Câu chuyện quốc tế: Vụ mưu sát bất thành

Thứ hai, 17/10/2011 16:37

Khi chiếc máy bay của hãng hàng không Mỹ vừa đáp xuống Sân bay quốc tế John F. Kennedy ở Niu Y-oóc, lực lượng an ninh Mỹ đã xuất hiện trước cửa máy bay và nhanh chóng bắt giữ hành khách Man-sơ A-ba-si-a (Manssor Arbabsiar), kẻ bị tình nghi sẽ thực hiện vụ đánh bom ám sát Đại sứ A-rập Xê-út tại Mỹ An Giu-bây (Al-Jubeir), mở màn cho chiến dịch tấn công khủng bố mang tên "Chiến dịch Liên minh Đỏ" trên đất Mỹ.

 

Phác họa phiên tòa xét xử A-ba-si-a (ngồi thứ hai, từ bên phải sang)
tại Niu Y-oóc. Ảnh: AFP


Man-sơ A-ba-si-a, mang cả hai quốc tịch Mỹ và I-ran bị cáo buộc âm mưu tiến hành kế hoạch tấn công khủng bố “Chiến dịch Liên minh Đỏ” nhằm vào sứ quán A-rập Xê-út và I-xra-en ở thủ đô Oa-sinh-tơn. Kế hoạch này cũng vạch ra âm mưu đánh bom hai sứ quán trên ở Ác-hen-ti-na. Ngoài Man-sơ A-ba-si-a, nhà chức trách Mỹ còn cáo buộc Gô-lam Sa-cu-ri (Gholam Shakuri) là chủ mưu vụ tấn công. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, hai tên này là thành viên của đơn vị Quds thuộc Lực lượng vệ binh cộng hòa của I-ran.

Một ngày sau khi bị bắt, A-ba-si-a đã bị đưa ra xét xử tại một tòa án ở quận Man-hát-tan, thành phố Niu Y-oóc. Theo cáo trạng, A-ba-si-a, 56 tuổi, đã nhận nhiệm vụ ám sát Đại sứ An Giu-bây qua một cuộc điện đàm với Sa-cu-ri. Hồi tháng 5, A-ba-si-a liên lạc với một thành viên của một băng nhóm tội phạm Mê-hi-cô và ngã giá 1,5 triệu USD để thuê băng nhóm này ám sát Đại sứ An Giu-bây bằng bom, bất kể có thể gây thương vong lớn. A-ba-si-a đã chuyển 100.000USD đặt cọc cho nhóm tội phạm này qua tài khoản ngân hàng.

Ban đầu, mục tiêu tấn công được lựa chọn là sứ quán A-rập Xê-út nhưng sau đó người liên lạc lại đề nghị chuyển sang một nhà hàng ở Oa-sinh-tơn, nơi Đại sứ Giu-bây thường lui tới, mặc dù hành động trên có thể khiến nhiều người thiệt mạng. Cáo trạng còn cho biết, Sa-cu-ri đã gọi điện thúc giục A-ba-si-a tiến hành vụ ám sát càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, A-ba-si-a không ngờ rằng, người liên lạc với mình là đặc vụ của Mỹ cải trang. Nghi can này bị bắt trước khi kế hoạch khủng bố được triển khai nên chưa gây nguy cơ gì.

Tại cơ quan điều tra, A-ba-si-a thú nhận đã lên kế hoạch sát hại Đại sứ An Giu-bây. “A-ba-si-a đã cung cấp các chi tiết cho thấy chính quyền I-ran có liên quan đến vụ này. Cụ thể, A-ba-si-a khai nhận y được tuyển mộ và chỉ đạo bởi những người mà y đoán là các quan chức cấp cao của Quds”, Tổng chưởng lý Mỹ Ê-rích Hôn-đơ (Eric Holder) cho biết. Theo luật pháp nước Mỹ, những kẻ tình nghi bị truy tố tội âm mưu sát hại quan chức ngoại giao, sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, âm mưu khủng bố... và sẽ đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết tội.

Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) đã gọi âm mưu ám sát Đại sứ An Giu-bây là “một sự vi phạm trắng trợn luật pháp Mỹ và luật pháp quốc tế”. Tuy nhiên, ông Ô-ba-ma cũng từ chối cho biết liệu giới chức Mỹ có tin rằng kế hoạch khủng bố này được thông qua ở những cấp độ cao nhất trong chính quyền I-ran hay không, dù gọi âm mưu này là một kiểu hành xử "nguy hiểm và liều lĩnh". Trong khi đó, A-rập Xê-út ra tuyên bố nhấn mạnh âm mưu ám sát trên là "đáng khinh bỉ" và vi phạm những nguyên tắc nhân đạo.

I-ran ngay lập tức bác bỏ cáo buộc trên của Mỹ và tố cáo hành động của Mỹ nhằm gây chia rẽ giữa Tê-hê-ran và Ri-át. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao I-ran Ra-min Mê-man-pa-rát (Ramin Mehmanparast) gọi đây là một "trò hề mà Mỹ dựng lên" nhằm gây chia rẽ giữa I-ran và A-rập Xê-út để giúp I-xra-en thoát khỏi cô lập, đồng thời tìm cách đánh lạc hướng dư luận trong nước trước các cuộc biểu tình của phong trào “Chiếm lấy phố Uôn” cũng như những thất bại trong chính sách Trung Đông của chính quyền Oa-sinh-tơn.

Vụ ám sát Đại sứ An Giu-bây bất thành một lần nữa “đổ thêm dầu vào lửa” quan hệ vốn căng thẳng giữa Oa-sinh-tơn và Tê-hê-ran. Mỹ lâu nay cáo buộc I-ran dung túng chủ nghĩa khủng bố và theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân, trong khi I-ran luôn bác bỏ cáo buộc này. Tuy nhiên, vụ việc lần này có thể đẩy quan hệ hai nước tới một mức nguy hiểm mới. Trước mắt, Oa-sinh-tơn đã yêu cầu đóng băng tài sản của hãng hàng không I-ran Mahan Air ở Mỹ với cáo buộc "bí mật vận chuyển các thành viên thuộc lực lượng liên quan đến vụ ám sát". “Đây có thể là những bước chuẩn bị để khai mào một cuộc chiến mới tại Trung Đông”, chuyên gia phân tích của Tổ chức nghiên cứu và phát triển của Mỹ Phê-đê-rích Uy-rây (Frederic Wehrey) nhận định.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực