Bộ ba chủ lực của quân đội Trung Quốc

Thứ hai, 22/08/2011 15:35

Trong tuần qua, báo chí Trung Quốc đã đồng loạt công khai hình ảnh về chuyến bay thử nghiệm máy bay tiêm kích tàng hình J-20 do nước này sản xuất. Hồi đầu tháng, Trung Quốc cũng tuyên bố hạ thủy tàu sân bay đầu tiên. Theo đánh giá “bộ ba”: Tên lửa diệt tàu sân bay DF-21D, tàu sân bay Thi Lang và J-20 sẽ là quân bài chủ lực của quân đội Trung Quốc trong tương lai.

 

Máy bay tàng hình J-20. Ảnh: military-quotes.com 


Xác định rõ tầm quan trọng của biển trong kinh tế, chính trị, quốc phòng, hầu hết các quốc gia ven biển trên thế giới đã tập trung tăng cường sức mạnh quốc phòng ở trên biển. Trung Quốc không là ngoại lệ khi nền kinh tế số 2 thế giới thời gian gần đây đã đầu tư khá lớn cho các loại vũ khí tiên tiến có khả năng tác chiến cao trên biển.

J-20 là loại máy bay có khả năng tàng hình với tầm bay 2.000km mà không cần tiếp nhiên liệu trên không. Theo thiết kế, loại máy bay này có thể mang theo 35 tấn vũ khí; tốc độ tối đa 2.120km/giờ; có thể được trang bị các tên lửa tầm xa; tên lửa hành trình và nhiều loại khí tài hạng nặng khác. Các chuyên gia quốc tế đánh giá J-20 không thua kém máy bay F-35, loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Mỹ. Tuy so với Sukhoi T-50 của Nga và F-22 Raptor của Mỹ, J-20 còn thua về công nghệ tàng hình và khả năng tiết kiệm nhiên liệu, nhưng giới phân tích quân sự quốc tế cho rằng thế hệ tiêm kích mới sẽ là một dự án quân sự chủ chốt trong vòng 10 đến 20 năm tới của Trung Quốc. Theo các chuyên gia, J-20 sẽ được ưu tiên cho Hải quân khi nó được chính thức đưa vào sử dụng trong 5-7 năm tới.

Cùng với J-20, các cuộc thử nghiệm mới đây về loại tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong 21D (DF-21D), với tầm bắn đạt 1.500km và có khả năng xuyên thủng các lớp phòng thủ trên tàu sân bay với sức công phá khủng khiếp cũng cho thấy sức mạnh trên biển của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính Trung Quốc sẽ sản xuất 60 đến 80 quả tên lửa loại này cùng 60 bệ phóng tự hành.

Vũ khí mới nhất mà Trung Quốc vừa có được là tàu sân bay Thi Lang. Tuy chưa thật sự hoàn chỉnh như một tàu sân bay của Nga hay Mỹ, nhưng tàu sân bay Thi Lang cũng đã cho thấy quân đội Trung Quốc đang tiến một bước dài trên biển. Song theo giới chuyên gia, để thực sự phát huy sức mạnh của một tàu sân bay, trước mắt Trung Quốc cần hiện đại hóa hệ thống phụ trợ đi kèm, bao gồm hệ thống vũ khí trên tàu, hệ thống ra-đa, đội tàu hộ tống, tàu hậu cần và tàu ngầm bảo vệ. Ngoài ra, còn một điều rất quan trọng khác là kinh nghiệm vận hành.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực