(ĐCSVN) - Từ những năm 80 của thế kỷ XX, Nhật Bản đã từng bước chuyển đổi tư duy chiến lược an ninh một cách chủ động, phù hợp với bối cảnh quốc tế và sự thay đổi vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế. Sau các thành tựu về kinh tế, xã hội, đây có thể coi là sự chuyển biến rõ nét nhất của Nhật Bản từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 đến nay.
Ngày 17/12/2013, Nhật Bản đã đưa ra chiến lược an ninh mới với trung tâm là chính sách ngoại giao và quốc phòng, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực và thế giới. Ngày 4/4 năm nay, Nhật Bản lại công bố “Sách xanh Ngoại giao”, thể hiện sự quan ngại của Nhật Bản về tham vọng biển của Trung Quốc và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình. Giới phân tích cho rằng đây là những bước chuyển quan trọng theo hướng đưa Nhật Bản trở thành “nước lớn về quân sự”.
Từ từng bước đến chuyển đổi căn bản
Theo giới hoạch định chính sách của Nhật Bản, thì Chiến lược An ninh của nước này đã trải qua các giai đoạn chuyển đổi: Báo cáo 80 (1980), nhấn mạnh, “Chiến lược bảo đảm an ninh tổng hợp”; “Báo cáo 94” (1994) đưa ra “Chiến lược bảo đảm an ninh mang tính xây dựng năng động”; Báo cáo 04 (2004) đưa ra “Chiến lược bảo đảm an ninh thống nhất”; Báo cáo 09 (2009) và Báo cáo 10 (2010) đưa ra “Chiến lược bảo đảm an ninh hợp tác đa tầng”, theo đó, các biện pháp “tích cực, chủ động” đã được thể hiện và quan điểm cốt lõi của “tự phòng vệ” đã được hình thành.
Ngày nay, trong Chiến lược An ninh mới, Nhật Bản đã xác lập được những chuyển đổi căn bản đó là: chuyển từ “an ninh lệ thuộc” sang “an ninh tự chủ”; từ “phòng thủ lãnh thổ” đến “can dự bên ngoài”; từ “lực lượng phòng vệ” đến “quân đội chính quy”; từ phát triển công nghiệp quốc phòng đến xuất khẩu vũ khí; đồng thời với việc sửa đổi “Luật Lực lượng Phòng vệ”... trong tiến trình sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản ban hành năm 1947 do Mỹ soạn thảo.
Vị thế quốc tế về an ninh đối ngoại
Chiến lược An ninh mới, nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao tính sáng tạo và sức mạnh đàm phán trong hoạt động ngoại giao, nhằm làm sâu sắc thêm tính hiểu biết và sự thu hút hỗ trợ nâng cao vị thế của Nhật Bản trong cộng đồng quốc tế; tăng cường sức mạnh mềm, khả năng nhận diện nhanh chóng và chính xác sự cần thiết hỗ trợ cho các công dân Nhật ở nước ngoài; tiên phong trong đóng góp cho các tổ chức quốc tế thông qua việc tham gia các tổ chức và nâng cao uy tín của Nhật Bản trong các tổ chức đó.
Nhật Bản sẽ phát triển Lực lượng phòng vệ thống nhất, linh hoạt, hiệu quả cao và sẵn sàng làm nền tảng trong các hoạt động chung; phát triển kế hoạch, tổ chức các chương trình như: Hướng dẫn phòng thủ quốc gia, phòng thủ trung hạn; duy trì và nâng cao sự tin cậy của hoạt động ngăn chặn mở rộng hạt nhân thông qua hợp tác chặt chẽ với Mỹ, trên cơ sở đó xây dựng một cấu trúc phòng thủ toàn diện, vững chắc.
Nâng cao khả năng của các cơ quan thi hành pháp luật về hoạt động tuần tra bảo vệ chủ quyền và cải thiện khả năng tuần tra, giám sát hàng hải; tăng cường hợp tác giữa các bộ và cơ quan, phản ứng kịp thời với các tình huống bất ngờ xảy ra; soạn thảo một đánh giá về các vấn đề liên quan đến tăng cường an ninh, chủ quyền và thực hiện hiệu quả các biện pháp mới;
Đi tiên phong trong phối hợp bảo vệ, quản lý và phát triển các đảo ở xa; nghiên cứu tình hình chủ quyền trong các khu vực, các đảo và khả năng phòng thủ xung quanh khu vực này, đánh giá những vấn đề liên quan đến sử dụng các khu vực đó vào việc tăng cường nỗ lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Nhật Bản.
An ninh mạng và các tuyến hải vận
Nhật Bản sẽ tăng cường khả năng phòng thủ không gian mạng và chống lại các cuộc tấn công mạng; đảm bảo tự do và an toàn trong sử dụng không gian mạng và bảo vệ cơ sở hạ tầng trước nguy cơ của các cuộc tấn công mạng. Cân nhắc và tính toán về việc mở rộng nguồn lực con người trong lĩnh vực an ninh mạng, bảo vệ hệ thống điều khiển và phản ứng trước các chuỗi rủi ro có thể xảy ra. Nhật Bản tăng cường hợp tác liên ngành và xác định vai trò của các cơ quan liên quan; tăng cường chia sẻ thông tin và xúc tiến hợp tác phòng thủ không gian mạng với các nước liên quan nhằm tăng cường tối đa an ninh mạng.
Tăng cường khả năng thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm tình báo con người, cơ sở, tín hiệu, hình ảnh và xúc tiến kết hợp các loại tình báo khác nhau; tăng cường phân tích tình báo, tổng hợp, chia sẻ khả năng dưới sự hỗ trợ của các nguồn lực con người. Hoạt động theo chu trình gia tăng hiệu quả, cung cấp kịp thời tin tình báo quan trọng cho Hội đồng an ninh quốc gia; sử dụng tình báo cho hoạch định chính sách, tăng cường chức năng phản gián nhằm phát triển hệ thống bảo vệ tình báo, nhằm phát huy tối đa khả năng tình báo của Nhật Bản.
Thi hành các biện pháp cần thiết đối với các mối đe dọa khác nhau trong khu vực đường giao thông biển, từ Vịnh Pecsic, eo Hormuz, Biển Đỏ, Vịnh Aden đến các vùng biển Nhật Bản qua Ấn Độ Dương, eo Malacca và Biển Đông… bao gồm hoạt động chống cướp biển, đảm bảo an toàn các tuyến hải vận và xúc tiến hợp tác hàng hải với các nước khác; Đồng thời tăng cường khả năng nhận thức về chủ quyền hàng hải, tăng tần suất và chất lượng hợp tác song phương, đa phương trong quan hệ hàng hải cũng như các cuộc diễn tập bảo đảm an ninh hàng hải khu vực và quốc tế.
Công khai hóa chính sách
Ngày 4/4, Nhật Bản đã cho công bố “Sách xanh Ngoại giao” năm 2014. Trong nội dung đã đề cập đến sự quan ngại của Nhật Bản về các vấn đề tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, Hàn Quốc, đặc biệt là vấn đề tham vọng về biển của Trung Quốc; bày tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Nhật Bản; “Sách xanh Ngoại giao” vừa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc, vừa lên án những hành động đơn phương bằng vũ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng trên biển Hoa Đông và Biển Đông; Nhật Bản cũng chỉ rõ, những hành động của Trung Quốc, bao gồm cả việc đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông hồi tháng 11 năm ngoái là “vi phạm một cách phi lý”; việc thường xuyên xâm nhập vùng biển của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku và cho rằng, những hành động như vậy không phù hợp với trật tự hiện có, căn cứ theo luật pháp quốc tế. Nhật Bản cũng khẳng định sẽ duy trì lập trường vững chắc và bình tĩnh đối với Trung Quốc, quyết tâm bảo vệ vững chắc lãnh thổ, lãnh hải và không phận của mình. “Sách xanh Ngoại giao” còn khẳng định, Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ và các nước khác nhằm yêu cầu Trung Quốc không làm cho tình hình căng thẳng leo thang; Ngoài ra, “Sách xanh Ngoại giao” cũng đề cập đến việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, theo đó ngân sách quốc phòng liên tục gia tăng nhưng lại thiếu tính minh bạch. Như vậy, mục tiêu “nước lớn quân sự” đã được Nhật Bản ấp ủ từ lâu và từng bước thể hiện trong mỗi giai đoạn chiến lược cụ thể./.