Châu Âu thúc đẩy tăng trưởng khi "thắt lưng buộc bụng"

Thứ hai, 26/03/2012 17:19

Khi châu Âu cận kề một cuộc suy thoái mới, các nhà lãnh đạo khu vực này đã nhóm họp tại Phần Lan vào cuối tuần qua để bàn cách thúc đẩy tăng trưởng trong thời điểm nhiều nước đang phải "thắt lưng buộc bụng."

Các cuộc thảo luận xoay quanh các vấn đề thương mại, việc làm, thị trường chung và các cán cân sức mạnh đang dịch chuyển của thế giới. Cuộc họp tập trung vào việc tìm kiếm con đường phát triển cho châu Âu sau hai năm khủng hoảng nợ công, với nhiều biện pháp khắc khổ đang được thực thi ở nhiều nước.

Với 24 triệu người thất nghiệp ở 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), mức cao nhất kể từ năm 1998 và kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone) có thể suy giảm trong năm nay, châu Âu đang đối mặt với một triển vọng kinh tế thách thức nhất trong nhiều thập kỷ. Trong khi đó, giá dầu thế giới gần đây tăng mạnh càng khiến cho tình hình thêm phức tạp.

Thủ tướng nước chủ nhà, Jyrki Katainen, cho rằng châu Âu có nguy cơ sẽ trải qua một "thập kỷ mất mát" trong tăng trưởng kinh tế như Nhật Bản đã từng trải qua trong thập niên 1990. Ông cho rằng việc cải cách cơ cấu kinh tế trước mắt sẽ không có lợi cho tăng trưởng, song về lâu dài sẽ giúp ổn định nền kinh tế.

Ở những nước đang có mức tăng trưởng thấp và thâm hụt ngân sách cao như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy, việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng trong ngắn hạn, song sẽ tăng độ tin cậy của quốc gia, nhờ đó đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong tương lai.

Một khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách châu Âu là không có những mô hình tăng trưởng chung cho các nước, khi mỗi nước có những lợi thế cạnh tranh riêng. Một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của châu Âu chính là xuất khẩu, với các khách hàng chính là Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, những bất đồng thương mại giữa EU và Trung Quốc đang gia tăng, khiến nhiều công ty châu Âu gặp những khó khăn nhất định.

Do đó, châu Âu cần thiết lập một thị trường chung để đảm bảo hàng hóa, vốn và lao động được lưu chuyển tự do giữa các nước, và các thị trường như năng lượng được tự do hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, việc các nước có quyền bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh từ bên ngoài đang làm giảm những lợi ích mà thị trường chung mang lại.

Liên quan đến việc thúc đẩy nền kinh tế, Thủ tướng Italy Mario Monti đang kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tới nước này để đầu tư trong lĩnh vực tài chính cũng như đầu tư trực tiếp nước ngoài. Italy đang muốn thu hút đầu tư từ châu Á vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và du lịch cũng như thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thời trang sang trọng tới thị trường này.

Trong khi muốn thu hút đầu tư từ Nhật Bản, Italy cũng cho rằng Nhật Bản cần làm nhiều hơn nữa để có thể sớm đạt được hiệp định thương mại tự do với EU, bởi những quy định và tiêu chuẩn ở Nhật Bản đang gây trở ngại cho các doanh nghiệp châu Âu khi đến đầu tư tại Nhật Bản.

Về tình hình Hy Lạp, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng sẽ là một thảm họa nếu để nước này ra khỏi Eurozone, mặc dù Hy Lạp sẽ phải mất nhiều thời gian và trải qua không ít khó khăn để phục hồi nền kinh tế sau khi buộc phải nhận hai gói cứu trợ của quốc tế.

Theo bà, các nước Eurozone đã quyết định tham gia vào một liên minh tiền tệ và đó không chỉ là quyết định tiền tệ mà còn là một quyết định chính trị. Thủ tướng Đức tái khẳng định sự ủng hộ đối với sự hiện diện lớn mạnh hơn của Anh trong EU, bất chấp việc Thủ tướng Anh David Cameron từ chối tham gia một hiệp ước tài chính mới hồi tháng 12/2011./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực