Trước những dấu hiệu cho thấy nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đang tăng trưởng chậm lại, nhiều nhà phân tích đã đặt ra câu hỏi liệu vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu của nhóm này có lung lay?
Nhà kinh tế Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell (Mỹ) nhấn mạnh, mặc dù hầu hết các nền kinh tế mới nổi đều tăng trưởng nhanh hơn các nền kinh tế Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, nhưng tăng trưởng kinh tế của các nước BRICS đều có dấu hiệu suy giảm. Theo nhà kinh tế này, khả năng các nền kinh tế mới nổi thúc đẩy đà phục hồi của kinh tế toàn cầu đang bị thử thách.
Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết xuất khẩu của quốc gia này trong tháng 2/2012 tăng 18,4% lên 114,5 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 39,6% lên đến 145,9 tỷ USD, khiến thâm hụt thương mại của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong thập kỷ qua.
Mức thâm hụt này cho thấy tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đang chậm lại trong bối cảnh khủng hoảng nợ của châu Âu và những khó khăn của kinh tế Mỹ. Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết nước này sẽ điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP năm 2012 xuống 7,5%, mức thấp nhất kể từ năm 1990 tới nay.
Tại Brazil, chính phủ cũng hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 xuống 4,5%, thấp hơn mức dự kiến 5% đã đề ra tháng 1. Năm 2011, kinh tế Brazil chỉ tăng trưởng 2,7%.
Dữ liệu này đã làm tăng thêm mối quan ngại rằng một trong những thị trường mới nổi năng động nhất trên thế giới đang bước vào kỷ nguyên của sự "tăng trưởng bình thường."
Ngân hàng Trung ương Brazil đã phải giảm lãi suất chuẩn 0,75%, mức giảm cao kỷ lục, để thúc đẩy tăng trưởng.
Ngày 13/3, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cho biết, do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2012 của nước này điều chỉnh xuống 7% thay vì 9% như đã đề ra. Ấn Độ cũng thông báo nền kinh tế nước này chỉ tăng 6,1% trong quý 4 năm 2011, tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 2 năm qua.
Vừa qua, Chính phủ Nga cũng tuyên bố tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 điều chỉnh xuống 7,3% thay vì 7,8% và 8% như dự kiến trước đây. Không chỉ ở Nga mà tại Nam Phi, Ngân hàng Trung ương Nam Phi cũng giảm mức dự báo tăng trưởng năm 2012 từ 7% xuống khoảng 3%.
Không chỉ tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, các nước BRICS còn đối mặt với một số vấn đề nội tại. Trong bài "Hàm lượng vàng của Nhóm gạch vàng BRICS là bao nhiêu," tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) cho rằng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, loại hình kinh tế, ô nhiễm môi trường, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, dân số tăng cao và nhất là tình trạng các nước rơi vào bẫy "nước thu nhập trung bình" đang là những vấn đề đối với các thị trường mới nổi.
Bên cạnh đó, một số nước thành viên BRICS thời gian qua quá say sưa với tốc độ tăng trưởng cao và tâm lý “đuổi kịp G7” mà không tỉnh táo thấy rằng GDP bình quân đầu người của nhóm nước này vẫn thấp hơn nhiều so với GDP bình quân đầu người của G7.
Brazil là nước có GDP bình quân đầu người cao nhất của BRICS cũng chỉ ở mức 10.700 USD, tiếp đó là Nga với 10.400 USD, Nam Phi là 6.090 USD, Trung Quốc là 4.400 USD của Ấn Độ là 1.400 USD.
Trong khi đó GDP bình quân đầu người năm 2010 của G7 lên tới 39.500 USD. Thực tế này cho thấy "hàm lượng vàng" của BRICS còn rất thấp. Hơn nữa, bản thân các nước thành viên của BRICS vẫn phụ thuộc nhiều vào các nước phát triển.
Bất chấp những vấn đề nói trên, một số chuyên gia vẫn khẳng định rằng các thị trường mới nổi vẫn động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và mức suy giảm kinh tế cũng như các vấn đề của các nước BRICS là không đáng ngại.
