Châu Âu đối mặt với bão nợ công
Thứ năm, 11/08/2011 10:43 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Theo giới phân tích, cơn bão nợ công tại châu Âu đang có nguy cơ mạnh lên thành một trận cuồng phong, cuốn vào trong đó bất cứ nền kinh tế nào lơ là trong quản lý tài chính. Một khi đã chạm đến hai nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ 4 khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) là I-ta-li-a và Tây Ban Nha, câu chuyện nợ công không còn ở vấn đề sức mạnh của một nền kinh tế. Mặc dù các nhà lãnh đạo I-ta-li-a và Tây Ban Nha đều bày tỏ sự lạc quan về khả năng chống chọi của nền kinh tế quốc gia họ, song những cuộc họp cũng như biện pháp khẩn cấp mà hai bên đang phải đưa ra cho thấy những mối lo ngại là hoàn toàn có cơ sở.
Thị trường tài chính châu Âu và toàn cầu “phát sốt” khi lãi suất vay mượn của Chính phủ I-ta-li-a và Tây Ban Nha tăng cao tới mức kỷ lục kể từ 14 năm qua từ thời điểm lưu hành đồng Ơ-rô. Trong khi đó, nhiều thông tin không tốt về cách thức quản lý kinh tế của hai quốc gia này được công bố. Cụ thể, I-ta-li-a được xem là quốc gia có tỷ lệ trốn thuế cao nhất châu Âu, trong khi Tây Ban Nha luôn đứng đầu về tỷ lệ thất nghiệp. Trong hai quốc gia có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ công, tình hình tại Tây Ban Nha có phần nghiêm trọng hơn I-ta-li-a. Thủ tướng Da-pa-te-rô bị chỉ trích nặng nề về quản lý kém và đã buộc phải chấp nhận một cuộc bầu cử sớm trong đó, ông không còn cơ hội tái ứng cử.
Chuyên gia phân tích người Tây Ban Nha An-ta-rét, Tổng biên tập trang web "Elpais.com" nhận định, “Cho đến lúc này, người ta vẫn nghĩ tỷ lệ thất nghiệp tới 20% là vấn đề nặng nề nhất của Tây Ban Nha chứ không phải là nợ công, nên khi có thông tin lo ngại về khủng hoảng nợ, dư luận thực sự ngỡ ngàng. Họ vẫn nghĩ, hệ thống tài chính của Tây Ban Nha khá vững chắc. Giới chuyên gia và người dân cũng hiểu rằng, có vấn đề trong quản lý tài chính của Chính phủ, nhưng không tưởng tượng tình hình căng thẳng đến thế và tâm lý hoang mang ngỡ ngàng của dư luận lại càng gây nguy hiểm khó lường đối với thị trường tài chính”.
Nhìn vào phản ứng chung, các nước châu Âu đều nhất trí cùng trấn an thị trường để bảo vệ đồng ơ-rô và tiếp tục thúc đẩy kế hoạch hỗ trợ cho Hy Lạp. Các nước châu Âu hiểu rằng, họ cần xem xét lại bài học về quản lý tài chính minh bạch, nhưng trước mắt, phải cứu trợ cho các quốc gia thành viên đang trong “tâm bão nợ” và phòng ngừa không để một nền kinh tế nào bị bão cuốn thêm.