Hôm nay (26/10), lãnh đạo các nước thành viên EU bước vào cuộc họp thượng đỉnh khi mà thời hạn cam kết để đưa ra giải pháp cho khủng hoảng đã điểm.
Hội nghị lần này nếu thất bại, nói như Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy, tất cả sẽ sụp đổ. Khả năng thành công vẫn có, dẫu rất mong manh.
Tranh cãi đã bùng nổ giữa các nước thành viên châu Âu cả trong lẫn ngoài khu vực sử dụng đồng euro trong hai ngày qua- thời gian giữa hai cuộc họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) về khủng hoảng nợ công khiến bầu không khí trước thềm cuộc họp lần này vô cùng căng thẳng.
|
Châu Âu đang thực sự rơi vào một cuộc khủng hoảng kép cả kinh tế- chính trị |
Trước sức ép của EU cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về việc phải giảm khoản nợ công khổng lồ, Thủ tướng Italy Berlusconi đã nặng lời cảnh báo nước này không muốn phải nghe những bài giảng từ các quốc gia thành viên khác.
Trong khi đó, tại Anh, quốc gia nằm ngoài khu vực đồng euro đang ngày càng có nhiều ý kiến đòi tổ chức trưng cầu ý dân về quy chế thành viên của Anh trong EU, trong bối cảnh khủng hoảng nợ công lan nhanh.
Nhìn toàn cảnh châu Âu, ngày càng có nhiều yêu cầu tiến hành sửa đổi hiệp ước chung để tránh một nước thành viên vỡ nợ gây họa đến các thành viên khác.
Trả lời phóng viên Đài TNVN thường trú tại Pháp, ông Eric Heyer, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và dự đoán thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Pháp khẳng định: Châu Âu đang thực sự rơi vào một cuộc khủng hoảng kép cả kinh tế- chính trị. Và tất cả là một vòng luẩn quẩn khó tránh.
Ông Eric Heyer phân tích, nếu cho rằng đây chỉ là cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu thì không hẳn, bởi nếu nhìn sang các nước như Mỹ, Nhật Bản hay Anh thì nợ công và thâm hụt ngân sách ở những nước này còn lớn hơn ở châu Âu.
Cuộc khủng hoảng hiện nay ở châu Âu còn là khủng hoảng chính trị khi các nước thành viên không đoàn kết, thậm chí bất đồng trong các vấn đề ngân sách và tiền tệ. Còn Ngân hàng Trung ương châu Âu lại không thể đóng vai trò như một Ngân hàng Trung ương thực thụ, không thể áp dụng các biện pháp mạnh tay như in tiền để chống khủng hoảng.
Theo ông Heyer, muốn thay đổi tất cả những điều này thì cần phải thay đổi Hiến pháp của EU, mà đây lại là cái vòng luẩn quẩn vì lại cần sự đồng thuận của tất cả các thành viên, một tiến trình quá phức tạp, tốn quá nhiều thời gian trong khi thị trường lại cần những hành động nhanh chóng.
Kỳ vọng vào một kết quả khả quan càng bị giội gáo nước lạnh khi cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính – một phần quan trọng trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh lần hai ngày hôm nay- bị hủy bỏ.
Theo hãng tin Reuters, nguyên nhân là do các chi tiết của cuộc họp vẫn chưa được định rõ. Thêm vào đó, ngay trước cuộc họp thượng đỉnh, Đức- nền kinh tế trụ cột cùng Pháp trong việc tìm giải pháp cho vấn đề lại đưa ra tuyên bố phản đối một câu trong dự thảo tuyên bố hội nghị, kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục mua trái phiếu của các nước có nguy cơ vỡ nợ trên thị trường thứ phát.
Trong một thông tin liên quan khác, Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy sẽ có cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình Pháp vào tối mai (27/10), sau hai hội nghị thượng đỉnh liên tiếp của EU bàn về nợ công. Khó có thể nói trước ông Nikolas Sarkozy sẽ tán dương một thành công của hội nghị hay lại phải tiếp tục trấn an dư luận chờ đợi thêm nữa./.