(ĐCSVN) – Năm 2010 được coi là “Bức tranh màu sáng” đối với châu Phi khi lục địa này tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, trong đó có World Cup. Cùng với đó là mức tăng trưởng ngoạn mục về kinh tế, việc củng cố mối quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ với nhiều đối tác lớn khác trên toàn cầu, châu Phi còn là điểm đến hấp dẫn đối với các cường quốc kinh tế lớn và mới nổi. Tuy nhiên, châu lục này vẫn còn đang phải đối mặt với sự bất ổn chính trị vẫn còn đang diễn ra tại một số quốc gia.
World Cup 2010: Cơ hội quảng bá hình ảnh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu Phi
|
Việc đăng cai World Cup 2010 là cơ hội quảng bá hình ảnh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nam Phi nói riêng và của châu Phi nói chung (Ảnh: Nguồn Internet) |
Đăng cai World Cup 2010 là một sự kiện to lớn, một bước ngoặt đối với châu Phi nói chung và đất nước Nam Phi. Là một trong những quốc gia ở châu Phi vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn chung do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nhưng với tư cách là nước chủ nhà, Nam Phi đã cố gắng hết sức cho công tác chuẩn bị cho “ chiến dịch” World Cup. Công ty tư vấn toàn cầu Deloitte nhận định, thông qua việc đăng cai World Cup, Nam Phi sẽ cải tiến cơ sở hạ tầng cần thiết. Các dự án cơ sở hạ tầng cũng tăng cơ hội việc làm và thúc đẩy lao động dài hạn và công tác đào tạo… Như vậy, World Cup có thể đóng góp một tỷ lệ (khoảng 0,5% GDP) cho sự tăng trưởng kinh tế Nam Phi.
Trong thời gian World Cup, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng nhanh, tạo sức bật mới cho nền kinh tế Nam Phi trong thời gian tới. World Cup đã qua đi được gần 6 tháng song người dân châu Phi, Chính phủ và người dân Nam Phi vẫn tin tưởng rằng, World Cup 2010, hình ảnh đất nước và con người của lục địa đen nói chung và Nam Phi nói riêng sẽ gây ấn tượng hơn, gần gũi và thân thiện hơn với bạn bè và cộng đồng thế giới.
Số liệu thống kê của Nam Phi trong quý I/2010 cho thấy, chỉ số tăng trưởng của Nam Phi theo hướng đi lên so với quý 4/2009. Mức tăng trưởng này có thể đạt mức 4% so với quý trước cụ thể như xuất khẩu và tiêu thụ xe hơi ở mức 117%; sản xuất điện tăng 16,9%; khai thác mỏ tăng xấp xỉ 12%; cho vay tiêu dùng tăng 3,7%... Từ những kết quả đó, các chuyên gia kinh tế thế giới ước tính GDP của Nam Phi năm 2010 sẽ có mức tăng trưởng trên 3,5%, lạc quan hơn nhiều so với mức dự báo trước đây là chỉ tăng trưởng từ 2,8% đến 3,1%. Đây là minh chứng cho sự phục hồi khá mạnh mẽ của kinh tế Nam Phi sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra trong thời gian vừa qua.
Trong báo cáo "Toàn cảnh kinh tế châu Phi" do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố tháng 11/2010 cho thấy, tăng trưởng GDP của châu Phi trong năm 2010 ước đạt 5%, cao hơn so với mức dự báo 4,75%. Đáng chú ý, IMF cũng đưa ra mức dự báo tăng trưởng của châu Phi có thể lên tới 5,5% trong năm 2011. Các chuyên gia của IFM nhận định, châu Phi là châu lục sẽ đạt mức tăng trưởng cao, chỉ sau châu Á. Dù mức tăng trưởng này chưa đủ để đưa châu Phi thóat khỏi đói nghèo nhưng nền kinh tế của châu lục này đã lấy lại đà tăng trưởng mà họ đã đạt được từ đầu những năm 2000, vượt bậc so với mức tăng trưởng thấp của năm 2009 (2,9%). Lý giải thành công này, giới phân tích cho rằng đạt được khả năng tăng trưởng như vậy là nhờ những chính sách kinh tế lành mạnh, lạm phát thấp, cán cân tài chính bền vững, dự trữ ngoại hối tăng và nợ công giảm của các nước châu Phi. Nhiều câu chuyện thất bại đã trở thành những câu chuyện thành công của châu Phi.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù kinh tế châu Phi đã lấy lại đà tăng trưởng 5%/ năm song mức tăng trưởng của các nước châu Phi không đồng đều nhau. IFM đánh giá cao sự phát triển năng đông của các nền kinh tế tập trung ở phía Đông của lục địa đen và khu vực nói tiếng Anh. Theo các chuyên gia IFM, để châu Phi duy trì được tăng trưởng lâu dài và ổn định, châu lục này cần phải tanưg cường quan hệ với các nước mới nổi trong khu vực châu Á và Mỹ La tinh và các khu vực có mức tăng trưởng cao.
Điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài
Châu Phi vốn là châu lục có nguồn nguyên liệu dồi dào song việc khai thác và sử dụng không đạt hiệu quả cao do trình độ cũng như trang thiết bị còn thiếu và yếu. Do vậy, đây là cơ hội thuận lợi để các cường quốc kinh tế và các nước mới nổi đầu tư vào châu lục này.
Hiện nay, ngày càng có nhiều tập đoàn nước ngoài nhìn thấy các cơ hội làm ăn tại châu Phi và chờ đợi châu Phi có thể bùng nổ như các nước mới nổi Bra-xin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (BRIC). Theo Báo cáo của Hiệp hội Liên hiệp quốc tế về Thương mại và Phát triển (CNUCED), các nước BRIC đã và đang tăng cường sự hiện diện của mình tại châu Phi. Sự hợp tác này là thành quả to lớn mà Hiệp định “ Hợp tác Nam-Nam” đạt được trong việc tạo ra cơ hội mới giúp nền kinh tế châu Phi phát triển.
|
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã và đang triển khai nhiều dự án tại châu Phi (Ảnh: Nguồn Internet) |
Theo CNUCED, hoạt động trao đổi hàng hóa giữa châu Phi và các nước mới nổi đã tăng nhanh từ giữa thập kỷ 90. Nếu như năm 1995, hoạt động này mới chỉ đem lại 34 tỷ USD thì đến năm 2004 tổng trao đổi thương mại song phương đã đạt 97 tỷ USD trước khi lên tới 283 tỷ USD vào năm 2008. Đây là năm mà lần đầu tiên quan hệ song phương giữa châu Phi và các nước mới nổi đã vượt mức trao đổi giữa châu Phi và EU, đối tác thương mại truyền thống của lục địa này. Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin và một số nước đã xây dựng các chiến lược một cách hệ thống để định hướng sự hợp tác của họ đối với các đối tác trong đó có châu Phi. Báo cáo CNUCED cho rằng, để có mối hợp tác thương mại chặt chẽ giữa châu Phi và các nước mới nổi, châu lục này cần đưa ra một phương pháp đàm phán tập thể có tính gắn kết trước các đối tác thuộc những nước phát triển. Đây là việc làm hết sức cần thiết giúp cho các nước châu Phi giữ được sự cân đối trong trao đổi thương mại, đảm bảo lợi ích của mình một cách phù hợp.
Bên cạnh việc thúc đẩy trao đổi kim ngạch thương mại với châu Phi, các nước mới nổi còn tăng cường đầu tư tại châu Phi và đóng góp tài chính ngày càng nhiều cho sự phát triển của lục địa này. Trung Quốc đã tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại 35 nước châu Phi. Ấn Độ và Bra-xin tích cực chuyển giao công nghệ, nhất là trong lĩnh vực y tế và nông nghiệp.
Ngoài các quốc gia nói trên, nhiều nhà đầu tư đến từ các nước Nga, Hàn Quốc, Venêzuêla, Thổ Nhĩ Kỳ, các tiểu vương quốc và các nước quân chủ có dầu lửa khu vực vùng Vịnh Ả rập – Péc xích cũng đã xúc tiến và triển khai các chương trình, dự án đầu tư trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học, công nghệ thông tin và giáo dục.
Trong năm 2010, những chính sách hợp tác cụ thể đi vào thực chất với các đối tác lớn, trong đó có Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nga…cũng đã phát huy hiệu quả. Tại Hội nghị thượng đỉnh châu Phi - Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 3 diễn ra tại thủ đô Tripôli của Libi cuối tháng 11/2010, Châu Phi và EU đã ký tuyên bố chung và thông qua một kế hoạch hành động trong 3 năm tới nhằm đẩy mạnh quan hệ đối tác. Theo đó, từ nay đến năm 2013 EU sẽ chi 50 tỷ ơrô (65 tỷ USD) để hỗ trợ phát triển toàn diện mối quan hệ đối tác giữa châu Phi và EU, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế tư nhân.
Theo nhận định của ông Jean Michel Severino, cựu Giám đốc Cơ quan Phát triển của Chính phủ Pháp trong cuốn sách “Thời của châu Phi” do ông là tác giả thì châu Phi đang trở thành một “lục địa giàu có” bởi mức tanưg trưởng kinh tế nhanh, lượng vốn FDI cao và tình trạng đói nghèo giảm. Theo Severino: “ hình ảnh về một châu Phi chìm đắm trong đói nghèo và bệnh tật mà chúng tôi đang có tại châu Âu là điều không đúng. Khu vực châu Phi hạ Xa-ha-ra đã trở thành một vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với nhiều cơ hội kinh doanh. Khu vực này giống như một con tàu đang trên đường đi tới sự giàu có và thịnh vượng”.
Vẫn còn đó những bất ổn chính trị
|
Hiện một số quốc gia ở châu Phi vẫn đang phải đối mặt với tình hình chính trị bất ổn (Ảnh: Nguồn Internet) |
Năm 2010, thế giới đã đã chứng kiến những bước chuyển mạnh mẽ của châu Phi trong những nỗ lực ổn định tình hình chính trị nội khối. Xung đột suy giảm, đi vào đối thoại, hoà giải và tăng cường liên kết khu vực là xu hướng chủ đạo được thúc ẩy tại nhiều nước. Hàng loạt các cuộc bầu cử được tổ chức thành công ở Bu-run-đi, Ru-an-đa,Tan-za-ni-a, Burkina Faso… Kết quả các cuộc bầu cử được công nhận, dân chủ được thực thi, đặc biệt là tham vọng xây dựng mô hình “một chính phủ thống nhất châu Phi” được đẩy mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh của khối hồi tháng 7/2010, cho thấy một châu Phi đang nổi lên tại phương Nam với tư cách là một cực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, châu Phi vẫn đang phải đối mặt với tình hình chính trị bất ổn, điển hình như tại Cốt Đi-voa vẫn khiến dư luận quốc tế lo ngại. Cuộc bầu cử tổng thống ở quốc gia Bờ biển Ngà này, vốn được kỳ vọng và chờ đợi từ năm 2005, đang đẩy Cốt Đi-voa tới nguy cơ nội chiến khi cả hai ứng cử viên đều tuyên bố thắng cử và tự thành lập chính phủ riêng. Ở miền Đông lục địa Đen, nội chiến vẫn còn tiếp diễn tại Suđăng, nơi sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 9/1/2011 về quyền tự trị của khu vực miền Nam. Và sắp tới sẽ là “một bài toán khó giải khác”, khi cuộc bầu cử tổng thống Nigiêria, cuộc bầu cử nhuốm màu sắc của mâu thuẫn chính trị sắc tộc và tôn giáo đang đến gần. Đó là chưa kể đến mối lo ngại trước sự gia tăng hoạt động khủng bố của mạng lưới Al Qaeda, đặc biệt tại 4 nước Angiêri, Mali, Nigiêria và Môritani; tình hình bấp bênh tại Sômali và nguy cơ sụt giảm đầu tư và viện trợ nước ngoài cho châu Phi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục chững lại.
Năm 2010 đã khép lại, dẫu còn nhiều bất ổn, nhưng châu Phi đã và đang khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Kinh tế châu Phi vẫn tiếp tục tăng trưởng và vẫn chứng tỏ được sức quyến rũ của mình đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Châu Phi đang từng bước rũ bỏ xung đột và kinh tế trì trệ để bước tới một năm mới với những tham vọng mới, nhanh chóng trở thành một lục địa giàu có như nhận định của cựu Giám đốc Cơ quan Phát triển của Chính phủ Pháp Jean Michel Severino, tác giả của cuốn sách “Thời của châu Phi”./.