Châu Âu: "Tình hình hiện nay đang rất, rất gay go"

Thứ ba, 31/07/2012 20:30

(ĐCSVN) - Sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Francois Holland mới đây, người đứng đầu Tổ chức Thương mại thế giới, ông Pascal Lamy đã đưa ra nhận định rất chính xác về kinh tế châu Âu rằng: “Tình hình hiện nay đang rất, rất gay go”. Vấn đề “gay go” nhất với châu Âu lúc này là “tấm chăn ngân sách” đang co lại, trong khi số tiền cần có để cứu trợ các nền kinh tế tăng vọt.

 

"Con tàu" Eurozone trong cơn bão nợ công (tranh biếm hoạ của Matt Kenyon)


Kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ công nổ ra ở “lục địa già” từ đầu năm 2010 đến nay, có thể nói, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã “may mắn sống sót”, dù nhiều lần đối mặt nguy cơ tan rã. Những “con bài domino” như Hy Lạp, Tây Ban Nha, hay Italy…đã không đổ sập xuống vực vỡ nợ, nhờ vào sự can thiệp mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), cũng như sự “hà hơi tiếp sức” khá kịp thời của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Đến nay, định chế này đã giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 0,75% và hỗ trợ nhiều ngân hàng trong khu vực số tiền lên tới hơn một nghìn tỷ Euro (1,23 nghìn tỷ USD). Một số nước như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đã nhận được “phao cứu sinh” tài chính từ ECB và các định chế tài chính khác.

Tuy nhiên, chưa bao giờ những thách thức kinh tế đối với châu Âu nói chung và Eurozone nói riêng lớn như hiện nay, khi các nền kinh tế lớn của khối như Tây Ban Nha, Italy, cũng cần cứu trợ. Mối lo Italy cần “phao cứu sinh” đã tăng lên khi các hoạt động kinh tế của nước này đang trì trệ, lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm lên mức nguy hiểm là hơn 6% và Italy không còn đủ sức “gánh” khoản nợ công khổng lồ, trị giá 2.320 tỷ USD. Tây Ban Nha thì đã trở thành “tâm bão” mới của cuộc khủng hoảng nợ, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II vừa qua đã giảm 0,4%; lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm mới đây đã vọt lên mức hơn 7,4%, vượt ngưỡng mà các nền kinh tế Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland trước đây phải xin cứu trợ...

Ngay cả Đức - nền kinh tế lớn, mạnh nhất "lục địa già", cũng không "miễn nhiễm" trước cuộc khủng hoảng nợ công. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's vừa hạ triển vọng kinh tế của Đức từ mức "ổn định" xuống "tiêu cực", do nước này đang phải đối mặt với nguy cơ ngày càng rõ rệt của việc Hy Lạp buộc phải rời khỏi Eurozone và khả năng phải cứu trợ cho Tây Ban Nha và Italy.

Trong khi đó, ECB nói riêng và EU nói chung, đều trong tình cảnh “sức cùng, lực kiệt”. Một khi hai gã khổng lồ-hai nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư khu vực nói trên cần cứu trợ, nguồn lực tài chính của châu Âu hiện có chỉ “như muối bỏ bể”. Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) hiện chỉ còn chưa đến 200 tỷ Euro (245 tỷ USD), trong khi Tây Ban Nha vừa thừa nhận họ có thể sẽ phải cần một gói cứu trợ 300 tỷ Euro từ EU và IMF.

Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu ECB Mario Draghi, trong bài diễn văn tại Luân Đôn ( Anh), vừa tuyên bố ủng hộ vô điều kiện đồng tiền chung châu Âu và sự tồn tại của đồng Euro là "không thể thay đổi được". Song, ở thời điểm này, giới phân tích vẫn nghi ngờ khả năng ECB có thể xoay chuyển tình thế. Bởi, đơn giản định chế tài chính này đang trong tình cảnh “lực bất tòng tâm”, nên không thể giúp các nền kinh tế khu vực dập tắt "ngọn lửa" nợ công và bảo vệ đồng Euro.

Một thách thức lớn nữa cũng đang đặt ra với các nước châu Âu, đó là khi “tấm chăn ngân sách” co lại không đủ che ấm cho tất cả, cũng là lúc trong “đại gia đình Eurozone” thêm nhiều tiếng nói bất đồng. Tại Đức, những tiếng nói phản đối Cơ chế bình ổn châu Âu với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, đã ngày càng mạnh mẽ. Khoảng 170 nhà kinh tế lớn của Đức vừa kêu gọi Thủ tướng Angela Merkel và người dân Đức ngăn chặn liên minh ngân hàng đã được thúc đẩy tại Hội nghị Thượng đỉnh EU vừa qua. Họ cũng cho rằng không công bằng khi bắt những người dân ở các nước còn đứng vững ở châu Âu phải đóng thuế, cắt giảm tiền lương, và tiết kiệm để chịu trách nhiệm cho những khoản nợ của các nước khác.

Có thể thấy, đã đến lúc châu Âu không còn đủ sức gắng gượng để ngăn các nền kinh tế trong “đại gia đình” Eurozone khỏi thảm cảnh vỡ nợ và hậu quả của nó sẽ là hàng thập kỷ mất mát. Những ngày gần đây, báo chí thế giới đề cập nhiều về câu chuyện thương tâm của những bà mẹ nghèo ở “xứ sở thần thoại” Hy Lạp buộc phải đưa con vào trại trẻ mồ côi, vì họ không đủ tiền nuôi con, do thất nghiệp, kinh tế khó khăn. Nhiều người đã so sánh hậu quả tàn khốc của cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp hiện nay như hậu quả của một cuộc chiến tranh lớn, khi mà hàng trăm nghìn gia đình ly tán và rất nhiều đứa trẻ phải chịu cảnh sống như trẻ mồ côi.

Tuy nhiên, cuộc ly tán của các gia đình Hy Lạp mới chỉ là một phần bi kịch của cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone mà thôi. Bởi, ngay cả “gia đình Eurozone” vốn là hình mẫu lý tưởng về liên kết kinh tế khu vực một thời, giờ cũng đang có nguy tan vỡ. Những thành viên của gia đình lớn này, từ Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đến Italy…đều không loại trừ khả năng phải “ra đi” trong một sớm một chiều, khi mà một Liên minh châu Âu hùng mạnh về kinh tế, giờ đã trong tình trạng “sức cùng, lực kiệt” bởi “bạo bệnh” nợ công./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực