Tuyên bố của Tổng thống Pháp François Hollande về chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp vào Mali mang tên "Mèo sa mạc" (Serval) ngày 11/1 có phần bất ngờ với dư luận, song không quá khó hiểu.
Trước diễn biến tình hình nhanh chóng, với sự tấn công mạnh mẽ của các lực lượng Hồi giáo cực đoan nhằm tiến xuống miền Nam Mali, Tổng thống Pháp Hollande, viện dẫn lời kêu gọi Pháp giúp đỡ của Tổng thống tạm quyền Mali Dioncounda Traoré trên cơ sở Nghị quyết 2085 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) hồi tháng 12/2012, đã có quyết định bất ngờ, quyết đoán về hành động can thiệp quân sự của quân đội Pháp ở Mali, bên cạnh lực lượng của một số nước châu Phi và quân đội chính phủ Mali.
Ban đầu, Pháp chỉ cam kết giúp quân đội Mali trong khâu huấn luyện, đào tạo hay hậu cần, y tế nhằm giúp lực lượng chính phủ Mali giành lại những phần lãnh thổ miền Bắc đã mất sau nhiều tháng.
Song quyết định can thiệp quân sự bất ngờ và có phần vội vã của Pháp ở Mali, theo giám đốc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (Iris) Pascal Boniface, là hệ quả của các cuộc tấn công bất ngờ, nhanh chóng với mục tiêu tiến xuống miền Nam của lực lượng Hồi giáo cực đoan đang kiểm soát miền Bắc nước này.
Theo ông Boniface, trên thực tế, không có sự thay đổi trong chính sách của Pháp, song đã có sự thay đổi đột ngột trong lịch trình, diễn biến tình hình tại Mali.
Ngược dòng thời gian, trong khoảng 20 năm, Mali đã đem đến cho thế giới hình ảnh về một đất nước ổn định, dân chủ. Tuy nhiên, đến tháng 3/2012, một cuộc đảo chính quân sự đã dẫn đến việc chia cắt đất nước này, có lợi cho lực lượng nổi dậy người Touareg và các lực lượng Hồi giáo cực đoan chiếm đóng miền Bắc đất nước.
Chiến dịch tấn công của Aqmi (nhánh Al Qaeda ở khu vực Bắc Phi) và đồng minh Ansar Dine, Mujao (phong trào độc tôn và thánh chiến ở Tây Phi) từ ngày 8/1 xuống miền Nam Mali, càng làm cho tình hình biến đổi nhanh theo chiều hướng phức tạp.
Liên hợp quốc đã yêu cầu thiết lập nhanh một lực lượng quốc tế ở Mali. Trong cuộc can thiệp quân sự lần này, khác với cuộc chiến trước đây ở Libya, Pháp với tư cách một nước phương Tây, đã hành động quân sự một mình trên thực địa, trong khi chỉ nhận được lời hứa hỗ trợ, giúp đỡ về hậu cần, kỹ thuật, thông tin tình báo từ phía Anh và Mỹ.
Pháp bị đặt vào thế phải lựa chọn giải pháp trong khi chờ đợi các nước khác ủng hộ lập trường của họ, trước khi đánh giá là để tình hình quá muộn. Trong chiến dịch quân sự này, Pháp hướng tới ba mục tiêu: chấm dứt các cuộc tấn công của lực lượng Hồi giáo cực đoan, bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Mali và chuẩn bị triển khai các lực lượng châu Phi dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.
Thời cơ và hậu thuẫn
Tám tháng sau khi lên nắm quyền lãnh đạo nước Pháp, đây là lần thử lửa đầu tiên với Tổng thống Hollande trên cương vị Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, với quyết định can thiệp quân sự của Pháp trong cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Mali.
Nhìn chung, về mặt chính trị, Tổng thống Pháp Hollande kêu gọi tinh thần yêu nước, bảo vệ kiều dân Pháp ở Mali và nhận được sự đồng thuận tầm quốc gia với sự ủng hộ của giới quân sự về hành động can thiệp. Với các đảng phái đối lập tại Pháp, phần lớn ủng hộ và chưa có đảng nào ra mặt phản đối hành động can thiệp quân sự của Pháp ở Mali.
