Cân bằng để tái can dự
Thứ hai, 05/12/2011 14:09 (GMT+7)
Châu Á - Thái Bình Dương luôn là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt, cả về chính trị, quân sự lẫn kinh tế. Đó chính là lý do khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama (Barack Obama) nhanh chóng trở lại khu vực này để thực hiện chính sách tái can dự tích cực.
Sau Chiến tranh Lạnh, các căn cứ chiến lược và ngoại giao của các nước lớn như Mỹ và Anh tại châu Á-Thái Bình Dương đã bị đóng cửa hoặc thu nhỏ lại. Vô hình trung an ninh trong khu vực này về cơ bản được chuyển giao cho Ôxtrâylia và Niu Dilân. Điều này lý giải tại sao Mỹ lại quyết định đến với xứ sở Cănggaru (Kangaroo) để bắt đầu xây dựng lại hình ảnh của mình. Sau chuyến thăm Ôxtrâylia mới đây, một thỏa thuận quân sự đã được ký kết giữa hai bên, theo đó khoảng 250 lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ bắt đầu huấn luyện ở Vùng lãnh thổ phía Bắc của Ôxtrâylia từ năm 2012 trên cơ sở luân phiên 6 tháng một lần, tăng lên cấp tiểu đoàn gồm 1.000 lính vào năm 2014 và cấp Đơn vị đặc nhiệm trên không - trên bộ gồm 2.500 lính vào năm 2016. Ngoài ra, máy bay Mỹ sẽ sử dụng nhiều hơn căn cứ Tinđan (Tindal) của Không quân Hoàng gia Ôxtrâylia (RAAF) ở miền Bắc nước này, đồng thời sẽ có nhiều tàu nổi và tàu ngầm (kể cả tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân) đi qua cảng Xtalinh (Stirling) ở Tây Ôxtrâylia.
Tuy số lượng thủy quân lục chiến Mỹ đồn trú ở Đauyn (Darwin) không lớn, nhưng ý nghĩa chiến lược thì rất lớn. Hiệp ước tăng cường an ninh với Ôxtrâylia là một phần vô cùng quan trọng trong cuộc đua mở rộng tầm ảnh hưởng tại châu Á đang gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ. Tổng thống Ôbama đã nhấn rằng Mỹ đang thực hiện cam kết trở lại châu Á - Thái Bình Dương. Và việc tăng cường quân đội tới khu vực này là một trong những hành động cụ thể để khẳng định cam kết đó. Thực chất, động thái này phát đi nhiều thông điệp. Thứ nhất, Oasinhtơn muốn thể hiện cam kết đảm bảo an ninh cho các đồng minh châu Á theo kiểu "ô quân sự". Thứ hai, Mỹ muốn gặt hái một số lợi ích kinh tế ở đây và củng cố vị thế lãnh đạo tại khu vực này. Thứ ba, Mỹ muốn cho các nước lớn trong khu vực biết rằng trách nhiệm luôn đi kèm với tham vọng trở thành cường quốc thế giới. Thực tế, kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn nên củng cố quân sự là cách để Mỹ lấp đầy khoảng trống quyền lực, coi đó là công cụ chính trị để đạt được những thỏa thuận cần thiết.
Việc chia sẻ các căn cứ quân sự ở Ấn Độ Dương với hải quân Ôxtrâylia, đưa thêm chiến hạm cao tốc tới Xinhgapo, đưa ra kế hoạch đầu tư máy bay tàng hình, máy bay trinh sát không người lái, chiến hạm và các phương tiện chiến tranh không gian và tin học, đã phần nào cho thấy Mỹ tôn trọng lời hứa với các đồng minh ở châu Á. Trước sự lo ngại của nhiều nước về việc tình trạng thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ gây khó khăn cho chính sách quân sự, Tổng thống Ôbama đã khẳng định sự hiện diện của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục được tăng cường. Các chân rết của quân đội Mỹ tại châu Á sẽ không giảm khi ngân sách quốc phòng của Mỹ bị cắt giảm 400 tỷ USD trong 10 năm tới. Và Oasinhtơn sẽ phải làm được điều đó nếu không muốn nhường ảnh hưởng mà họ đang gây dựng lại tại khu vực này cho nước khác.
Tái can dự vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, Mỹ dường như đang nuôi hy vọng thời hoàng kim sẽ sớm trở lại. Bên cạnh uy tín chính trị đang ngày một tăng, các nước châu Á - Thái Bình Dương có thể mang lại cho Mỹ nhiều lợi ích về mặt kinh tế, nhất là khi nền kinh tế đầu tàu thế giới này đang thiếu nghiêm trọng động lực nội sinh. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm gần nửa dân số thế giới, tập trung phần lớn các đầu tàu kinh tế toàn cầu, tập hợp phần đông các đồng minh và bao gồm nhiều cường quốc mới trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ và Inđônêxia. Những yếu tố đó đủ sức hút để Mỹ đẩy mạnh Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), coi đây là trọng điểm trong chiến lược quay trở lại châu Á.
Trong chuyến thăm châu Á kéo dài 9 ngày vừa qua của Tổng thống Ôbama, hàng loạt hợp đồng mua bán giữa các tập đoàn kinh tế Mỹ đã được ký kết với các đối tác châu Á, trong đó có tập đoàn sản xuất máy bay Boeing và tập đoàn sản xuất phụ tùng ô tô của Mỹ, giúp tăng giá trị xuất khẩu của nước này lên tới 390 tỷ USD và tạo thêm 1,3 triệu việc làm. Chưa hết, châu Á còn là một thị trường đầy tiềm năng với các hợp đồng mua bán vũ khí béo bở, với 7/10 công ty hàng đầu thế giới là của Mỹ. Trong giai đoạn 2010-2011, Mỹ đã bán vũ khí cho Philíppin, Đài Loan, Inđônêxia, Malaixia, Xinhgapo với tổng giá trị lên tới 460 tỷ USD.
Nền kinh tế Mỹ đang hướng tới châu Á và Oasinhtơn hoàn toàn có thể khéo léo đưa mình vào cơ cấu kinh tế, an ninh đa phương tại châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sự can dự của Mỹ vào khu vực này có thể gặp khó khăn do những bất đồng chính trị trong nước cũng như yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu. Giảm can thiệp quân sự tại Irắc và Ápganixtan có thể hỗ trợ cho chiến lược của Mỹ chuyển hướng sang châu Á, nhưng cũng cần tới một nỗ lực đồng thuận hơn để cân bằng vai trò của Mỹ trong các cam kết lớn hơn, hiệu quả hơn với châu Á, đặc biệt là về phương diện kinh tế. Bên cạnh đó, nước Mỹ cũng phải chú trọng tới những nguyên tắc mới trong sử dụng sức mạnh quân sự và có sự linh hoạt trong điều chỉnh chính sách và chiến lược. Chỉ có làm được như vậy thì con tàu Mỹ mới cập được bến và sự tái can dự của Oasinhtơn ở châu Á - Thái Bình Dương mới mang tính tích cực theo đúng nghĩa./.