hợp quốc và mỗi con người bảo đảm để nó trở thành hiện thực”. Ngoài ra, “tôi cũng nhắn gửi tới những người đàn ông và trẻ em trai, những người mà tôi yêu cầu bảo đảm các trách nhiệm của họ trong vấn đề này. Chúng ta giành được tất cả khi chứng kiến những người phụ nữ và trẻ em gái – họ là các bà mẹ, chị em, bạn bè hay đồng nghiệp – thực hiện tất cả khả năng của họ”, ông Ban Ki-moon nêu rõ.
|
Ngày quốc tế phụ nữ cũng là dịp để chuẩn bị cho tương lai và những cơ hội đang chờ đón các thế hệ phụ nữ kế tiếp (Ảnh: Hải Lê) |
Đối với bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Giám đốc điều hành Cơ quan Liên hợp quốc về Phụ nữ (UN Women), Ngày quốc tế phụ nữ là một ngày lý tưởng để đổi mới cam kết tăng cường những nỗ lực quan trọng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tất cả chúng ta cùng nhau, phụ nữ, nam giới, thanh niên và các nhà lãnh đạo chính phủ, tôn giáo và cộng đồng hay các chủ doanh nghiệp.
Theo bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, “nếu chúng ta thể hiện quyết tâm, biết rằng trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái và khuyến khích sự tham gia đầy đủ của họ có thể giúp giải quyết những thách thức lớn nhất của thế kỷ XXI, chúng ta sẽ tìm thấy giải pháp lâu dài cho nhiều vấn đề mà thế giới phải đối mặt. Chúng ta sẽ làm việc nghiêm túc để giải quyết những thách thức lớn như nghèo đói, bất bình đẳng, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái và bất ổn”.
Phụ nữ dành phần lớn thu nhập của mình để bảo đảm hạnh phúc của con cái và gia đình họ. Chính vì vậy, tăng cường sự tham gia của họ trong lực lượng lao động góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Chấm dứt đói nghèo ở phụ nữ, chúng ta sẽ giảm đáng kể và bền vững tình trạng nghèo đói cùng cực trên toàn thế giới. Không những thế, mở rộng việc giáo dục cho trẻ em gái và cung cấp cho họ một nền giáo dục có chất lượng, chúng ta sẽ đưa cho những người phụ nữ trẻ các cách thức để đóng vai trò đầy đủ trong xã hội và xây dựng gia đình, cộng đồng và các nền dân chủ mạnh mẽ hơn. Thúc đẩy các cơ hội bình đẳng và loại bỏ các rào cản về cơ cấu, nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ, chúng ta sẽ giảm bất bình đẳng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện. Ủng hộ sự xuất hiện đại diện bình đẳng của phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo trong tiến trình hòa bình, trong cộng đồng, chính trị, kinh doanh và trong các tổ chức tôn giáo, chúng ta sẽ xây dựng một thế giới bình đẳng hơn, hòa bình và an toàn hơn. Nếu chúng ta có sự hợp tác chặt chẽ giữa phụ nữ và nam giới, chúng ta sẽ làm việc cùng nhau, nhân loại sẽ cùng đón nhận và thực hiện một sứ mệnh toàn diện và bền vững.
Trong thông điệp đưa ra nhân ngày kỷ niệm 8/3/2014, Giám đốc UN Women cũng đặc biệt nhấn mạnh dù đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận, nhiều phụ nữ làm việc, nhiều trẻ em gái được đến trường, một số lượng ít hơn rất nhiều các phụ nữ bị tử vong trong quá trình thai sản hay sinh nở, nhiều phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, các tiến bộ này vẫn còn chậm và chưa đồng đều. Chúng ta cần tiếp tục tạo ra sự thay đổi. Chúng ta không thể cho phép mình cản trở một nửa dân số thế giới nữa. Thế kỷ XXI phải khác biệt đối với mỗi người phụ nữ và cô gái trên thế giới. Mỗi người phải biết rằng một cô gái được sinh ra không có nghĩa là phải cam chịu một cuộc sống đau khổ và bất công. Cùng với nhau, chúng ta phải bảo đảm rằng: Mỗi phụ nữ được an toàn và không có bạo lực về giới; Các quyền cơ bản của mỗi phụ nữ được tôn trọng, bao gồm cả quyền sinh sản; Mỗi phụ nữ được độc lập và tự chủ về kinh tế và tất cả các quan điểm, nhờ giáo dục, cơ hội bình đẳng, sự tham gia và lãnh đạo.
Theo bà Irina Bokova, Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), trao quyền cho phụ nữ là điểm khởi đầu để xây dựng một thế giới hòa bình và công bằng hơn. Bạo lực, phân biệt đối xử và bất bình đẳng dai dẳng – vẫn còn sâu sắc trên toàn thế giới – là một trở ngại đáng kể cho sự thay đổi tích cực, và chúng ta phải cùng nhau hành động, ngay bây giờ, để vượt qua nó.
“Vào Ngày quốc tế phụ nữ, tôi khuyến khích tất cả các đối tác của chúng tôi – trong chính phủ, khu vực tư nhân, xã hội dân sự và toàn bộ hệ thống Liên hợp quốc – và tất cả phụ nữ và nam giới, cùng tập hợp sức mạnh để đẩy nhanh và tăng cường nỗ lực nhằm đạt được bình đẳng giới trong mọi khu vực trên thế giới. Đó là động lực mạnh mẽ nhất vì hòa bình và phát triển bền vững”, bà Irina Bokova nêu rõ.
Ngày quốc tế phụ nữ được kỷ niệm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là một ngày mà những người phụ nữ được ghi nhận vì những thành tích của họ, không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế hay chính trị. Đó cũng là dịp để cùng nhau ôn lại những cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho phụ nữ đã qua, và hơn hết, là để chuẩn bị cho tương lai và những cơ hội đang chờ đón các thế hệ phụ nữ kế tiếp./.
Hải Lê