Hơn nữa, có thể người đứng đầu nước Pháp cũng đã suy tính trên quan điểm thực dụng, ở thời điểm giới chức đối ngoại và quân sự Pháp suy xét thấy có lợi thế để hành động. Trên thực tế, Pháp có một cộng đồng khoảng 6000 kiều dân sinh sống ở Mali và ngược lại cũng có một cộng đồng đông đảo khoảng 100.000 kiều dân Mali sống tại Pháp.
Trên tất cả, có lẽ chính quyền Pháp nhận thấy có đủ phương tiện và khả năng hành động nhằm tăng cường vị thế và ảnh hưởng quốc tế trong việc can thiệp quân sự trực tiếp vào Mali.
Trong xu thế này, ngày 13/1, đại diện nhiều hội đoàn thuộc cộng đồng kiều dân Mali sinh sống ở Pháp đã được Tổng thống Pháp Hollande tiếp và trao đổi về hành động can thiệp quân sự của Pháp ở Mali. Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Hội đồng tối cao người Mali ở Pháp, Hamedy Diarra, đã gửi lời cảm ơn đến Tổng thống Pháp Hollande vì quyết định dũng cảm của Pháp.
Phát biểu với giới truyền thông ngày 13/1, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố Pháp đang trong cuộc chiến chống khủng bố. Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso trong cuộc tiếp xúc với Tổng thống Pháp Hollande tại điện Elize đã khẳng định lại sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU) trước việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Mali và vì thế ủng hộ chiến dịch can thiệp quân sự đang diễn ra.
Một hội nghị thượng đỉnh bất thường của Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) nhằm thành lập một lực lượng can thiệp chống lại các lực lượng Hồi giáo cực đoan chiếm đóng miền Bắc Mali, cũng sẽ diễn ra ngày 16/1 tại Abidjan, Bờ biển Ngà.
Dự kiến Nigeria, nước có thực lực quân sự mạnh nhất trong khối ECOWAS, sẽ gửi 600 quân đến Mali. Các nước Burkina Faso, Nigeria và Senegal đã cam kết gửi mỗi nước 500 quân trong khuôn khổ Lực lượng Hỗ trợ Quốc tế tại Mali (AFISMA), cùng khoảng 5000 binh lính Mali để giành lại miền Bắc nước này.
Theo Đại úy Amadou Sanogo, chỉ huy lực lượng đảo chính ở Mali tháng 3/2012, đồng thời đứng đầu một ủy ban quân sự chính thức, Pháp đã đóng vai trò hàng đầu bên cạnh quân đội Mali, cho phép chặn bước tiến của lực lượng Hồi giáo cực đoan và giành lại những vùng đất đã mất quyền kiểm soát.
Ngày 13/1, sau các đợt tấn công đường không nhằm chặn đường di chuyển của lực lượng Hồi giáo cực đoan, không quân Pháp đã bắt đầu có sự chuyển hướng, tập trung ném bom vào hậu cứ của lực lượng này ở miền Bắc. Algeria đã cho phép không quân Pháp bay qua không phận nước này để tiến hành các vụ ném bom xuống miền Bắc Mali.
Các nguồn tin từ phủ Tổng thống Pháp cho hay lực lượng quân sự Pháp đã khá kinh ngạc trước sự chống trả của các lực lượng Hồi giáo cực đoan được trang bị vũ khí hiện đại và được huấn luyện tốt.
Trong ngày 13/1, Tổng thống Pháp Hollande đã có cuộc họp với các bộ trưởng, tham mưu trưởng, lãnh đạo cơ quan tình báo đối ngoại để bàn về các bước tiếp theo trong chiến dịch quân sự ở Mali. Các nguồn tin an ninh khu vực cho biết có ít nhất 46 phần tử Hồi giáo cực đoan đã bị tiêu diệt.
Quân đội Mali cũng ghi nhận có 11 binh sĩ thiệt mạng, khoảng 60 binh sĩ bị thương, và một sĩ quan Pháp tử nạn ở thị trấn Konna, miền Trung Mali. Hiện các đơn vị quân đội Pháp đã được triển khai ở thủ đô Bamako để đảm bảo an ninh cho kiều dân Pháp. Một số đơn vị của châu Phi đến từ Bờ biển Ngà và Cộng hòa Sát, đã đến Mali.
Nguy cơ và thách thức
Bên cạnh những hậu thuẫn và ủng hộ Pháp trong chiến dịch can thiệp quân sự ở Mali, không phải Pháp không gặp sự phản đối, cùng những mối de dọa, thách thức. Cựu Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin thuộc cánh hữu đối lập phát biểu với giới truyền thông ngày 13/1 cho rằng lập luận của chính quyền Pháp về "cuộc chiến chống khủng bố" khiến ông lo lắng.
Cũng từng là cựu Ngoại trưởng Pháp, vào tháng 2/2003, ông de Villepin đã đại diện cho nước Pháp trước diễn đàn Liên hợp quốc tuyên bố Pháp không tham gia cuộc chiến Iraq. Vì thế, xét bối cảnh hiện tại, ông de Villepin cho rằng các điều kiện thành công đối với Pháp không hội đủ ở Mali.
Theo ông de Villepin, Pháp đang tiến hành một cuộc chiến dò dẫm, thiếu tính mục đích, thiếu một đối tác bền vững ở Mali, một đất nước không có Tổng thống chính thống từ tháng 3/2012 và Thủ tướng từ tháng 12/2012, trong khi binh lính Pháp chiến đấu bên cạnh một quân đội Mali chia rẽ, và một thể chế nhà nước rất yếu.
Liệu đây có phải là lời cảnh báo thực tình từ một nhà ngoại giao kỳ cựu của nước Pháp hay là sự phản ứng thường thấy từ phía các chính khách đối lập.
Chưa thể có câu trả lời ngay lúc này, song quả thực Pháp đang dấn bước vào một cuộc chơi mạo hiểm mới xen lẫn cơ hội và rủi ro cả trên bình diện đối ngoại lẫn đối nội.
Ngoài ra, có những mối đe dọa không thể xem nhẹ khác với nước Pháp. Người phát ngôn của lực lượng Hồi giáo cực đoan Ansar Dine, Sanda Ould Boumama, tuyên bố hành động can thiệp quân sự của Pháp chống lại lực lượng Hồi giáo ở Mali sẽ gây ra những hậu quả cho công dân Pháp sống trong thế giới Hồi giáo.
Trong khi đó, đại diện phát ngôn của tổ chức Aqmi Abdallah al Chinguetti trong một đoạn băng video phát trên mạng Internet, đã yêu cầu Pháp xem xét lại hành động can thiệp ở Mali, khi đề cập đến số phận các con tin người Pháp đang nằm trong tay các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở châu Phi.
Bước sang năm mới 2013, sau vụ sát hại 3 nhà hoạt động người Kurd tại Paris và việc phát động chiến dịch can thiệp quân sự ở Mali, người dân Pháp một lần nữa đang sống với cảm giác bất an khi hệ thống cảnh báo an ninh quốc gia đã được nâng lên mức "đỏ tươi", chỉ dưới mức cảnh báo cao nhất "màu hồng điều", với nguy cơ khủng bố rình rập, khiến lực lượng cảnh sát và an ninh của Pháp đặt trong tình trạng thường trực hành động.
Với người dân Pháp quen sống trong an bình và ít khi phải chịu những mối đe dọa lớn về an ninh, thì sự cảnh báo mới này cũng đủ để họ lo lắng và thận trọng hơn khi ra khỏi nhà, đi làm, hay xuất hiện ở các điểm công cộng như nhà ga, sân bay...
Chuyện nên hay không nên triển khai chiến dịch quân sự của Pháp ở Mali có lẽ còn cần phải có thời gian để trả lời với nhiều phân tích, đánh giá, tuy nhiên, mong muốn được hưởng cuộc sống an bình, không có chiến tranh là khát vọng muôn thuở không chỉ của người dân Pháp, Mali mà còn của hàng tỷ người dân sống trên toàn thế giới./.