Căn nguyên kế họach giải cứu Hy Lạp không thành công

Thứ bảy, 17/09/2011 10:18

(ĐCSVN) - Mặc dù hơn 53 tỉ euro giải cứu Hy Lạp lần thứ nhất đã được giải ngân nhưng mục tiêu đặt ra không đạt được, thậm chí nền kinh tế Hy Lạp ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Vậy vì sao gói cứu trợ của châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) không giúp Hy Lạp cải thiện được tình hình?

 

Hơn 53 tỉ euro giải cứu Hy Lạp lần thứ nhất đã được giải ngân
nhưng mục tiêu đặt ra không đạt được
 (ảnh minh hoạ)


Theo đánh giá của Giáo sư Dominique Plihon (Pháp), có 3 nguyên nhân mà chính sách hỗ trợ Hy Lạp không đem lại kết quả: Thứ nhất, châu Âu quá lạc quan khi cho rằng Hy Lạp sẽ nhanh chóng thóat khỏi khủng hoảng bởi theo đánh giá của họ, khi áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng, Hy Lạp sẽ giảm bớt nợ công và bội chi ngân sách. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu như Hy Lạp có mạng lưới kinh tế và công nghiệp đạt hiệu quả, có tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao; Thứ hai, Hy Lạp không hội tụ đủ cả 2 yếu tố (mạng lưới kinh tế công nghiệp hiệu quả và tăng trưởng kinh tế cao). Vì vậy, chừng nào Hy Lạp vẫn còn phải đi vay tiền quốc tế và trả lãi suất cao hơn so với tỉ lệ tăng trưởng kinh tế thực thì chưa thể tính tới khả năng giải quyết được các khoản nợ. Khác với Hàn Quốc sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 và khủng hoảng nợ ở Braxin và Áchentina, Hy Lạp hòan tòan không có khả năng phá giá đồng tiền để đẩy mạnh xuất khẩu nhằm lấy lại cân bằng trong cán cân vãng lai. Hơn nữa, cơ chế tài chính chung trong khu vực đồng euro chưa thực sự hoàn chỉnh, cho nên khi Hy Lạp lâm vào khủng hoảng nợ thì không có một cơ quan nào có đầy đủ chức năng để đứng ra bảo lãnh các khoản nợ của Hy Lạp để trấn an các nhà đầu tư; Thứ ba, kinh tế và tài chính Hy Lạp không được cải thiện do các kế họach được gọi là “trợ giúp” tài chính trong khu vực đồng euro. Mặc dù Hy Lạp được vay vốn với giá ‘phải chăng” so với đòi hỏi của các nhà đầu tư nhưng Hy Lạp vẫn phải trả lãi suất 5%, trong khi Liên minh châu Âu đi vay với lãi suất chỉ 3% và dùng khoản tín dụng đó cho Hy Lạp mượn với lãi suất cao hơn gần gấp đôi. Thậm chí, Hy Lạp còn phải đi vay vốn với lãi suất cực cao, gấp 3-4 lần mức các ngân hàng trung ương khác phải trả và phải chịu thêm lãi mẹ đẻ lãi con. Lãi suất vay vốn thời hạn 10 năm phải trả liên tục tăng, từ mức 12% (tháng 5/2010) lên hơn 17% (tháng 7/2011). Chừng nào mức lãi suất vay nợ tỉ lệ nghịch với tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tế, thì chưa thể nói tới khả năng Hy Lạp giải quyết được khủng hoảng nợ.

Châu Âu không bao giờ chấp nhận giải pháp Hy Lạp bỏ đồng tiền chung euro vì điều đó sẽ làm cho đồng tiền euro tan vỡ mà không có lý do chính đáng, và Châu Âu không thể tồn tại mà không có đồng euro, hiện đang được hơn 30 triệu người ở 17/27 nước thành viên châu Âu sử dụng. Chương trình trợ giúp Hy Lạp của Châu Âu đang gặp phải 3 trở ngại lớn: Một là do chưa có các nghiên cứu cụ thể về tình hình Hy Lạp; Hai là, châu Âu muốn duy trì một nguyên tắc đối xử bình đẳng với tất cả các nước được trợ giúp; Ba là, việc trợ giúp Hy Lạp không thể được tiến hành nếu như các thành viên châu Âu có ấn tượng rằng, nước được trợ giúp đã không thực hiện các cố gắng cần thiết. Bên cạnh đó, kế họach giải cứu Hy Lạp gặp khó khăn cũng do bởi trách nhiệm và sự đòan kết giữa các nước EU đang bị đe dọa, nhiều nước EU đang thu mình vào vỏ bọc, không quan tâm đến tương lai trung và dài hạn của tổ chức.

Châu Âu đề xuất một loạt kế hoạch dùng nguồn tài chính của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) để mua lại hoặc hoán đổi số trái phiếu chính phủ của Hy Lạp mà các nhà đầu tư tư nhân đang nắm giữ, khi họ đang đối mặt với những thiệt hại, do giá những trái phiếu này đã giảm tới 50% so với ban đầu. Với khối nợ khổng lồ là 340 tỷ euro của Hy Lạp, các nhà đầu tư tư nhân chắc chắn phải chấp nhận lỗ khi bán trái phiếu của Hy Lạp, còn lĩnh vực công sẽ được lợi. Một khả năng nữa là EFSF sẽ hoán đổi trái phiếu của Hy Lạp với trái phiếu mà quỹ phát hành và bảo lãnh. Việc mua lại trái phiếu được xem là giải pháp khả thi nhất, vì theo cách này, nợ công của Hy Lạp có thể giảm 20 tỷ euro.

Các nước châu Âu đang thực sự bất lực trong việc tìm ra một sự đồng thuận trong kế họach trợ giúp Hy Lạp lần thứ 2 trị giá 109 tỷ euro. Sở dĩ các cuộc thương thuyết bị cản trở là do bất đồng giữa Ngân hàng Trung Ương châu Âu, IMF và các nước Đức, Pháp trong việc mời các nhà cấp vốn tư nhân tham gia kế họach cứu Hy Lạp. Theo IMF, EU cần xác định rõ hơn vai trò của khu vực tư nhân trong các kế hoạch cứu trợ vỡ nợ và kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân đóng góp lớn hơn để cứu Hy Lạp khỏi nguy cơ vỡ nợ bởi vì bất kỳ sự chậm trễ nào trong vấn đề này đều có thể gây thiệt hại nặng nề cho Khu vực đồng euro và nền kinh tế toàn cầu. Đức và Pháp sẽ bị thiệt hại nặng nề nhất do bởi ngân hàng ở 2 nước này nắm giữ hàng chục tỉ euro nợ quốc gia của Hy Lạp.

Trong gói cứu trợ lần 2 cho Hy Lạp, châu Âu công bố sẽ thay đổi, nới lỏng các điều kiện cho vay giải cứu của quỹ EFSF 440 tỷ Euro để ngăn thị trường bị chao đảo. Lãi suất cho Hy Lạp vay sẽ giảm xuống mức 3,5% và không phải trả lại vốn trong vòng 30 năm. Các giải pháp này sẽ giúp Hy Lạp cắt giảm được 26 tỷ Euro trong tổng số nợ lên đến 340 tỷ Euro trước năm 2014.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực