Chiến dịch quân sự can thiệp vào Li-bi

Thứ năm, 24/03/2011 15:41
 
Xe tăng của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Ca-đa-phi
trúng tên lửa liên quân. Ảnh: Roi-tơ

Chiến dịch không kích Li-bi của liên quân mới đang trong giai đoạn đầu, nhưng Mỹ đã tuyên bố thoái thác quyền chỉ huy. Động cơ nào khiến Mỹ dường như chủ động nhường cây gậy chỉ huy vốn họ cầm rất chắc chắn trong các cuộc can thiệp trước đó trong khi Pháp lại tỏ thái độ quyết liệt cho một cuộc chiến hạn chế chống Tri-pô-li?

Tất cả quốc gia liên minh để can thiệp vào nội bộ Li-bi đều lấy danh nghĩa là thực hiện Nghị quyết số 1973 của Liên hợp quốc với điểm chính là cho phép đặt một vùng cấm bay trên không phận Li-bi và cho phép sử dụng tất cả các phương tiện cần thiết để bảo vệ dân thường và các khu vực dân sự, dân cư. Tuy nhiên, ở mỗi nước tham chiến chính như Mỹ, Pháp, Anh, có những động cơ khác nhau nên tính chất tham gia cũng ở các mức độ khác nhau. So với các cuộc chiến khác như tại Nam Tư năm 1999, Áp-ga-ni-xtan năm 2001 và I-rắc năm 2003 dưới danh nghĩa liên quân do Mỹ cầm đầu, sự khác biệt đó nằm ở sự kiên quyết của Pháp và mức độ tham gia “có giới hạn” của Mỹ.

Nhìn vào lịch sử, Li-bi chưa bao giờ đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong các chiến lược của Mỹ. Sự thay đổi của Li-bi không có tác động nhất định tới chính sách và chiến lược của Mỹ mặc dù nhà lãnh đạo Ca-đa-phi và chế độ của ông vẫn là một thách thức với Mỹ. Các yếu tố về vị trí địa lý, về lợi ích kinh tế, vấn đề năng lượng của Li-bi còn đứng rất xa so với các quốc gia khác trong khu vực. Điều đó được thể hiện ở vai trò rất mơ hồ Li-bi trong chiến lược trật tự “vùng Trung Đông mở rộng” và còn rất xa trong Chiến lược toàn cầu dịch chuyển trọng tâm qua châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Sức hút từ những lợi ích có thể kiếm được từ Li-bi chưa đủ lực để Mỹ dính líu sâu  hơn trong khi những biến cố hay nguy cơ bất ổn khác vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại các vùng chiến lược vốn thực sự cần sự can thiệp của Mỹ. Hiện tại các quốc gia có vai trò quan trọng hơn khác, gồm đồng minh I-rắc, Y-ê-men hay đối tượng I-ran cũng “nóng lên”, đều cần được theo dõi sát sao để có đối sách kịp thời. 

Nhường đi một mặt trận không quan trọng, bớt được gánh nặng vốn là kinh nghiệm trong suốt quá trình mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới của quốc gia này. Chính vì thế, như Tổng thống Ô-ba-ma đã tuyên bố, Mỹ sẽ tuyên bố tấn công vào Li-bi ở mức độ hạn chế dù cho trong những giờ phút đầu tiên của chiến dịch, vẫn có những tuyên bố Oa-sinh-tơn đi đầu trong các cuộc không kích vào Tri-pô-li.

Khác với các cuộc chiến dưới danh nghĩa liên quân trước đây, lần này, Mỹ đã có những hậu thuẫn tích cực và đầy sốt sắng. Không có gì gây ngạc nhiên Pháp nổi lên như một quốc gia có sự cam kết và kiên quyết giải cứu lực lượng nổi dậy chống chính quyền Ca-đa-phi và tìm cách tiêu diệt chế độ Tri-pô-li. Sau những đợt vận động lớn, Pháp, như lời của Tổng thống N.Xác-cô-di, đã bày tỏ quyết tâm “đảm bảo vai trò trước lịch sử trong việc chấm dứt chế độ Ca-đa-phi” hay “can thiệp vào Li-bi theo ủy nhiệm của Liên hợp quốc”. Trong cuộc chiến này, Pháp đã có những toan tính kỹ càng về những lợi ích có thể có.

Can thiệp vào vấn đề Li-bi sẽ giúp Pháp củng cố vai trò và uy tín của một cường quốc trên thế giới cũng như thể hiện sự độc lập trong chính sách đối ngoại của mình. Việc dính líu vào Li-bi của Pháp có thể được coi là một quá trình được xâu chuỗi. Ngày 10-3, Pháp công nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia của lực lượng nổi dậy là đại diện hợp pháp của người dân Li-bi. Khi quân nổi dậy bị phản công đến tận căn cứ chính là thành phố Ben-ga-di, vì uy tín quốc gia, Pháp buộc  phải có động thái mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đó phải là hành động quân sự không chỉ là nêu cao danh nghĩa ngăn chặn một thảm họa trong trường hợp chính quyền Ca-đa-phi trấn áp lực lượng chống chính phủ mà còn là tự cứu lấy danh dự của nước Pháp. Kết quả là dưới sự đề xuất của Mỹ, Anh, Pháp, Nghị quyết số 1973 của Liên hợp quốc đã được thông qua.

Về chiến lược quân sự, có lẽ đây là đợt ra quân lớn nhất của Pháp sau rất nhiều năm trở lại đây với sự xuất hiện đồng thời của tàu sân bay, các tàu chiến và máy bay chiến đấu. Giới quân sự của Pháp coi đây là đợt kiểm tra kỹ năng hiệp đồng tác chiến, chiến thuật tác chiến của quân đội. Li-bi là một quốc gia có tiềm lực quốc phòng rất hạn chế lại bị bao vây cô lập và chia rẽ, rõ ràng đây là một bước tính toán vừa sức cho Pháp khi chủ động mở ra chiến dịch này.

Cũng có những dấu hiệu cho thấy, nước Pháp thực sự không muốn nhìn nhận Li-bi đóng một vai trò quá lớn trong Liên minh châu Phi, tổ chức được thành lập chính do sáng kiến của Ca-đa-phi. Với việc tấn công Ca-đa-phi, nước Pháp hy vọng rằng sẽ phần nào gây lại ảnh hưởng tới khu vực thuộc địa cũ của mình nay đã bước đầu đoàn kết theo một hình hài mới.

Còn quá sớm để đi đến kết luận cuộc chiến tại Li-bi sẽ đi về đâu. Nhưng với đặc điểm văn hóa, chính trị tại Li-bi hiện nay, rõ ràng trong giai đoạn trước mắt, khó có thể lật đổ chính quyền của ông Ca-đa-phi. Việc “giữ nguyên trạng” giúp gián tiếp bảo vệ, xây dựng và phát triển lực lượng chống đối trở thành đối trọng của chính quyền Ca-đa-phi đồng thời kết hợp với các hoạt động khác từ bên trong, tạo làn sóng và phong trào dần dần làm thay đổi thể chế chính trị tại Tri-pô-li.

Gần 3000 năm trước, trong Trường ca Iliad và Odysey của nhà thơ Homer, hình ảnh “bình minh bừng lên với những ngón tay hồng” là phép ẩn dụ chỉ quá trình trưởng thành và hoàn thiện sức mạnh của vị tướng huyền thoại Odyssey. Và như vậy, Chiến dịch có tên gọi “Bình minh Odysey”, với hàm ý áp đặt sức mạnh, tạo ra một diện mạo mới cho Li-bi theo ý muốn của phương Tây, đã mang đủ tính chất và mục đích cuối cùng của cuộc chiến này.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực