(ĐCSVN) - Lực lượng liên quân do Mỹ, Anh, Pháp cầm đầu, đêm 19/3/2011 (theo giờ địa phương), tức sáng sớm 20/3 (theo giờ Việt Nam) đã mở màn Chiến dịch có tên gọi "Bình minh Odyssey" (Odyssey Dawn) tấn công Libya. Hành động trên ngay lập tức đã vấp phải ý kiến phản đối mạnh mẽ từ một loạt các quốc gia trên thế giới.
Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Cairo của Ai Cập ngày 20/3, Tổng Thư ký Liên đoàn Arập (AL), ông Amr Mussa, đã chỉ trích các cuộc tấn công quân sự của phương Tây nhằm vào Libya.
Người đứng đầu AL tuyên bố những gì đang xảy ra tại Libya hoàn toàn khác so với mục tiêu áp đặt vùng cấm bay tại quốc gia Bắc Phi này và không đúng với mong muốn của AL là bảo vệ dân thường chứ không phải ném bom vào các dân thường khác. Tổng Thư ký Mussa cho biết: Ông đang xúc tiến để triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của 22 nước thành viên AL về những diễn biến mới nhất ở Libya.
Tuyên bố trên của Tổng Thư ký Mussa được đưa ra sau khi liên quân do Mỹ, Pháp và Anh cầm đầu tối 19/3 đã sử dụng tên lửa hành trình và máy bay tấn công các lực lượng quân sự và hệ thống phòng không của Libya.
|
Chiến sự vẫn diễn biến phức tạp tại Libya (Ảnh: Xinhua/Reuters) |
Trong khi đó, Nga cũng kêu gọi liên quân chấm dứt việc sử dụng vũ lực bừa bãi có thể sát hại nhiều dân thường Libya. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Alexander Lukashevich ngày 20/3 nêu rõ: Các cuộc không kích đã vượt quá quyền hạn cho phép trong Nghị quyết 1973 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Nga phản đối và kêu gọi liên quân ngừng ngay cuộc không kích chống Libya, đồng thời phải thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết là chỉ áp dụng các biện pháp bảo vệ dân thường.
Nga cũng kêu gọi các bên liên quan thực thi ngay các biện pháp cấp bách nhằm bảo đảm an ninh cho các nhà ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao ở Libya. Nga cho rằng: Cần phải tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại nước này trên cơ sở bảo đảm ổn định và sự phát triển dân chủ trong tương lai, thông qua việc ngừng bắn ngay lập tức và tổ chức đối thoại giữa các bên xung đột. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết: Hậu quả các cuộc không kích của liên quân nhằm vào các mục tiêu phi quân sự tại thủ đô Tripoli và 3 thành phố khác của Libya làm ít nhất 48 dân thường thiệt mạng và hơn 150 người bị thương, nhiều cơ sở y tế và hệ thống cầu cống bị phá hủy.
Từ Vatican, ngày 20/3, Giáo hoàng Benedict XVI cũng hối thúc các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị cân nhắc tới tính mạng của người dân Libya, đảm bảo họ được tiếp cận các dịch vụ cứu trợ khẩn cấp. Giáo hoàng cũng cho biết ông sẽ cầu nguyện vì một nền hòa bình tại Bắc Phi.
Liên quan tới chiến dịch quân sự chống Libya này của Mỹ, Pháp và Anh, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cảnh báo phương Tây đang đứng trước nguy cơ rơi vào "một sứ mạng kéo dài" tại quốc gia Bắc Phi này. Đức, nước thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, là một trong 5 nước đã bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết 1973 của cơ quan này.
|
Diễn biến tại Libya đang thu hút mối quan tâm sâu sắc từ nhiều quốc gia trên thế giới (Ảnh: Reuters) |
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez ngày 20/3 cũng lên án các cuộc không kích do liên quân tấn công vào Libya đã khiến nhiều thường dân thiệt mạng.
Theo số liệu thống kê của các phương tiện truyền thông Libya, các cuộc không kích do liên quân Mỹ, Pháp và Anh nhằm tấn công quân đội Chính phủ Libya trong vòng 24 giờ đầu tiên đã khiến 48 người thiệt mạng và hơn 150 người bị thương.
Trước đó, ông Chavez cũng bày tỏ quan điểm phản đối các cuộc tấn công trên và ví đây là một hành động “vô trách nhiệm”, sẽ gây nên nhiều tổn thất về người tại Libya. Cũng theo nhà lãnh đạo Venezuela thì đây chỉ là một cái cớ để phương Tây giành quyền kiểm soát nguồn trữ lượng dầu mỏ tại quốc gia Bắc Phi này.
“Ai cho các quốc gia trên quyền để ném bom vào Libya…Không một đất nước nào có quyền dội bom vào nước khác”, ông Chavez nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Chavez cũng cho rằng, việc Mỹ và các nước đồng minh “ném bom vô tội vạ” vào Libya là một hành vi phi lý và sẽ chỉ gây nên thêm các cuộc “tắm máu”.
Theo quan điểm của Tổng thống Venezuela thì “việc phải làm trước mắt là các bên xung đột cần tiến hành đàm phán chứ không phải ném bom, thêm bom sẽ có thêm giết chóc”, qua đó, ông Chavez kêu gọi cộng đồng thế giới cần theo đuổi những nỗ lực hòa giải giữa các bên bởi “một hành động ngừng bắn, ngồi xuống bàn đối thoại là con đường quen thuộc nhằm giải quyết vấn đề khi xảy ra các cuộc xung đột tương tự như những gì đang diễn ra tại Libya”.
Tại Havana, Bộ Ngoại giao Cuba cũng ra thông cáo, trong đó khẳng định quan điểm rằng: “Cuộc xung đột tại Libya nên được giải quyết thông qua con đường đàm phán và đối thoại chứ không phải bằng các biện pháp quân sự”.
Đài truyền hình Cuba trích đăng thông cáo của Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh: “Cuba mạnh mẽ lên án sự can thiệp từ phía nước ngoài vào tình hình xung đột nội bộ tại Libya”.
|
Liên quân Mỹ, Anh, Pháp thực hiện chiến dịch quân sự tấn công Libya (Ảnh chụp lúc 2 giờ 30 phút sáng ngày 20/3 theo giờ địa phương) (Ảnh: Xinhua) |
Trong khi đó, hôm 20/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lấy làm tiếc trước những hành động một số nước thực hiện tấn công quân sự nhằm vào Libya, đồng thời khẳng định “Bắc Kinh không đồng ý việc sử dụng vũ lực trong các mối quan hệ quốc tế”.
Bên cạnh đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du cũng nhấn mạnh rằng, những nguyên tắc và quan điểm được nêu lên trong hiến chương Liên hợp quốc và những luật quốc tế khác có liên quan cũng như chủ quyền, tính thống nhất, nền độc lập và tính toàn vẹn lãnh thổ của Libya nên được tôn trọng triệt để.
“Chúng tôi hy vọng tình hình ổn định tại Libya sẽ sớm được khôi phục nhằm tránh những tổn thất về người do tình hình xung đột quân sự leo thang”, bà Khương Du nói.
Về phần mình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast ngày 20/3 cũng lên án các cuộc không kích quân sự của liên quân phương Tây nhằm vào Libya, đồng thời bày tỏ nghi ngờ rằng “mục tiêu đích thực” của các cường quốc trên là nhằm chiếm đóng quốc gia Bắc Phi này.
“Luận điệu của các cường quốc trên là can thiệp dưới hình thức bảo vệ thường dân…Tuy nhiên, họ lại đang theo đuổi các mối quan tâm riêng, nhằm tìm kiếm quyền chi phối tại các quốc gia khác”, ông Mehmanparast nhấn mạnh.
Trong khi đó, Ấn Độ ngày 20/3 cũng bày tỏ quan điểm “lấy làm tiếc” trước việc 6 cường quốc dẫn đầu bởi Mỹ, Anh và Pháp thực hiện các cuộc không khích nhằm vào Libya. Bản tuyên bố của Bộ nội vụ Ấn Độ bày tỏ mối lo ngại sâu sắc trước tình hình bạo lực tiếp diễn tại Libya, các cuộc tranh chấp, tình trạng vi phạm nhân quyền tại Libya, cũng như lấy làm tiếc trước việc các nước cường quốc đã tiến hành không kích Libya.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng đã ra tuyên bố bày tỏ hết sức quan ngại về "tình trạng bạo lực, xung đột tiếp diễn và tình hình nhân đạo đang xấu đi" tại Libya, đồng thời kêu gọi tất cả các bên từ bỏ sử dụng vũ lực và giải quyết các bất đồng bằng các biện pháp hoà bình. Ấn Độ cho rằng, các biện pháp được thực hiện cần phải giảm nhẹ chứ không làm xấu thêm tình hình vốn đã khó khăn đối với nhân dân và đất nước Libya. Ấn Độ hy vọng các cuộc không kích sẽ không gây tổn hại cho thường dân, người nước ngoài cũng như các phái đoàn ngoại giao cùng các quan chức và nhân viên của Ấn Độ hiện ở Libya.
Về phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến mới hiện nay ở Libya, ngày 20/3/2011, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói: “Việt Nam lo ngại sâu sắc trước sự gia tăng căng thẳng và những hành động quân sự mới đây tại Libya với nhiều hệ lụy đối với đời sống của người dân Libya và hòa bình, ổn định ở khu vực. Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, sớm chấm dứt các hoạt động quân sự, tích cực thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia” . |