Chiến sự tại Libya đang biến động từng ngày và theo hướng bất lợi cho nhà lãnh đạo Moamer Gaddafi. Dư luận lo ngại về một Libya chia rẽ và bất ổn trong thời gian tới.
|
Xe tăng quân đội chính quyền Libya dùng để chống đỡ quân nổi dậy (ảnh: China Daily) |
Những thông tin trái chiều về chiến sự tại Libya cho thấy mức độ phức tạp của tình hình. Trong khi lực lượng chống chính phủ, với sự yểm trợ bằng các cuộc không kích của NATO, tuyên bố đã xâm nhập thủ đô Tripoli bằng đường biển trong một chiến dịch bí mật được tiến hành từ thành phố Misrata ở miền tây và đã kiểm soát được phần lớn thành phố, ngoại trừ tổng hành dinh của nhà lãnh đạo Moamer Gaddafi là khu Bab Al-Aziziyah. Lực lượng đối lập cũng tuyên bố rằng, trong số những khu vực mà phe đối lập chiếm được có cả địa điểm mang tính biểu tượng là Quảng trường Xanh, nơi tập trung nhiều trụ sở các cơ quan đầu não của chính quyền Gaddafi, rằng chiến thắng đang cận kề và việc ông Gaddafi ra đi chỉ còn tính từng ngày, thậm chí trong vài giờ.
Chính phủ của ông Gaddafi tối 21/8 lại khẳng định “Thủ đô Tripoli vẫn trong tầm kiểm soát”, mặc dù có một nhóm nhỏ của lực lượng đối lập thâm nhập vào thủ đô, dẫn đến vài cuộc đụng độ nhỏ trong vòng 30 phút, nhưng tình hình đã được kiểm soát. Người phát ngôn của chính phủ Libya ngày 21/8 cho biết, chỉ trong vòng 24 giờ qua, đã có 1.300 người thiệt mạng và 5.000 người khác bị thương trong các cuộc tấn công của lực lượng đối lập nhằm vào Tripoli và cáo buộc NATO phải chịu trách nhiệm về thảm kịch này.
Các thông tin mặc dù trái chiều nhau nhưng đều có một điểm chung, đó là tình hình chiến sự tại Libya đầy biến động và đang diễn tiến với cường độ nhanh. Nhà lãnh đạo Gaddafi đang chịu sức ép chưa từng có trong khi chỉ còn khoảng chục ngày nữa là đến ngày kỷ niệm cuộc đảo chính (1/9/1964) đưa ông lên cầm quyền. Và câu hỏi được đặt ra hiện nay là, tương lai nào cho Libya nếu chế độ của ông Gaddafi sụp đổ? Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC), với sự cố vấn của NATO, trong nhiều tháng qua đã vạch ra kế hoạch chuyển tiếp, trong đó đề cập việc thành lập một cơ quan tạm thời điều hành các vấn đề của đất nước để từ đó xây dựng một chính phủ mới tạm quyền và tiến hành các bầu cử do LHQ giám sát.
Một Nhóm ổn định Libya gồm 70 người đã bắt đầu hoạt động tại Dubai với mục tiêu giám sát quá trình chuyển giao thời hậu chiến về an ninh, y tế, giáo dục và hạ tầng cơ sở. Song đây mới chỉ là về mặt lý thuyết, còn thực tế lại chẳng dễ dàng gì. Nếu chế độ của ông Gaddafi sụp đổ, chắc chắn lực lượng đối lập tại Libya, mà đại diện là NTC - lực lượng chủ đạo và được một số nước công nhận là đại điện cho người dân Libya - sẽ lấp khoảng trống quyền lực. Song, đấy cũng là điều dư luận lo ngại về một tương lai bất ổn quốc gia này bởi NTC, được Mỹ và phương Tây dựng lên và ủng hộ, lại bao gồm một nhóm những nhân vật đối lập lâu năm đại diện cho một loạt quan điểm chính trị khác nhau, trong đó có người theo chủ nghĩa dân tộc Arập, Hồi giáo, thế tục...
Trong khi đó, lực lượng đối lập ở Libya cũng là lực lượng chắp vá gồm các nhóm vũ trang khác nhau, các cựu binh sĩ và những dân quân tự do với những tư tưởng và lợi ích khác nhau. Liệu có gì đảm bảo các lực lượng hiện đang đứng cùng một chiến hào chống Gaddafi, lại không quay lại chống nhau để giành quyền kiểm soát. Bè cánh và chia rẽ là điều được dự đoán trước tại quốc gia Bắc Phi này. Ai sẽ là người có thể tập hợp được người dân Libya khi chưa có một gương mặt nào trong nhóm đối lập được người dân chấp nhận.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Libya đang rối loạn và bị tàn phá nặng nề. Khả năng kiểm soát an ninh của NTC cũng đang là một dấu hỏi lớn khi mà nhiều phe nhóm ở các khu vực khác nhau của Libya không muốn hợp tác với NTC. Hơn nữa, các lực lượng trung thành với ông Gaddafi cũng không chấp nhận thất bại. Trong bài phát biểu ngày 21/8, Seif al-Islam - con trai của nhà lãnh đạo Gaddafi đã tuyên bố: “Chúng ta sẽ tiếp tục chiến đấu trong sáu tháng, một năm, hai năm... Chúng ta sẽ không chịu quy hàng và chúng ta sẽ không từ bỏ cuộc chiến”.
Tình hình Libya hiện giống như hai mặt của tấm huy chương. Vui mừng về chiến thắng đang trong tầm tay chỉ thuộc về số ít, còn mặt trái của tấm huy chương gồm những hỗn loạn, bất ổn, chia rẽ, mất mát, đời sống khó khăn cùng những hoài nghi về tương lai thì thuộc về đa số người dân Libya./.