(ĐCSVN) – Trong thời gian gần đây, dư luận quốc tế lạc quan bao nhiêu về quan hệ giữa Mỹ và Cuba đang được cải thiện thì lại lo ngại bấy nhiêu về quan hệ đang ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Venezuela.
“Đáp trả” lẫn nhau
|
Sóng gió lại nổi lên trong quan hệ Mỹ - Venezuela (Ảnh: AP) |
Những căng thẳng ngoại giao vốn thường xuyên diễn ra giữa Mỹ và Venezuela lại đang có chiều hướng xấu đi sau khi hàng loạt các động thái căng thẳng diễn ra từ cả hai phía.
Mới đây nhất, ngày 9/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký sắc lệnh hành chính áp đặt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 07 quan chức chính phủ Venezuela. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Washington tuyên bố Venezuela là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời quyết định áp đặt trừng phạt 07 quan chức Chính phủ Venezuela, trong đó, có người đứng đầu cơ quan tình báo và giám đốc cảnh sát quốc gia. Theo sắc lệnh này, 07 quan chức Venezuela nêu trên sẽ bị phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh vào Mỹ. Ngoài ra, mọi công dân Mỹ bị nghiêm cấm có giao dịch làm ăn hay quan hệ tài chính với những người có tên trong danh sách trừng phạt. Nhà Trắng cũng kêu gọi Caracas trả tự do cho những nhân vật mà Washington gọi là “tù chính trị”, trong đó, có hàng chục sinh viên.
Ngay lập tức, Venezuela đã triệu hồi Đại biện lâm thời tại Mỹ Maximilien Arvelaiz về nước để tham vấn khẩn cấp. Theo Ngoại trưởng Venezuela Rodríguez, “Venezuela sẽ sớm đáp trả động thái mới của Mỹ”.
Động thái trên của Mỹ được cho là hành động đáp trả việc ngày 28/2/2015, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt ngoại giao mới, đồng thời, thông báo bắt giữ một số công dân Mỹ với cáo buộc hoạt động gián điệp. Khi đó, giới chuyên gia đã đưa ra dự báo, quyết định này có thể sẽ mở ra một giai đoạn căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ- Venezuela.
Cùng ngày 28/2, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo đã áp đặt một hệ thống thị thực bắt buộc đối với tất cả các công dân Mỹ tới nước này nhằm "kiểm soát" sự can thiệp của Washington. Ông Maduro cũng chỉ thị xem xét lại và giảm số lượng nhân viên ngoại giao Mỹ ở thủ đô Caracas. Ông viện dẫn việc Mỹ có 100 nhân viên ngoại giao tại Caracas, trong khi Venezuela chỉ có 17 người tại Washington.
Ngoài ra, Tổng thống Venezuela còn áp đặt trừng phạt nhằm vào một số chính khách Mỹ mà chính quyền Caracas coi là khủng bố. Một nhóm lãnh đạo chính trị Mỹ, theo quan điểm của lãnh đạo Venezuela, “đã vi phạm nhân quyền khi ném bom các quốc gia như Syria, Iraq và Afghanistan" sẽ không được phép nhập cảnh Venezuela. Trong số những chính khách trên có cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cùng Phó Tổng thống Dick Cheney, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Bob Menendez và nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio.
Tổng thống Maduro cũng cảnh báo rằng, phái bộ ngoại giao Mỹ cần thông báo trước và nhận được sự cho phép của chính quyền địa phương đối với bất cứ cuộc họp nào do các nhà ngoại giao Mỹ tiến hành ở Venezuela.
Trong 15 năm qua, kể từ khi Tổng thống Venezuela Hugo Chavez lên nắm quyền (năm 1999), mối quan hệ giữa hai nước chưa hề có dấu hiệu được cải thiện. Những va chạm chính trị giữa Mỹ - Venezuela diễn ra liên tục, thậm chí hai bên đã nhiều lần trục xuất các nhà ngoại giao của nhau.
Sau khi ông Barack Obama lên nắm quyền Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2009, quan hệ Mỹ - Venezuela đã có thời kỳ lắng dịu. Tháng 4/2009, trong khuôn khổ một hội nghị cấp cao của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), Tổng thống hai nước đã có cuộc gặp đầu tiên. Tháng 6/2009, hai nước đã khôi phục quan hệ ngoại giao cấp đại sứ. Động thái này đã đặt dấu chấm hết cho tình trạng căng thẳng xảy ra trong quan hệ song phương.
Tuy nhiên, những "tia hy vọng về mối quan hệ được cải thiện” đã nhanh chóng bị dập tắt sau khi Venezuela cáo buộc Mỹ bí mật tham gia cuộc đảo chính tại Honduras (cuối tháng 6/2009), nhằm cản trở sự phát triển của các lực lượng tiến bộ tại Mỹ Latinh.
Tháng 8/2009, với sự kiện Mỹ và Colombia kí thỏa thuận sử dụng 07 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Colombia, theo Venezuela, điều này tạo nên mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Sự kiện này lại một lần nữa khiến quan hệ Mỹ - Venezuela thêm căng thẳng. Venezuela cho rằng, mục đích của Mỹ chính là muốn khôi phục sự hiện diện quân sự tại Mỹ Latinh và tăng cường kiểm soát khu vực. Bằng thỏa thuận trên, Mỹ muốn biến Colombia thành “bệ phóng quân sự”. Với sự trợ giúp của bệ phóng này, Mỹ sẽ khôi phục ảnh hưởng tại Mỹ Latinh, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia Mỹ Latinh, cản trở sự liên kết khu vực. Venezuela tuyên bố kiên quyết không chấp nhận những điều kể trên.
Từ tháng 12/2009, chính phủ Venezuela đã không ít lần lên tiếng chỉ trích Colombia dùng máy bay do thám không người lái xâm phạm không phận Venezuela để giúp Mỹ thực hiện kế hoạch sử dụng đảo Curacao và Aruba (Hà Lan) tấn công Venezuela…
Sau khi Tổng thống Hugo Chavez qua đời, tháng 4/2014, Tổng thống Nicolas Maduro đã được chọn là người nhận trọng trách kế tục sự nghiệp Cách mạng Bolivar của nhà lãnh đạo Hugo Chavez. Trên cương vị Tổng thống, Chính phủ của ông Maduro và đa số người dân Venezuela vẫn tiếp tục đoàn kết, sát cánh bên nhau, kiên định con đường cách mạng đã chọn và gặt hái được những thành quả nhất định.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, chính quyền của Tổng thống Maduro đã phải đối mặt với làn sóng biểu tình, chống đối trong nước. Làn sóng này ban đầu vốn chỉ là cuộc đấu tranh của sinh viên các tỉnh với sự hỗ trợ của phe đối lập, nhằm phản đối tình trạng mất an ninh và giá cả sinh hoạt đắt đỏ. Những người biểu tình đã yêu cầu Tổng thống từ chức, cáo buộc ông không bảo đảm an sinh xã hội, không cung cấp đủ các mặt hàng thiết yếu, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và lạm phát vượt quá 56%. Tuy nhiên, sau đó, các cuộc biểu tình đã trở thành một trong những vấn đề gây bất ổn xã hội nguy hiểm ở Venezuela. Mới đây nhất, đã có 4 người bị thương trong cuộc biểu tình, bạo động của một nhóm thanh niên tại thành phố Merida, phía Tây Nam Venezuela. Các cuộc biểu tình trong những tuần cuối tháng 2/2015 tại Venezuela đã khiến 9 người thiệt mạng và 140 người bị thương.
Trong bối cảnh đó, quan hệ giữa Mỹ và Venezuela lại tiếp tục trở nên căng thẳng bởi các cơ quan điều tra của Venezuela đã đưa ra cáo buộc Mỹ dành các khoản tài chính để hỗ trợ cho hoạt động biểu tình ở Venezuela. Venezuela đã liên tục tố cáo âm mưu của lực lượng đối lập tại quốc gia Nam Mỹ này với sự ủng hộ của Mỹ, cũng như của các nhóm bán quân sự Colombia nhằm chống phá chính quyền và sự ổn định của Venezuela. Thậm chí, Tổng thống Maduro còn thẳng thừng tuyên bố, chính phủ nước này vẫn đang phải chiến đấu với một cuộc đảo chính. Theo đó, phe đối lập với sự hỗ trợ của chính quyền Mỹ đã âm mưu đánh bom các văn phòng chính quyền trên khắp thủ đô Caracas.
Căng thẳng chưa có hồi kết
. |
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố cấm cấp thị thực với một loạt quan chức Mỹ (Ảnh: AP) |
Việc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố sẽ cấm cấp thị thực đối với một loạt các quan chức Mỹ bị Venezuela xếp vào danh sách khủng bố, đồng thời áp đặt một hệ thống thị thực bắt buộc đối với tất cả các công dân Mỹ tới nước này là “vì các lý do an ninh quốc gia”, theo ông là phù hợp với “tinh thần Công ước Vienna, Hiến pháp Venezuela và quan điểm cách mạng của người dân Venezuela”.
Sau quyết định này, dư luận quốc tế và khu vực cho rằng, những cáo buộc của Venezuela đối với Mỹ không phải là không có căn cứ. Bởi thực tế, Venezuela đã bắt giữ được nhiều công dân Mỹ với cáo buộc hoạt động gián điệp chống lại chính phủ Venezuela. Tổng thống Nicolas Maduro mới đây đã từng tuyên bố: “Chúng tôi đã phát hiện các hoạt động gián điệp. Chúng tôi cũng đã bắt giữ một số công dân Mỹ đang hoạt động gián điệp nhằm lôi kéo người dân ở một số thành phố dọc bờ biển Venezuela và các vùng lân cận. Tại Tachira, chúng tôi đã bắt giữ một phi công Mỹ gốc La-tinh cùng với toàn bộ chứng cứ kèm theo”.
Việc Tổng thống B. Obama ký sắc lệnh hành chính áp đặt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 07 quan chức chính phủ Venezuela là dấu hiệu mới nhất cho thấy quan hệ Mỹ - Venezuela vẫn chưa thể cải thiện nếu cả hai bên vẫn tiếp tục "ăn miếng trả miếng".
Dư luận quốc tế và khu vực lo ngại, những hạn chế thị thực của Venezuela với Mỹ có thể có tác động xấu đến những doanh nhân tìm kiếm đầu tư vào một trong những quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới này. Trong khi đó, nếu Mỹ vẫn tiếp tục chính sách trừng phạt với Venezuela thì chắc chắn, nước này cũng sẽ phải hứng chịu sự đáp trả không kém.
Các nhà phân tích cho rằng, những mâu thuẫn lúc âm ỉ, lúc bùng phát giữa Mỹ và Venezuela trong thời gian qua đang cho thấy quan hệ căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai quốc gia này. Nếu không có sự kiềm chế của cả hai bên trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng lẫn nhau, rất có thể sẽ đe dọa đến hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Và hơn thế nữa, sự đối đầu căng thẳng giữa hai nước sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến không khí hòa dịu, hòa giải vốn đang là được hy vọng là dòng chủ lưu trong đời sống chính trị thế giới./.