Điểm nóng Trung Đông với tâm điểm là Syria những ngày qua tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.
Vốn đã là thông lệ quốc tế, khi một quốc gia, một khu vực nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp, thậm chí xung đột vũ trang… nếu tự thân các quốc gia này không thể xử lý được vấn đề thì rất cần một sự “trung gian hòa giải” hoặc tham gia giải quyết của cộng đồng quốc tế. Thế nhưng trong trường hợp nào thì cần có sự tham gia; sự tham gia đó cần và phải “khống chế” ở mức độ nào; trách nhiệm của các bên tham gia phải được xác định ra sao để “cái xứ mạng” mà họ gánh vác sẽ thực sự mang lại hiệu quả?!
|
Trung Quốc mong muốn sự ổn định và trật tự xã hội nhanh chóng được khôi phục ở Syria (Ảnh: Internet) |
Nhìn lại những biến cố thời gian qua ở các quốc gia trong cuộc như Afghanistan, Iraq, Ai Cập… rồi nay đang là Syria và có thể là cả Iran… người ta nhận thấy được một điều rằng, sự tham gia của quốc tế đang trở thành sự can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia này, quốc gia kia và nó sẽ không thể mang lại kết quả như mong muốn.
Ở các quốc gia này, dẫu mục tiêu vẫn được mang danh tốt đẹp như “tiêu diệt khủng bố”, “ngăn chặn bạo lực” hay “bảo vệ dân thường” … thì cuối cùng cũng là “lật đổ” một thể chế này thay bằng một chính thể khác …
Thế nhưng căn nguyên của vấn đề trên thực tế vẫn không thể giải quyết: Mâu thuẫn, bạo lực, xung đột vẫn tiếp diễn, thương vong, thiệt hại cho dân thường vẫn xảy ra… trong khi hòa bình, ổn định và phát triển vẫn chỉ là một tương lai xa vời.
Chính kết cục này khiến dư luận không thể chấp nhận và đặt nhiều nghi vấn cho tính hiệu quả của sự “can thiệp quốc tế”. Mà “quốc tế” ở đây chỉ là một nhóm các nước phương Tây và Mỹ. Người ta đã phải hỏi rằng “đâu là tính chính nghĩa khi tấn công Iraq và tiêu diệt Saddam Hussein được lý giải là để diệt trừ hiểm họa của các loại vũ khí giết người hàng loạt ở nước này?”
Sau khi đã lật đổ được chính quyền của Tổng thống Husein thì vũ khí giết người hàng loạt đã không được tìm thấy. Người ta đã phải hỏi rằng “đâu là sự thực của việc thực thi Nghị quyết của HĐBA LHQ để bảo vệ dân thường Libya mà người ta lại dùng tấn công quân sự để tiêu diệt Tổng thống Muammar Gaddafi?”
Khi chế độ của ông Ghaddafi đã được thay đổi bằng chính quyền của lực lượng đối lập thì cuộc sống của người dân Libya vẫn chưa được cải thiện và những cuộc biểu tình chống đối vẫn đang diễn ra... Rồi còn Afghanistan với đầy rẫy khó khăn trong nỗ lực ổn định lại tình hình sau cuộc chiến chống khủng bố và hết sức phức tạp bởi sự có mặt của các lực lượng quân đội nước ngoài; còn Tunisia, Ai Cập… những quốc gia mà những cuộc chính biến lật đổ chính quyền xảy ra cách nay tròn 1 năm thì khó khăn vẫn tiếp nối khó khăn?
Giờ đây Syria với chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad đang trở thành đối tượng tiếp theo trong các nỗ lực can thiệp của quốc tế. Mục tiêu đưa ra cũng là để chấm dứt bạo lực đối với dân thường.
Nhưng không phải là vô cớ khi sự can thiệp quốc tế ấy giờ đây đã không thể nhanh chóng nhận được sự đồng thuận từ các quốc gia khác nhau. Nga, Trung Quốc, các quốc gia có quyền phủ quyết trong HĐBA LHQ và cả Iran cũng như các quốc gia khác như Cuba, Triều Tiên, Venezuela đều kiên quyết phản đối một sự trừng phạt hoặc can thiệp đòi Tổng thống Al-Assad từ chức.
Đã đành rằng không thể chấp nhận bất cứ hành động dùng bạo lực nào đối với dân thường, thế nhưng lấy vũ lực để ngăn chặn vũ lực; rồi dùng bạo lực để can thiệp lật đổ thì càng không thể chấp nhận. Trong khi Syria đang nỗ lực giải quyết vấn đề bằng một cuộc trưng cầu ý dân về bản hiến pháp mới cho “một nhà nước Syria dân chủ hiện đại” sắp được tổ chức, thì việc LHQ vừa thông qua Nghị quyết lên án việc Syria cũng như dự thảo Nghị quyết trừng phạt quốc gia này mà HĐBA LHQ đã xem xét những ngày qua chắc chắn sẽ chỉ “làm trầm trọng cuộc khủng hoảng và gây thêm căng thẳng trong khu vực” như tuyên bố của Đại sứ Syria tại LHQ.
Chính bởi lý do này mà dư luận quốc tế càng lo ngại và muốn các quốc gia đang chủ trương can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác trả lời câu hỏi rằng: “Can thiệp quốc tế - Đâu là giải pháp thực sự cho các điểm nóng?!”./.