Nhóm BRICS hiện chiếm gần 18% GDP của thế giới, là nơi cư trú của 40% số dân toàn cầu, chiếm 15% thương mại quốc tế và nắm trong tay 40% dự trữ ngoại hối toàn cầu.
Với GDP đạt gần 14.000 tỷ USD, BRICS đóng góp 30% mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu kể từ khi Goldman Sachs nghĩ ra cụm chữ cái bằng tiếng Anh "BRIC" để chỉ nhóm 4 nước mới nổi phát triển nhanh nhất thế giới (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) vào năm 2001.
Giá trị trao đổi thương mại trong nội khối BRICS đứng ở mức 230 tỷ USD năm 2010, chiếm 8% thương mại toàn cầu.
Vai trò ngày càng quan trọng của các thị trường mới nổi trong buôn bán toàn cầu không chỉ được phản ánh trong tổng khối lượng và kim ngạch hàng hóa trao đổi mà cả trong số lượng các đối tác thương mại.
Theo xếp hạng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong 25 trung tâm thương mại hàng đầu thế giới, Trung Quốc xếp đầu bảng cùng với Mỹ, Ấn Độ đứng thứ tư, Brazil giành vị trí thứ chín trong khi Nga cũng đã gia nhập danh sách này. Với 50 triệu dân và một nền kinh tế trị giá khoảng 500 tỷ USD, Nam Phi, nền kinh tế hàng đầu châu Phi, mới gia nhập BRICS vào cuối năm 2010, cũng đóng vai trò là cửa ngõ tới "lục địa đen".
Hơn nữa, BRICS ngày càng thu hút được lượng vốn đầu tư lớn của thế giới, một bằng chứng cho thấy tính cạnh tranh ngày càng cao của các nước này. Yuri Moseikin, Phó Viện trưởng Viện Doanh nghiệp và Kinh tế Toàn cầu ở Mátxcơva, nhận định BRICS thu hút nguồn vốn nóng từ các khu vực khác, nơi các nguồn tài chính hiện không thể tìm được một môi trường đầu tư thích hợp. Thêm vào đó, các thị trường BRICS ngày càng hấp dẫn giới doanh nghiệp hơn do có nguồn lao động rẻ hơn.
Trong một báo cáo công bố cuối năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Thương mại (CEBR - có trụ sở tại Luân Đôn) cho biết Brazil đã "soán ngôi" của Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Pháp. CEBR và IMF đều có chung nhận định: "Trước khi kết thúc thập kỷ này, Nga và Ấn Độ sẽ giữ vị trí tương ứng là các nền kinh tế lớn thứ tư và thứ năm thế giới."
Rõ ràng, các quốc gia phát triển đang phải đối mặt với một thực tế là bức tranh kinh tế toàn cầu đã thay đổi và trật tự kinh tế toàn cầu trước đây đang phải nhường chỗ cho một trật tự kinh tế mới, một trật tự công bằng hơn, ổn định và hợp lý hơn.
Theo ông Tao Wenzhao, nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm nghiên cứu các mối quan hệ Mỹ - Trung thuộc Đại học Thanh Hoa, đà tăng trưởng mạnh mẽ từ các thị trường đang nổi, đặc biệt là BRICS, đã "đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc kéo nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi khủng hoảng."
Nhà phân tích Alexander Trifonov cũng nhận định thị phần trong nền kinh tế toàn cầu của các nước phát triển gồm Liên minh châu Âu, Mỹ sẽ giảm và không vượt quá 40-50%. Người ta không thể bỏ qua những thay đổi về chất có thể xảy ra trong nền kinh tế toàn cầu, vì điều đó không thể tránh khỏi.
Chuyên gia Mikhail Golovin, lãnh đạo Trung tâm toàn cầu hóa và hội nhập của Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhấn mạnh rằng các thị trường mới nổi thực sự là một trong những lực lượng dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, đối mặt với viễn cảnh kinh tế ảm đạm và khả năng phục hồi chậm chạp của các nền kinh tế phát triển, BRICS nên hợp tác chặt chẽ hơn nữa, xóa bỏ những bất đồng, nhằm gặt hái những thành công rực rỡ hơn. Nhiều chuyên gia đánh giá BRICS tiếp tục là niềm hy vọng của kinh tế thế giới.