Ngày 11/1, Tướng Curtis Scaparrotti - Tư lệnh Bộ chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) đã cùng Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Lee Sun-jin tới thị sát hoạt động của không quân Mỹ và Hàn Quốc tại căn cứ Osan, cách thủ đô Seoul 40 km về phía Nam. Nhân chuyến thăm này, Tướng Scaparrotti đã chỉ thị lực lượng không quân Mỹ và Hàn Quốc duy trì các biện pháp phòng bị ở mức độ tối đa.
Về phía ông Lee Sun-jin cũng cảnh báo lực lượng không quân hai nước về khả năng Triều Tiên sẽ bất ngờ thực hiện thêm các hành vi khiêu khích sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 nhằm thay đổi tình hình theo hướng có lợi cho Bình Nhưỡng.
Những lời khuyến cáo trên được các tướng lĩnh quân đội Mỹ và Hàn Quốc đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Mỹ triển khai máy bay ném bom B-52 có khả năng mang theo tên lửa được trang bị sức mạnh hạt nhân xuất kích trên bầu trời Hàn Quốc nhằm “đối phó” với tuyên bố do Triều Tiên đưa ra về việc nước này đã thử thành công bom H vào ngày 6/1. Ngay lập tức, Bình Nhưỡng đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ và cho rằng, hành động trên của Mỹ có nguy cơ đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên tới “bờ vực chiến tranh”.
Tuy nhiên, bất chấp phản ứng của Triều Tiên, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 11/2, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-Seok cho biết, các quan chức quân sự cấp cao của Hàn Quốc và Mỹ đang tiếp tục thảo luận về khả năng triển khai thêm một số vũ khí chiến lược của Mỹ tới Hàn Quốc. Các thiết bị này bao gồm một tàu sân bay, một tàu ngầm được trang bị sức mạnh hạt nhân và máy bay chiến đấu tàng hình F-22. Một số nguồn tin cho biết, tàu sân bay Ronald Reagan của Mỹ, hiện đang đóng tại Yokosuka (Nhật Bản), có khả năng sẽ được điều tới bán đảo Triều Tiên để tham gia các cuộc tập trận chung thường niên giữa liên quân Mỹ - Hàn dự kiến được khởi động vào tháng 2/2016.
Vụ thử bom H của Triều Tiên không chỉ đẩy quan hệ giữa hai miền Triều Tiên vào trạng thái căng thẳng về mặt quân sự mà còn trở thành nguồn cơn để Hàn Quốc và Triều Tiên nối lại các chương trình phát thanh chống phá lẫn nhau - vốn được hai bên ví là “đòn chiến tranh về tâm lý”. Từ chiều 8/1, quân đội Hàn Quốc đã nối lại các chương trình phát thanh chống Triều Tiên tại khu vực biên giới giữa hai miền nhằm khẳng định vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng chẳng khác nào một “lời tuyên chiến”. Cùng ngày, Triều Tiên cũng đưa ra hành vi trả đũa tương tự bằng việc nối lại chương trình phát thanh chống Hàn Quốc, với phần lớn nội dung tuyên truyền là ca ngợi nhà lãnh đạo Kim Jong-un và đôi lúc chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Điều đáng nói là những hoạt động tuyên truyền chống phá lẫn nhau giữa hai miền Triều Tiên đôi khi lại được “biến thành hành động” và trên thực tế không phải là chưa từng có tiền lệ. Hồi đầu tháng 8/2015, Hàn Quốc đã sử dụng những dàn loa phóng thanh khổng lồ phát nội dung tuyên truyền về phía lãnh thổ Triều Tiên sau khi Seoul đổ lỗi cho Bình Nhưỡng về vụ nổ mìn làm bị thương hai binh sĩ Hàn Quốc. Chỉ 10 ngày sau đã xảy ra một vụ đấu pháo tại khu vực biên giới giữa các lực lượng của Triều Tiên và Hàn Quốc. Vào thời điểm đó, căng thẳng giữa hai miền đã bị đẩy lên cao tới nỗi cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều đặt quân đội trong tình trạng báo động xung đột vũ trang. Sóng gió chỉ tạm qua sau khi các quan chức cấp cao của hai bên kết thúc vòng đàm phán kéo dài và thông qua Thỏa thuận ngày 25/8 về một loạt các biện pháp hạ nhiệt trong quan hệ hai miền.
Binh lính Hàn Quốc đứng gác tại trạm phát thanh gần khu vực biên giới liên Triều. (Ảnh: AP)
Ngoài những biện pháp kể trên, trong tuyên bố đưa ra ngày 11/1, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết sẽ giới hạn số lượng công dân nước này tới khu công nghiệp chung Kaesong “ở mức tối thiểu” kể từ ngày 12/2 do những lo ngại về an ninh. Diễn biến này cho thấy Kaesong - một biểu tượng hòa giải và hợp tác kinh tế duy nhất còn sót lại trong mối quan hệ liên Triều một lần nữa lại trở thành “con tin” của mối quan hệ căng thẳng giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ngày 11/1, Giám đốc Trung tâm Chiến lược của Nga về Châu Á thuộc Viện kinh tế học viện Hàn lâm Khoa học Nga Georgy Toloraya cho rằng, một cuộc xung đột vũ trang toàn diện “ít có khả năng” nổ ra trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, kịch bản nguy hiểm này có thể trở thành hiện thực nếu như các bên hành động một cách sai lầm trong bối cảnh căng thẳng hiện nay. “Nói một cách cụ thể, việc Hàn Quốc quyết định nối lại các hoạt động phát thanh chống Triều Tiên ở khu vực biên giới có thể xem như một hành động đổ dầu vào lửa. Nếu như Triều Tiên bắn vào hệ thống phát thanh của Hàn Quốc và bên còn lại cũng đáp trả, thì tình hình sẽ đi xuống một cách nghiêm trọng” - ông Toloraya nói.
Chuyên gia này khuyến cáo, một cuộc xung đột toàn diện bùng phát trên bán đảo Triều Tiên sẽ khiến các bên phải trả giá đắt, trong đó dân số Mỹ và Hàn Quốc phải gánh tổn thất lớn và đối với đất nước Triều Tiên là nguy cơ bị hủy diệt hoàn toàn. “Đó là lý do tại sao tôi không cho rằng những diễn biến hiện nay đủ nghiêm trọng để bùng phát thành một cuộc xung đột” - ông Toloraya nói.
Cũng theo nhận định của chuyên gia trên, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ được xoa dịu trong vòng vài tháng tới, có nhiều khả năng nhất là vào cuối tháng 4/2016, sau khi các cuộc tập trận quân sự của liên quân Mỹ - Hàn kết thúc và sau khi Triều Tiên phản ứng trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết nhằm lên án vụ thử hạt nhân thứ 4 của nước này. “Tuy nhiên từ giờ cho tới thời điểm trên, bán đảo Triều Tiên vẫn sẽ trong trạng thái căng thẳng trong vòng 3-4 tháng tới” - ông Toloraya khuyến cáo.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 -1953 chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến chứ không phải hiệp định hòa bình. Chính điều này đã khiến người dân hai miền Triều Tiên trong suốt 60 năm qua phải sống trong tình cảnh “không có chiến tranh nhưng cũng chẳng có hòa bình”. Cũng trong từng ấy năm, trạng thái bùng phát căng thẳng - hạt nhiệt - nối lại đối thoại rồi lại bùng phát căng thẳng đã trở thành “vòng tròn luẩn quẩn” trên bán đảo Triều Tiên. Việc Triều Tiên thử hạt nhân rồi tiếp theo sau là phản ứng mang tính chất răn đe từ phía Hàn Quốc và Mỹ đã nhiều lần lặp lại và không còn là kịch bản xa lạ. Những gì đã xảy ra sau 3 vụ thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên cho thấy, diễn biến này sẽ đẩy bán đảo Triều Tiên vào “tình thế căng thẳng nguy hiểm song chưa phải là hoàn toàn vô vọng”. Điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay là các bên liên quan cần hành động kiềm chế, tránh đẩy căng thẳng tiếp tục leo thang, xây dựng một lòng tin mang tính chiến lược và giải quyết vấn đề một cách thiện chí. Chỉ có thế, vòng tròn luẩn quẩn trên bán đảo Triều Tiên mới có thể bị phá vỡ để khởi đầu cho một tương lai hòa hợp và chấm dứt tình trạng hòa bình “nửa vời” trên bán đảo này như người dân hai miền vẫn từng mong muốn./.