Nhìn lại 100 năm qua, thế giới đã ghi nhận những thành tựu nổi bật: Một là, cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại mở ra kỷ nguyên CNXH hiện thực; hai là, sự thích nghi của CNTB hiện đại tạo ra xu thế liên kết khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, sự thoái trào của CNXH những năm 90 của thế kỷ trước và cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu khởi phát từ Mỹ năm 2008, đã và đang đặt thế giới trước sự lựa chọn mô hình mới cho sự phát triển.
“Cách mạng Tháng Mười và ý nghĩa thời đại của nó”- một cuốn sách hay và ý nghĩa.
(Ảnh: Quân đội nhân dân).
Sự vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười
Cách mạng Tháng Mười Nga là cột mốc lịch sử vĩ đại mở đầu giai đoạn mới của thời đại, giải phóng cho hàng tỷ người trên thế giới thoát khỏi cuộc sống bất công, áp bức, bóc lột, đưa nhân loại sang trang mới. Ở đó, giấc mơ về một xã hội tiến bộ, dân chủ, công bằng, văn minh từng bước được hiện thực hóa.
Cách mạng Tháng Mười cũng đã xác lập nên xu hướng vận động chủ đạo của lịch sử thế giới hiện đại, đó là: (1) Xu hướng phê phán, phủ định và thay thế CNTB bằng một chế độ xã hội mới tiến bộ hơn; (2) Tiếp tục tác động mạnh mẽ đến triển vọng của lịch sử loài người trong thế kỷ XXI, thế kỷ của đấu tranh chống CNTB ở cấp độ mới cao hơn, gắn với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (FIR 4.0).
Thế kỷ XXI đặt ra nội dung, yêu cầu mới cho mục tiêu phát triển. Ðó là, hòa bình và tự do; sự hài hòa giữa vật chất và tinh thần; công bằng và dân chủ; nhân văn và bền vững. Sự phát triển của mỗi cá nhân, nhóm xã hội, giai tầng, tập đoàn, quốc gia, dân tộc đều phải là điều kiện tích cực cho sự phát triển của toàn nhân loài. Những mục tiêu nêu trên được thực hiện gắn với sự tiến bộ của FIR 4.0, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IOT) và robot thông minh...
Với một xã hội như vậy khó có thể tương thích với CNTB hiện đại, sự hạn chế chật hẹp của hình thái kinh tế - xã hội mà ở đó sự tồn tại và phát triển vẫn chủ yếu nhờ vào giá trị thặng dư thông qua bóc lột lao động, chiếm hữu tư nhân TBCN, đầu cơ tài chính và chiến tranh.
Bởi vậy, mục tiêu phát triển của CNXH hiện đại tự nó đặt ra yêu cầu phải tiếp tục giải phóng và giải phóng triệt để hơn nữa để thoát khỏi con đường và chế độ TBCN trong mọi biến thể khác nhau của nó. Thực tiễn cho thấy, với việc áp dụng chủ thuyết “chủ nghĩa tự do mới” từ những năm 90 của thế kỷ trước, việc hạn chế sự can thiệp của Nhà nước, tư nhân hóa, tự do hóa triệt để đã khiến thị trường mở rộng, hệ thống kinh tế TBCN có sự đột phá trong phát triển đáng ghi nhận, đến mức năm 1992, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã vui mừng dự báo rằng: “Thế kỷ XXI có thể là thế kỷ đầu tiên trong đó đa số nhân dân thế giới được hưởng tự do kinh tế”.
Tuy nhiên, không gian kinh tế mở rộng lại khiến cho các tập đoàn tư bản độc quyền xuyên quốc gia xâm nhập sâu hơn vào các lĩnh vực, nhất là tài chính – địa ốc, nơi sản sinh ra “siêu” tỷ suất lợi nhuận ở các trung tâm kinh tế thế giới như Mỹ, Tây Âu và tạo ra cuộc đại khủng khoản tài chính – kinh tế toàn cầu (2008), sau gần 10 năm vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn tiêu điều, thậm chí lúng túng trong mô hình phát triển. Ngay từ năm 2008, tại khoá họp lần thứ 63 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, đã kêu gọi tái xây dựng “một CNTB điều chỉnh”; và năm 2009, ông Gordon Brown - Thủ tướng Anh cũng đề nghị xây dựng “cơ chế quản lý kinh tế toàn cầu mới”…
Vì thế, cho dù có hay không nói đến danh từ CNXH, thì trên thực tế nhân loại đã và đang tìm kiếm, hướng về những giá trị cốt lõi của CNXH thành quả của Cách mạng tháng Mười tạo ra, và người ta kỳ vọng sẽ hiện đại hóa nó để trở thành CNXH thế kỷ XXI gắn với xu thế phát triển của FIR 4.0.
Và chân dung của thời đại mới
Với tính cách là mô hình CNTB hiện đại trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, sự xuất hiện của chủ nghĩa tự do mới đã mang lại hào quang cho CNTB, nhưng nó cũng tô đậm những hạn chế không thể vượt qua. Với chủ nghĩa tự do mới, CNTB có tham vọng dẫn dắt thế giới đi vào toàn cầu hóa, nhưng cũng chính CNTB tự do mới lại “cực đoan hóa” tạo ra xu thế chống toàn cầu hóa hiện nay.
Theo giới nghiên cứu, trong sự bất lực của thể chế kinh tế TBCN hiện đại, nhân loại đã trở về với học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để tìm lời giải đáp. Kế sau mô hình CNXH tập trung, quan liêu, bao cấp sụp đổ và cuộc đại khủng hoảng của CNTB ở đầu thế kỷ XXI đã xóa đi tham vọng về sự “vĩnh hằng” của CNTB hiện đại.
Những biểu hiện khủng hoảng sâu sắc của nền kinh tế toàn cầu, khiến nhân loại buộc phải đặt dấu hỏi về mô hình tương lai nào cho sự phát triển của nhân loại. Theo các chuyên gia kinh tế, kể cả các học giả phương Tây đã có nhận định rằng, CNTB hiện đại có thể chỉ phù hợp với thế kỷ XX và nó không còn đóng vai trò lịch sử trong thế kỷ XXI, vì nó không còn tương thích với những yêu cầu khách quan của nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ XXI.
Cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài chưa có hồi kết trong gần thập kỷ qua, một lần nữa lại chứng minh CNXH có sức sống và tính ưu việt thông qua cải cách, đổi mới và phát triển. Sự vươn lên của một số quốc gia theo định hướng XHCN với dân số chiếm gần 20% dân số toàn cầu, đã liên tục dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế suốt gần 30 năm qua và vươn lên đứng hàng thứ hai thế giới về GDP là minh chứng cho điều đó.
Mới đây, nhiều chuyên gia nghiên cứu xã hội học đều công khai đánh giá Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Cách mạng Tháng Mười không chỉ là thành tựu của giai cấp vô sản, mà là con đường của tất cả các tầng lớp nhân dân, lực lượng cách mạng, các dân tộc bị bóc lột, áp bức và toàn thể nhân loại tiến bộ, chân lý này đang được minh chứng sinh động ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ la-tinh, nơi phong trào cánh tả đang dấy lên thành một cao trào mới kiến tạo CNXH thế kỷ XXI.
Ở Việt Nam, sau thắng lợi giải phóng và thống nhất đất nước, từ năm 1986 đến nay, Ðảng và nhân dân Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới với những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Trước thử thách nghiệt ngã của thời cuộc, Việt Nam vẫn kiên trì mục tiêu, lý tưởng và con đường CNXH do Cách mạng Tháng Mười tạo ra; tích cực tìm tòi, khám phá hướng đi mới đúng đắn, phù hợp hơn.
Mô hình XHCN và con đường đi lên CNXH của Việt Nam ngày càng được sáng tỏ hơn. Ðất nước giữ vững ổn định chính trị - xã hội; dân chủ được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, tạo ra động lực mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao; đời sống của nhân dân đã cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo đói giảm nhanh; chỉ số phát triển con người cải thiện trên 30 bậc, đem lại sinh lực và sức sống mới cho sự nghiệp đổi mới.
Việt Nam hiện nay đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 178 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và các tổ chức quốc tế hàng đầu; đồng thời phát triển quan hệ đa phương, đa dạng với các đối tác nước ngoài theo tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Những nhân tố đã giúp Việt Nam đổi mới thành công rất đa dạng, nhưng trước hết phải là sự kiên định mục tiêu, lý tưởng XHCN, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tinh thần Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn mãi mãi là một trong những cội nguồn của động lực, sức mạnh để Việt Nam hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.