(ĐCSVN) – Trong khuôn khổ các cuộc gặp gỡ tại Lisbon (Bồ Đào Nha) ngày 19 và 20/11, các nhà lãnh đạo NATO đã thông qua một “khái niệm chiến lược mới”, đóng vai trò là kim chỉ nam đối với các hoạt động của liên minh quân sự này trong vòng 10 năm tới.
|
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen (Ảnh: Ria Novosti) |
Khái niệm mới bày tỏ thiện chí của các nhà lãnh đạo NATO trong nỗ lực nhằm xây dựng một “mối quan hệ đối tác chiến lược” thực sự với Nga. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nhà phân tích thì trước những bất đồng về chính trị cũng như những “sứt mẻ” về lòng tin vốn đã tồn tại trong một thời gian dài giữa NATO và Nga thì xem ra, mục tiêu này sẽ khó có khả năng trở thành hiện thực trong tương lai gần.
Kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, cụm từ “đối tác” thường xuyên được đề cập đến trong các cuộc thảo luận về mối quan hệ Nga-NATO. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực trên đã bị chặn đứng bởi một loạt những bất đồng khó hoà giải giữa Nga và NATO, điển hình như kế hoạch hướng đông của NATO cũng như cuộc xung đột giữa Nga và Grudia hồi năm 2008.
Cho đến năm 2009, nhờ những thiện chí “cài đặt lại” mối quan hệ Nga-Mỹ cũng như những diễn biến tích cực trong mối quan hệ giữa Nga và các nước châu Âu, tương lai tươi sáng cho mối quan hệ hợp tác Nga-NATO mới bắt đầu le lói.
Đầu tháng 11/2010, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã có chuyến công du đến thủ đô Moscow. Nhân cơ hội này, người đứng đầu liên minh quân sự lớn nhất hành tinh đã nhấn mạnh rằng, phương Tây không xem Nga là một kẻ thù mà trái lại, đối với phương Tây, Nga đóng vai trò là một đối tác có tầm quan trọng chiến lược.
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Lisbon cuối tuần trước, Nga cũng đã chấp nhận lời mời của NATO nhằm tham gia vào việc hình thành nên một hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu. Không chỉ dừng lại ở đó, Tổng thống Dmitry Medvedev còn khẳng định rằng, Nga sẵn sàng hợp tác với NATO trong công việc giám sát các chương trình hạt nhân tại các quốc gia khác, gồm cả Iran.
Về phần mình, ông Medvedev cũng hoan nghênh cuộc họp Hội đồng Nga-NATO diễn ra ngày 20/11 tại Lisbon. Bên cạnh đó, Tổng thống Nga cũng cho biết, tại sự kiện này, hai bên đã bày tỏ hết những quan điểm vốn e ngại chưa được nói ra trong quá khứ và trên thực tế, cuộc họp Hội đồng Nga-NATO đã diễn ra trong một bầu không khí mang tính xây dựng, dân chủ và cởi mở.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng đưa ra nhận định lạc quan về tương lai mối quan hệ Nga-NATO khi cho rằng, hai bên đều có thiện chí hợp tác trong một số lĩnh vực nhất định mà cả Nga và NATO đều chia sẻ những mối quan tâm chung. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, NATO thực sự cần vai trò hợp tác và hỗ trợ của Nga trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố, ngăn chặn sự phổ biến của vũ khí huỷ diệt hàng loạt, thắt chặt an ninh năng lượng, giải quyết những bế tắc xung quanh chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran và tình hình tại Afghanistan. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, các đối tác lớn, với một quá khứ dài “mất lòng tin” ở nhau sẽ không thể chuyển hướng về quan điểm trong một sớm một chiều.
Trong khi nhắc lại quan điểm của NATO rằng liên minh quân sự này không hề áp đặt bất kỳ một cấu trúc phòng thủ tên lửa cụ thể nào đối với nước Nga thì ông Rasmussen cũng không quên khẳng định lập trường của liên minh quân sự này trong việc sẵn sàng công nhận tư cách thành viên của Grudia-một điều bấy lâu nay luôn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Nga.
Bên cạnh đó, người đứng đầu NATO cũng tái khẳng định lập trường nhằm công nhận tính toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Grudia và thừa nhận, đây chính là một trong những chủ đề gai góc nhất trong mối quan hệ giữa NATO và Nga.
Phát biểu trước phóng viên, một chuyên gia phân tích về các vấn đề quốc phòng tại Moscow, ông Pavel Felgengauer nhấn mạnh: Cho dù cả Nga và NATO đều không muốn đối đầu, song chưa ai trong số họ có thể tìm ra một con đường chung để cùng tồn tại và cho đến nay, những vấn đề vốn đã tốn nhiều thời gian tranh cãi giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết. Theo chuyên gia này thì cả Nga và NATO vẫn cần đi qua một quãng đường dài để có thể thu hẹp khoảng cách về những vấn đề bất đồng từ lâu./.