Bước đi củng cố vị thế trước thềm tổng tuyển cử tại Canađa

Thứ tư, 17/07/2013 14:11

Thủ tướng Canađa Stephen Harper (Xtê-phan Ha-pơ) đang tiến hành cuộc cải tổ nội các lớn nhất kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2006. Sự kết hợp giữa các tài năng trẻ, những nhân vật dày dạn kinh nghiệm và nhiều gương mặt nữ giới trong nội các mới sẽ báo hiệu một sự thay đổi thế hệ, khi ông Harper cố gắng tạo ra một nội các có thể giúp chính phủ tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015. 

 

Thủ tướng Canada Stephen Harper.
 (Nguồn: Vancouversun).
 

Nội các mới có 8 gương mặt mới được kỳ vọng sẽ thổi một luồng sinh khí mới vào chính phủ Bảo thủ, vốn đang bị các đảng đối lập cáo buộc rằng đang trở nên cũ kỹ và mệt mỏi. Bằng cuộc cải tổ nội các, đảng Bảo thủ không chỉ muốn chứng tỏ sự ổn định, mà cả việc họ làm tốt công tác đào tạo những tài năng, sẵn sàng thay thế các thành viên nội các kỳ cựu. Cuộc cải tổ nội các này của đảng Bảo thủ nhằm vào hai mục tiêu chiến lược trong ngắn hạn và dài hạn. Trước mắt, đây là dấu hiệu rằng chính phủ đang thay đổi đường hướng chính sách, hay ít nhất là cũng phần nào tiến bộ. Nhưng mục tiêu lâu dài là duy trì sự ổn định trong quản lý kinh tế, lấy lại lòng tin của cử tri, một cương lĩnh tranh cử mà đảng Bảo thủ tin rằng sẽ thuyết phục được cử tri trong cuộc bầu cử năm 2015.

Hơn hai năm kể từ khi giành được quyền thành lập chính phủ đa số trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2011, hiện là lúc chính quyền Bảo thủ phải thuyết phục cử tri về việc họ có thể làm gì cho người dân Canađa và tại sao họ lại xứng đáng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Thành công lớn của đảng Bảo thủ là giúp Canađa vượt qua được "bão" tài chính 2008-2009, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái hồi thập niên 1930 của thế kỷ trước, nhờ gói kích thích tài chính lớn cho nền kinh tế, và sau đó rút bỏ gói kích thích này để hướng tới khôi phục cân bằng ngân sách. Giờ đây, suy thoái kinh tế đã chấm dứt, nhưng mức tăng trưởng kinh tế của Canađa vẫn ở mức thấp.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy cử tri Canađa đang cho rằng Bảo thủ là đảng có năng lực nhất, nhưng lại kém trung thực nhất, trái ngược với những đánh giá về đảng đối lập chính Dân chủ mới (NDP). Mặc dù năng lực là một yếu tố quan trọng để thuyết phục cử tri, nhưng nếu đảng Bảo thủ không ngay lập tức điều chỉnh linh hoạt, cử tri có thể mong muốn thay đổi nhiều hơn. Cụ thể hơn, trong thời gian qua, Chính phủ của Thủ tướng Harper đã không duy trì được mối quan hệ tốt với hầu hết các nhóm cử tri lớn trong xã hội Canađa. Các cử tri cánh tả thì tin rằng chính phủ đang thúc đẩy lợi ích của các doanh nghiệp lớn, trong khi giới lãnh đạo của các công ty lớn lại thấy khó liên lạc với chính phủ, và giới khoa học và công chức có cảm giác bị chính phủ phớt lờ. Và việc cải tổ nội các chứng tỏ chính phủ mới dễ tiếp cận, hướng ngoại và sẵn sàng hỗ trợ hơn.
 

Một lợi thế của đảng Bảo thủ là cả đảng Tự do lẫn NDP hiện đều chưa thể trở thành đối thủ của họ. Nhưng còn hai năm nữa mới đến cuộc tổng tuyển cử sắp tới, và khi đó Thủ tướng Harper sẽ phải đối mặt với những đối thủ trẻ tuổi, có uy tín cùng nhóm ứng cử viên nghị sĩ giàu kinh nghiệm và ấn tượng của hai đảng trên.
 

Các gương mặt mới là một nỗ lực của Thủ tướng Harper để chứng tỏ rằng ông có nhiều người giúp việc tài năng. Số thành viên nữ trong nội các tăng lên vì ông Harper muốn thu hút sự ủng hộ của các cử tri nữ, nhưng họ hầu như không đảm nhiệm những chức vụ quan trọng, do ông Harper không muốn có bất kỳ rủi ro nào. Chính quyền Harper xác định rằng kinh tế vẫn đóng vai trò quyết định trong cuộc bầu cử sắp tới và nội các mới sẽ tạo ra sự ủng hộ mà ông đang cần. Cuộc cải tổ nội các này cho thấy, ông Harper dường như cũng không có ý định sớm "về hưu" và cuộc "Cách mạng Harper" vẫn đang tiếp tục.

Tuy nhiên, lần cải tổ nội các này đã vấp ngay phải sự chỉ trích từ các đảng đối lập. Các ý kiến cho rằng việc chính phủ Bảo thủ cải tổ nội các sẽ không dẫn đến thay đổi thực sự mà cử tri Canađa mong muốn. Theo họ, người duy nhất có quyền lực trong chính phủ hiện nay là Thủ tướng và cải tổ nội các không làm thay đổi điều này. Còn ông Bob Rae (Bốp Rây), nhà lãnh đạo tạm thời trước đây của đảng Tự do, lại cho rằng với 39 thành viên, nội các của ông Harper vẫn quá cồng kềnh, cho phép Thủ tướng tiếp tục thực hiện sự kiểm soát tối đa.
 

Việc cử tri kỳ vọng hơn vào đảng Bảo thủ là điều tất yếu sau hai chính phủ thiểu số và hơn hai năm cầm quyền của chính phủ đa số. Cuộc cải tổ nội các ngày 15/7 đang được hy vọng sẽ giúp chính phủ làm mới hình ảnh của họ. Nhưng kết quả cuộc tổng tuyển cử năm 2015 sẽ quyết định nỗ lực chuẩn bị bầu cử của Thủ tướng Harper là thành công hay thất bại./. 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực