(ĐCSVN) - Hiện nay, khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ công: vừa mới hoàn tất được kế hoạch giúp đỡ Bồ Dào Nha, Eurozone lại phải tính đến kế hoạch thứ hai hỗ trợ Hy Lạp, hiện trong tình trạng rất khó khăn.
Sau cuộc họp được tổ chức hôm 6/5/2011, Bộ trưởng Tài chính Luých Xăm-bua Jean Claude Junker đã tuyên bố không có chuyện trục xuất Hy Lạp ra khỏi Eurozone, nhưng ông thừa nhận cần phải có một kế hoạch mới cho nước này, bao gồm điều chỉnh bổ sung về ngân sách và khả năng Châu Âu cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải tiếp tục tài trợ cho Hy Lạp trong một giai đoạn lâu hơn, kể cả sau năm 2012. Điều này cho thấy, kế hoạch cứu giúp Hy Lạp cách đây một năm đã phần nào thất bại. Tháng 5/2010, Châu Âu và IMF đã cho Hy Lạp vay 110 tỷ Euro trong vòng 3 năm. Đổi lại, Hy Lạp cam kết thực hiện một chương trình giảm thâm hụt ngân sách. Cũng vào thời điểm đó, các bên đã thỏa thuận rằng Hy Lạp sẽ tăng cường các biện pháp cắt giảm chi tiêu, nếu các mục tiêu không được thực hiện.
Thế nhưng, trong năm 2010, thâm hụt tài chính công của Hy Lạp không giảm, vẫn ở mức 10,5% tổng sản phẩm quốc nội, thay vì 9,4% như cam kết ban đầu. Tình hình trong năm 2011 rất bấp bênh: Các khoản thu thuế không đạt mức dự kiến, cuộc đấu tranh chống trốn thuế không hiệu quả, một số khoản chi ngân sách lại còn cao hơn trước. Trong khi đó, tình hình xã hội Hy Lạp căng thẳng; các chính sách tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu gây bất bình trong dân chúng. Là thành viên Eurozone, Hy Lạp không thể phá giá đồng tiền chung, do vậy Hy Lạp không còn cách nào khác là phải giảm mạnh giá cả và chi phí sản xuất với hy vọng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng ngân sách.
Ông Daniel Gros, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu đã cảnh báo: sau khi cắt giảm các khoản chi trong khu vực công, về lâu dài, Hy Lạp không tránh được phá giá tiền tệ nội bộ, tức là giảm lương danh nghĩa trong khu vực tư nhân. Nếu không có điều chỉnh này, thì ngay cả khi Hy Lạp tiếp tục nhận được tài trợ quốc tế trên quy mô lớn, nước này vẫn khó có thể thanh toán được các khoản nợ công đáo hạn.
Giới chuyên gia cho rằng, trong những điều kiện như vậy, vào năm 2012, Hy Lạp không thể quay trở lại thị trường công trái quốc tế để huy động tài chính, do sự thiếu tin tưởng của giới đầu tư, hơn nữa, lãi suất công trái mà Hy Lạp phải trả rất cao, lên đến 14% trong thời gian 10 năm và 20% trong thời gian 2 năm. Đây chính là lý do vì sao Châu Âu phải thảo luận khả năng tiếp tục giúp đỡ Hy Lạp cho giai đoạn sau năm 2012. Theo một nguồn thạo tin thì đó là một giả thuyết mà hiển nhiên Châu Âu phải tính tới, vì Hy Lạp đang ở trong tình thế tương đối nguy kịch khi nợ công lên đến 327 tỷ Euro. Theo báo chí nước này thì chính quyền đang thương lượng hoãn trả nợ 65 tỷ Euro sắp đến hạn. Bên cạnh đó, Hy Lạp cũng muốn thương lượng với các chủ nợ về khả năng cho hưởng 2 năm ân hạn, không phải trả lãi, nhưng lãi suất về lâu dài sẽ được điều chỉnh tăng lên.
Châu Âu chưa quyết định sẽ giúp đỡ Hy Lạp dưới hình thức nào: Tiếp tục tài trợ đồng thời duy trì giám sát ngân sách nước này hay chấp nhập cho tái cơ cấu nợ công, tức là cho miễn trả lãi trong một thời gian hoặc đẩy lùi thời điểm thanh toán nợ?
Ngày 16/5/2011, Bộ trưởng Tài chính và giới lãnh đạo ngân hàng các nước trong Eurozone đã nhóm họp để tiếp tục thảo luận về hồ sơ cứu giúp Hy Lạp./.