Bình Nhưỡng quyết định cắt đứt mọi quan hệ với Seoul. Việc Mỹ, Nhật Bản tuyên bố đứng về phía Hàn Quốc “đoàn kết” chống CHDCND Triều Tiên càng khiến tình hình phức tạp bội phần.
Mọi con mắt đổ dồn về bán đảo Triều Tiên, nơi tình hình đang nóng lên từng ngày và cụm từ “chiến tranh tổng lực” được cả hai bên đưa ra để răn đe lẫn nhau sau vụ đắm tàu Cheonan của Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải. Ngay sau khi Hàn Quốc công bố các biện pháp trừng phạt về kinh tế - thương mại với CHDCND Triều Tiên, Bình Nhưỡng quyết định cắt đứt mọi quan hệ với Hàn Quốc. Việc Mỹ, Nhật Bản tuyên bố đứng về phía Hàn Quốc “đoàn kết” chống CHDCND Triều Tiên càng khiến tình hình phức tạp. “Đừng để giọt nước tràn ly!” là điều mà dư luận thế giới và khu vực mong muốn.
|
Nga sẽ cử chuyên gia sang điều tra vụ đắm tàu Cheonan. Ảnh: AP |
Hai tháng sau vụ đắm tàu chiến Cheonan, biển Hoàng Hải thực sự dậy sóng sau khi phía Hàn Quốc công bố kết quả điều tra của Uỷ ban Hỗn hợp cho rằng “thủ phạm” làm vỡ đôi con tàu, khiến 46 thuỷ thủ thiệt mạng là một quả ngư lôi bắn ra từ một tàu ngầm của CHDCND Triều Tiên.
Ngay sau đó, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung bak công bố các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên. Nặng nề nhất là cắt đứt quan hệ thương mại song phương, đình chỉ toàn bộ các chương trình giao lưu liên Triều (trừ dự án khu công nghiệp Kaesong), duy trì ở mức tối thiểu hoạt động viện trợ nhân đạo cho trẻ em ở nước láng giềng miền Bắc. Các tàu thương mại mang cờ CHDCND Triều Tiên sẽ không được đi qua các tuyến vận tải biển thuộc lãnh hải Hàn Quốc.
Phản ứng trở lại, Bình Nhưỡng tuyên bố đình chỉ mọi quan hệ với Hàn Quốc, đe doạ sẽ trục xuất tất cả các nhân viên Hàn Quốc hiện đang làm việc tại Khu công nghiệp Kaesong, đồng thời cấm tàu thuyền và máy bay của Hàn Quốc đi qua hải phận và không phận nước này.
Ban đầu, dư luận tưởng chừng có thể “thở phào” rằng một cuộc đối đầu quân sự sẽ không xảy ra, khi các biện pháp trừng phạt của Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế. Song, sự vào cuộc của Mỹ, đã khiến tình hình thêm phức tạp.
Nhà Trắng tuyên bố, quân đội Mỹ hết lòng hỗ trợ cho Hàn Quốc và hai bên thể hiện “lòng đoàn kết” bằng một cuộc tập trận khẩn cấp chống tàu ngầm. Nhật Bản - Mỹ và Hàn Quốc cũng có cuộc gặp ba bên để bàn cách đối phó với vụ việc mà họ gọi là “sự khiêu khích quân sự tồi tệ” của CHDCND Triều Tiên. Hàn Quốc tăng dần mức độ cứng rắn trong những lời lẽ đe doạ nhằm vào CHDCND Triều Tiên. Ngày 25/5, Tổng thống Hàn Quốc sử dụng trở lại cụm từ “kẻ thù chính” để chỉ CHDCND Triều Tiên - cụm từ tưởng như đã bị khai tử 6 năm về trước.
Hiện Uỷ ban Đình chiến của LHQ đang điều tra xem liệu vụ đắm tàu Cheonan có vi phạm thoả thuận ngừng bắn năm 1953 hay không. Tiến sỹ Leonid Petrov, chuyên gia về Triều Tiên tại Trường Nghiên cứu quốc tế (Đại học Quốc gia Australia), cho rằng, chiến hạm Cheonan bị chìm trong vùng biển mà Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đang tranh chấp, do vậy không thể xem đây là hành vi gây hấn hoặc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn vì Hàn Quốc chưa bao giờ ký thỏa thuận này.
Khả năng “đạn lạc” từ cuộc tập trận quy mô lớn Mỹ - Hàn làm chìm tàu Cheonan cũng được nêu ra với 2 lập luận: tàu ngầm lạc hậu của CHDCND Triều Tiên khó có thể lọt vào vùng biển giữa lúc có mặt hàng chục tàu chiến của Mỹ và Hàn Quốc.
Thứ hai, một chi tiết đáng chú ý được báo chí thế giới mổ xẻ là trong cuộc điện đàm chia buồn ngay sau khi thảm hoạ xảy ra, Tổng thống Obama đã bất ngờ đề nghị để Hàn Quốc là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Cấp cao về an ninh hạt nhân vào năm 2012 - vai trò mà phần lớn các nhà quan sát đều dự đoán Nga sẽ nắm giữ. Từ chi tiết này, tờ Thời báo châu Á đặt ra câu hỏi: Liệu đây có phải là một động thái của Washington “đền bù thiệt hại” cho Seoul sau vụ đắm tàu?
Để tránh làm tràn ly nước, giải pháp tốt nhất và cần thiết nhất lúc này là Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên phải ngồi vào bàn thương lượng để giải quyết vụ Cheonan cũng như nhiều vấn đề khác giữa hai miền. Trong bối cảnh quan hệ đang căng thẳng khiến hai bên khó ngồi lại với nhau, rất cần vai trò trung gian từ các bên liên quan, mà đi đầu là các nước trong vòng đàm phán 6 bên, nhưng đó phải là vai trò mang tính xây dựng chứ không phải để “đổ thêm dầu vào lửa” !