(ĐCSVN) – Có tới 12.000 trẻ em bị tuyển dụng và phục vụ trong các lực lượng vũ trang, có những em đã phải tham gia chiến đấu trong suốt 4 năm và nhiều em chưa bao giờ được đến trường... Đó là một thực tế đã và đang xảy ra ở Nam Sudan – quốc gia mới giành độc lập từ năm 2011.
Nam Sudan đã vấp phải liên tiếp những khó khăn, thử thách kể từ sau khi tách khỏi Sudan, trở thành một quốc gia độc lập vào tháng 7/2011. Trong khi nhiều bất đồng với người láng giềng phương Bắc chưa được giải quyết thì mâu thuẫn chính trị trong nội bộ đất nước lại nảy sinh.
Bối cảnh xung đột đã khiến gần hai triệu người dân Nam Sudan mất nhà cửa,
hàng trăm nghìn người trong số họ phải trú ngụ tại các cơ sở của Liên hợp quốc
(Ảnh: UNMISS)
Đặc biệt, tình hình an ninh ở Nam Sudan đã xấu đi một cách nhanh chóng kể từ khi xung đột nổ ra giữa Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar vào giữa tháng 12/2013. Xung đột đã khiến gần 100.000 người dân phải lánh nạn tại các trụ sở của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (UNMISS) trên khắp cả nước. Cuộc khủng hoảng cũng khiến 1,9 triệu người mất nhà cửa và hơn 7 triệu người đứng trên bờ vực của nghèo đói và dịch bệnh. Bên cạnh đó, xung đột cũng cản trở nghiêm trọng việc bảo vệ trẻ em, làm gia tăng những tổn thương đối với thế hệ tương lai tại quốc gia non trẻ nhất thế giới này.
Một báo cáo của Liên hợp quốc công bố cuối tháng 12/2014 cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 12/2013 đến tháng 9/2014, có hơn 600 trẻ em Nam Sudan thiệt mạng. Trẻ em không chỉ bị ảnh hưởng bởi bạo lực mà còn là mục tiêu trực tiếp của các bên trong cuộc xung đột.
Trước đó, trong một báo cáo đưa ra đầu tháng 12, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, quy mô của cuộc khủng hoảng mà trẻ em Nam Sudan phải đối mặt rất đáng ngại; đồng thời cảnh báo rằng, tương lai của cả một thế hệ trẻ của đất nước đang bị “đánh cắp” bởi cuộc xung đột kéo dài. Có gần 750.000 trẻ em Nam Sudan đã phải đi lánh nạn, trong đó khoảng 320.000 trẻ em phải sống như những người tị nạn. UNICEF cho biết, có tổng số 400.000 trẻ em không được đến trường, 12.000 em bị sử dụng bởi các nhóm và lực lượng vũ trang. Trẻ em là đối tượng của bạo lực, suy dinh dưỡng và bệnh tật.
Trẻ em bị ép tuyển dụng và buộc phải chiến đấu
David* 16 tuổi, ở trại Bảo vệ Dân thường Bentiu, bang Unity, Nam Sudan. Đây hiện là nơi cậu bé sinh sống kể từ khi trốn thoát khỏi nhóm vũ trang đã tuyển dụng cưỡng bức em.
David là một trong số 12.000 trẻ em bị tuyển dụng làm binh lính trong các lực lượng
và nhóm vũ trang ở Nam Sudan (Ảnh: UNICEF)
Đó là một ngày đã làm thay đổi cuộc đời của David. Cậu bé chào bố mẹ và rời khỏi nhà (ở bang Unity) để đi học mà không biết rằng, sau đó cậu sẽ không được trở về nhà nữa. Tại trường học, những người đàn ông có vũ trang đã đến và đưa cậu bé đi, cùng với hơn 100 người bạn cùng lớp nữa. Khi những cậu bé hỏi rằng vì sao các em lại bị đưa đi, những kẻ bắt cóc nói rằng, đó là nhiệm vụ của các em để chiến đấu và bảo vệ bộ tộc của mình.
Sau đó, David đã bị tách khỏi những người bạn cùng lớp và bị đưa vào một trại quân sự với một nhóm cậu bé tuổi từ 13 đến 18 mà David chưa bao giờ gặp. David đã có 3 tháng tập luyện gian khổ. Cậu được dạy cách sử dụng vũ khí và chiến đấu như thế nào. “Điều khủng khiếp nhất là phải thức dậy lúc 3 giờ sáng để luyện tập cho đến tận trưa và chỉ được nhận thức ăn 3 lần một tuần. Nếu bạn không biết sử dụng súng như thế nào, họ sẽ đánh bạn. Không còn lựa chọn nào khác" - cậu bé chia sẻ.
Mặc dù bị tách khỏi những người thân yêu, nhưng David đã nhanh chóng làm quen với những người bạn mới – những cậu bé cũng bị tuyển dụng như cậu. Các em đã cùng hỗ trợ nhau để vượt qua những nỗi khiếp sợ hằng ngày và cuối cùng các em đã bàn bạc về một kế hoạch trốn thoát...
Nhưng trước khi mọi thứ có thể tốt đẹp hơn, thì những chuyện tồi tệ lại đến khi các em bị đưa ra chiến tuyến và buộc phải chiến đấu. Điều đó đã vượt quá sức chịu đựng của các em và các em đã đưa ra quyết định mạo hiểm là bỏ trốn.
Lấy cớ đi kiếm củi như thường lệ, hàng trăm cậu bé đã chạy trốn khỏi doanh trại, chui vào các bụi rậm. Hậu hết các em đã chạy về phía Bắc, theo hướng Khartoum, nhưng David và 4 em trai khác đã chạy về phía các cánh cổng của trại Bảo vệ Dân thường của Liên hợp quốc tại Bentiu – nơi hàng chục nghìn người bị mất nhà cửa vì xung đột đến trú ngụ.
Hiện nay, David sống tại túp lều tạm cùng hai cậu bé tuổi vị thành niên khác trong một gia đình tốt bụng cho các em vào ở cùng. 3 tháng kể từ khi những cậu bé đến khu trại này, họ đã phải vật lộn để tiếp cận với lương thực và các nhu yếu phẩm cơ bản như: Chăn, màn, xà phòng,...
|
Người dân Nam Sudan mong ước về một nền hòa bình - ở đó, mọi trẻ em được vui chơi và được cắp sách đến trường (Ảnh: UNMISS) |
Tuy không phải lo bị đánh đập, nhưng David luôn luôn lo lắng rằng, việc cậu bé trốn thoát sẽ khiến nhóm vũ trang này có hành động trả thù chống lại gia đình cậu – những người vẫn đang sống ở bên ngoài trại Bảo vệ Dân thường. David đã không nhìn thấy họ kể từ khi bị bắt đi, nhưng cậu nghe nói rằng, gia súc của gia đình đã bị đánh cắp.
Sau những gì đã trải qua, dù vậy, David vẫn có thể mỉm cười. Khi hỏi về những khoảng thời gian hạnh phúc, gương mặt cậu sáng lên, giống như những đứa trẻ khác. “Trước khi có xung đột, chúng em chơi đá bóng, đi đến trường và xem chiếu bóng” – cậu bé nói. Và “chúng em cần hòa bình” – cậu bé thốt lên.
Mong ước về một nền hòa bình có lẽ không chỉ của riêng David mà của tất cả trẻ em Nam Sudan cũng như người dân nước này.
Trong một nỗ lực nhằm mang lại hạnh phúc cho trẻ em ở Nam Sudan, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các đối tác mới đây cho biết, sẽ tiến hành giải ngũ cho 3.000 binh lính trẻ em.
Đại diện UNICEF tại Nam Sudan Jonathan Veitch cho rằng: Những trẻ em này đã buộc phải làm và thấy những thứ mà không trẻ em nào nên trải qua. Việc giải ngũ cho hàng nghìn trẻ em nhằm hỗ trợ và bảo vệ những trẻ em này để bắt đầu tái thiết cuộc sống.
Nhóm 280 binh lính trẻ em đầu tiên trong độ tuổi từ 11 đến 17 sẽ được trả tự do bởi nhóm Quân đội Dân chủ Nam Sudan (SSDA) Cobra Faction tại làng Gumuruk ở bang Jonglei, miền đông Nam Sudan. Những đợt giải ngũ tiếp theo cho trẻ em sẽ được thực hiện trong tháng tới.
Nam Sudan là quốc gia thứ bảy hưởng ứng Chiến dịch toàn cầu mang tên "Children, not soldiers" (Trẻ em không phải là binh lính) do Liên hợp quốc phát động hồi tháng 3 năm ngoái. Sáu quốc gia khác đã tham gia chiến dịch toàn cầu này gồm: Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Myanmar, Somalia, Sudan và Yemen.
Tuy rằng sẽ không đơn giản để giải quyết những bất hòa về chính trị và con đường phía trước của Nam Sudan sẽ còn rất nhiều chông gai, nhưng một thỏa thuận được ký kết vừa qua (21/1) giữa các phe phái đã làm dấy lên hi vọng về thỏa thuận hòa bình cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài ở quốc gia này. Ước mơ về một nền hòa bình đã trở thành khát vọng, là điều hoàn toàn chính đáng của người dân Nam Sudan. Ở đó, họ được sống một cuộc sống bình yên, mọi trẻ em được vui chơi và được cắp sách đến trường..../.
(*): Tên nhân vật đã được thay đổi – theo UNICEF.