Cây muốn lặng, gió chẳng dừng

Thứ năm, 05/04/2012 12:39

(ĐCSVN) - Tình hình Syria đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong mấy ngày qua với nhiều hành động thể hiện thiện chí của chính quyền Syria nhằm ổn định tình hình sau một năm lâm vào khủng hoảng, đáp ứng mong muốn của nhân dân Syria và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, dường như những nỗ lực đó đang vấp phải những trở ngại khó có thể vượt qua.

Đặc phái viên của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập Kofi Annan gặp gỡ Tổng thống Syria
Bashar al-Assad (phải) ở Damascus ngày 10-3 (Ảnh: Reuters)

Thiện chí của chính quyền Syria thể hiện trước hết bằng việc Damascus nhất trí với thời hạn chót đến 10/4 sẽ hoàn tất việc rút binh sĩ cũng như vũ khí hạng nặng ra khỏi các thành phố diễn ra biểu tình chống chính quyền. Đồng thời, chấp thuận chấm dứt bạo lực, thiết lập hai giờ ngừng bắn mỗi ngày để tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo, thực hiện tiến trình chính trị với sự tham gia của tất cả các bên và thả tù nhân. Tổng thống Syria al-Assad cũng cho biết, sẽ sớm khởi động một cuộc đối thoại dân tộc có sự tham gia của tất cả các phe phái tại Syria, nhằm tìm cách lập lại ổn định và an ninh cho đất nước…

Thực hiện cam kết, ngày 3/4, quân đội Syria đã bắt đầu rút khỏi một số thành phố, sớm hơn một tuần trước hạn chót phải thực thi kế hoạch hòa bình sáu điểm của Đặc phái viên Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan. Chủ tịch Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) Jakob Kellenberger ngày 3/4 đã đánh giá cao việc chính quyền Syria cho phép ICRC tiếp cận những khu vực bị ảnh hưởng bởi bạo lực, để trợ giúp các nạn nhân.

Tuy nhiên, trong khi Syria đã chấp nhận “xuống thang” và bày tỏ thiện chí với phương Tây bằng hành động cụ thể, liệu cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này có được giải quyết một cách hoà bình hay không? Đây vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp.

Nếu nhìn vào những động thái của phương Tây trong những ngày gần đây, thì có thể thấy hy vọng hoà bình cho Syria còn vô cùng mong manh. Bởi, ngay trong khi ông Kofi Annan mang “cành ô liu” đến miền đất nóng bỏng vì bạo loạn, khói súng của Syria, thì Mỹ và phương Tây vẫn không thôi “đổ thêm dầu vào lửa” cho cuộc khủng hoảng tại nước này.

Bằng chứng là cuộc gặp "Những người bạn của Syria” diễn ra ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cách đây mấy hôm đã kết thúc với cam kết nhóm này sẽ hỗ trợ quân sự và hậu cầu nhiều hơn cho phe đối lập với hàng triệu đô la và thiết bị liên lạc. Mỹ sẽ tăng thêm 12 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Syria, nâng tổng số viện trợ của Mỹ tại đây lên mức 25 triệu USD; trong khi Anh thông báo tăng gấp đôi viện trợ phi quân sự cho phe đối lập ở nước này và mở rộng viện trợ cả trang thiết bị, có thể cả điện thoại được bảo mật. Được Mỹ và phương Tây “hà hơi tiếp sức”, lực lượng đối lập Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) vừa thông báo rằng sẽ trả lương cho những ai tham gia đấu tranh chống chính quyền của Tổng thống al-Assad. Trái với thiện chí rút quân của chính quyền Syria, phe đối lập vẫn đang cáo buộc kế hoạch của ông Annan là "quá nghèo nàn và quá muộn", không đề cập tới yêu cầu chính của những người biểu tình là Tổng thống al-Assad phải từ chức.

Chưa hết, các nước phương Tây vẫn đang quyết tâm “nhổ cái gai Syria” bằng những đòn trừng phạt dồn dập. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clinton tuyên bố rằng “cần đưa các lãnh đạo Syria ra xét xử”, đồng thời kêu gọi siết chặt trừng phạt chống lại nước này. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alain Juppe cho biết, hội nghị “Những người bạn của Syria” đã nhất trí thành lập một nhóm làm việc để cân nhắc các trừng phạt tiếp theo nhằm vào Damascus tại hội nghị sẽ diễn ra ở Paris trong vòng hai tuần tới.

Những động thái nêu trên đã cho thấy dã tâm ngày càng rõ rệt của Mỹ và phương Tây là can thiệp vào tình hình nội bộ của Syria. Và lý do khiến họ nghĩ "trăm phương nghìn kế" nhằm lật đổ bằng được chính quyền al-Assad không đơn giản là "khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng" tại đất nước này, mà là muốn “một mũi tên trúng ba đích”. Theo đó, vừa “chặt đứt” được một “cánh tay” của “kẻ nổi loạn Iran”, vừa xóa bỏ được một "căn cứ"của Nga ở Trung Đông; đồng thời giúp đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực là Israel loại bỏ một “mối đe dọa lớn”.

Chính quyền Damacus hiện cũng đã “nhìn thấu tim đen” của “Những người bạn” nói trên và vừa khuyến cáo rằng, phương Tây cần chấm dứt mọi hình thức ủng hộ chủ nghĩa khủng bố tại Syria, đặc biệt từ những quốc gia đã tuyên bố tài trợ và trang bị vũ khí cho các nhóm khủng bố ở nước này. Bên cạnh đó, Damacus nhấn mạnh rằng, để đổi lại cam kết của Chính phủ Syria đối với sáng kiến của ông Annan, cũng phải có sự đảm bảo từ các bên khác chấm dứt mọi hành động khủng bố.

Tuy nhiên, theo nhận định của báo giới ở Damascus, phương Tây vẫn đang "khuyến khích nguyên tắc độc quyền và âm mưu phá hoại sứ mệnh hòa bình của đặc phái viên chung Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) K.Annan”. Với tình cảnh hiện nay, xem ra “cây muốn lặng, gió chẳng dừng”. Trong bối cảnh đó, tương lai hoà bình của Syria vẫn vô cùng mờ mịt./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực