Cắt giảm chi tiêu, nguy cơ suy thoái và bất ổn xã hội

Thứ năm, 18/08/2011 15:19

Để giải bài toán nợ công đang lan tràn ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như ở Mỹ và châu Âu, chính phủ nhiều nước đã lựa chọn phương pháp cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, cách làm này lại bộc lộ nhược điểm như gây mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo, bất ổn xã hội và nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vốn chưa kịp hồi phục từ sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 rơi vào tình trạng tái suy thoái.

Cắt giảm chi tiêu quá nhanh sẽ phá hỏng sự phục hồi

Tân Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Cri-xtin La-gác-đơ (Christine Lagarde) đã kêu gọi các nước không cắt giảm chi tiêu nhằm tránh gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu mới và ngăn cản đà phục hồi kinh tế, vẫn còn mong manh từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Trong bài viết đăng trên tờ Thời báo Tài chính, bà La-gác-đơ nói rõ đối với các nền kinh tế tiên tiến, sự cần thiết không thể bỏ qua là phải khôi phục tình trạng ổn định về tài chính thông qua các kế hoạch "xốc lại" hệ thống tài chính và nền kinh tế một cách tin cậy. Bà nhấn mạnh mọi người đều biết, cắt giảm chi tiêu quá nhanh sẽ phá hỏng sự phục hồi và làm xấu thêm các dự án về việc làm.

Nhận định về nguy cơ suy thoái mới có thể xảy ra, trả lời phỏng vấn của Cơ quan truyền thông quốc gia Ô-xtrây-li-a (ABC), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới R.Dô-ê-lích (R.Zoellick) cảnh báo: Những khó khăn kinh tế ngày càng gia tăng tại Mỹ và châu Âu đang đẩy thế giới đến bờ vực nguy hiểm mới. P.Cru-man (P.Krugman), người đoạt giải Nô-ben kinh tế năm 2008, cũng cho rằng việc cắt giảm chi tiêu hiện nay sẽ không có mấy tác dụng. Vấn đề suy giảm kinh tế, thất nghiệp chưa giải quyết được tận gốc và do đó nền kinh tế toàn cầu sẽ còn phải đối mặt với những cú sốc mới. Mặt khác, việc làm cho nền kinh tế Mỹ hay châu Âu yếu hơn vào thời điểm hiện nay sẽ ảnh hưởng xấu đến triển vọng kinh tế trong tương lai của thế giới.

Ông Dô-ê-lích cho rằng, khi biện pháp cắt giảm không phát huy tác dụng sẽ khiến thế giới mất lòng tin, tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới. Theo ông Dô-ê-lích, cơ chế hoạch định chính sách của cả Mỹ và châu Âu vẫn còn nhiều bất cập khi các quốc gia đã vay nợ mà không xem xét kỹ nhu cầu thực tế của nền kinh tế. Vì vậy, ông Dô-ê-lích chỉ rõ, về dài hạn cần phải đưa ra các điều luật cơ bản, không chỉ nhằm giải quyết nợ, mà quan trọng hơn đó phải là một chiến lược phát triển hiệu quả nhằm tăng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế. Xây dựng lòng tin với các nhà đầu tư bằng các chính sách kinh tế khả quan. Những điều này còn quan trọng hơn rất nhiều việc cắt giảm chi tiêu để lo trả nợ.

Bất ổn xã hội cũng từ cắt giảm chi tiêu

Các chuyên gia cho rằng, cắt giảm chi tiêu trước mắt có thể giúp một số chính phủ tránh bị vỡ nợ trong ngắn hạn, song về lâu dài nó không thể giúp giải quyết được những vấn đề mấu chốt như suy giảm kinh tế, thất nghiệp làm nảy sinh mâu thuẫn nội bộ và các vấn đề xã hội. Đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất vẫn là những người dân lao động. Theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng bất ổn xã hội dẫn tới hiện tượng bạo lực lan tràn ở một một số nước châu Âu như ở Hy Lạp, Anh trong thời gian qua có liên quan mật thiết tới tình trạng cắt giảm phúc lợi xã hội, thất nghiệp vốn sinh ra từ cắt giảm chi tiêu. Frét-đy (Freddy), một nam thanh niên 19 tuổi, sống ở Tốt-ten-ham (Tottenham, Anh), người đã tham gia bạo động mới đây ở Anh, nói: “Chẳng ai làm gì cho chúng tôi hết, cả các chính trị gia lẫn cảnh sát, chẳng ai cả”. Câu nói của thanh niên này được báo chí Anh trích dẫn đã làm dấy lên cuộc tranh luận về lý do của cuộc bạo loạn: Đây là tội phạm cơ hội hay là do những thanh niên tham gia bạo loạn bất bình với chính sách kinh tế và việc cắt giảm chi tiêu, đào sâu bất bình đẳng trong xã hội. H.J.Vốt (H.J.Voth), nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế Anh cho rằng, kế hoạch cắt giảm sẽ còn tiếp tục gây bất ổn, bởi những khoản cắt giảm nặng nề nhất vẫn còn chưa được thực hiện.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực