Chiến lược của Mỹ đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Thứ năm, 03/03/2011 16:04

 

 Mỹ đang muốn gia tăng ảnh hưởng trong khu vực (Ảnh: vusta.vn)

(ĐCSVN) - Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với lợi ích của Mỹ. Vì vậy, Mỹ đang kiếm tìm một cơ chế kinh tế - an ninh thích hợp để lôi kéo, ràng buộc các nước ở khu vực này phục vụ cho ý đồ củng cố địa vị lãnh đạo trên toàn thế giới của Mỹ trong thế kỷ XXI.

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực theo Mỹ có nhiều cái “nhất” như: nền kinh tế phát triển sôi động nhất, tập trung nhiều của cải nhất và có lực lượng quân sự dày đặc nhất. Vì vậy, mục tiêu của chiến lược an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ là tăng cường quyền lãnh đạo và quyền khống chế của mình đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Với vị trí đặc biệt, vừa ở Thái Bình Dương, vừa ở Đại Tây Dương, Mỹ muốn nắm vai trò lãnh đạo ở châu Á - Thái Bình Dương và củng cố sự hợp tác với các nước trong khu vực. Mục tiêu của Mỹ tại khu vực là: Ổn định, tự do lưu thông, phát triển kinh tế. Mỹ thực hiện chính sách trung lập trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng các giải pháp hòa bình và theo công ước quốc tế.

Quan điểm của Mỹ đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là nhằm: Thứ nhất, xác định tầm quan trọng của vành đai chiến lược châu Á - Thái Bình Dương để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc; Thứ hai, tái khẳng định sự trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ và “tạo sự tin tưởng, trấn an” ASEAN với các cam kết của Mỹ; Thứ ba, củng cố và thắt chặt quan hệ đồng minh với Australia, New Zealand; triển khai hợp tác toàn diện của Mỹ đối với các đối tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Mỹ đặt trọng tâm phòng ngừa đối thủ chiến lược trước hết chính là Trung Quốc, bởi đây là một nước lớn đang chứa đựng những tiềm năng phát triển mạnh về nhiều mặt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và trên thế giới nói chung trong thế kỷ XXI.

Về an ninh, Mỹ thực hiện chính sách an ninh gồm 3 thành phần: liên minh quân sự; duy trì sự hiện diện của lực lượng vũ trang Mỹ và thiết lập cơ cấu an ninh mới ở khu vực. Mỹ xác định nhất quán liên minh giữa Mỹ và Nhật Bản là hòn đá tảng trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.

Về đối ngoại, Mỹ tích cực thực thi chính sách tăng cường quan hệ với các nước; thúc đẩy kinh tế thị trường tự do ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ tiếp tục hợp tác trên thế mạnh nhằm mục đích kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước khác trong khu vực.

Về kinh tế, Chiến lược kinh tế của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhằm biến khu vực này trở thành thị trường tự do hóa kiểu phương Tây nói chung và tạo ra thị trường cho hàng hóa công nghệ cao của Mỹ nói riêng. Vì vậy, Mỹ tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế song phương với các nước trong khu vực, đặc biệt với Nhật Bản. Mỹ rất coi trọng nhân tố kinh tế của Trung Quốc để bảo vệ lợi ích đầu tư của Mỹ ở khu vực này trong thế kỷ XXI. Mục đích chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ là thực hiện bá quyền khu vực bằng các thủ đoạn kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao nhằm đe dọa, gây sức ép buộc các nước khuất phục trước tham vọng thiết lập một trật tự thế giới “đơn cực” do Mỹ lãnh đạo.

Từ khi lên cầm quyền, chính quyền Obama đã không ngừng vạch ra kế hoạch và điều chỉnh chiến lược an ninh Châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc là một trong những đối thủ chủ yếu, cho nên Mỹ tập trung làm suy yếu về chính trị, thâm nhập và cạnh tranh ảnh hưởng về kinh tế. Một mặt, mở rộng mức độ kiềm chế và bao vây; Mặt khác, lại coi trọng lợi ích kinh tế ở thị trường mới mẻ của Trung Quốc với số dân hơn 1 tỉ người. Sự lớn mạnh của Trung Quốc đã đem đến cho Mỹ cả những cơ hội và thách thức. Sự lớn mạnh này tạo cơ hội để Mỹ đầu tư và xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng tạo thành mối đe dọa đối với sức ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Nội dung cơ bản của chiến lược an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ bao gồm: Một là, tăng cường hệ thống liên minh của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thúc đẩy quan hệ đối tác của Mỹ ở khu vực này. Mỹ coi Nhật Bản, Hàn Quốc, Philíppin và Thái Lan là lực lượng chủ yếu để Mỹ tiếp tục duy trì và phát huy tầm ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, Mỹ không cắt giảm quân đồn trú ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không ngừng cải tiến chất lượng quân đồn trú của Mỹ ở khu vực này; Hai là, tích cực tham gia cơ chế hợp tác kinh tế và an ninh khu vực, bao gồm các cơ chế như ngăn ngừa phổ biến hạt nhân, xung đột khu vực, chạy đua vũ trang và hàng rào thuế quan; Ba là, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc “hợp tác trên cơ sở đối thoại”. Hiện nay, trong cơ chế đa phương, đối thoại là vô cùng quan trọng. Mỹ chủ trương phát huy vai trò lớn hơn trong các cơ chế hợp tác vốn có, phản đối việc thành lập các cơ chế khu vực mới vì lo sợ bị loại bỏ ra ngoài. Kế hoạch trong năm 2011, Mỹ sẽ tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), với hy vọng sẽ đạt được mục đích can dự vào các hoạt động của khu vực; Bốn là, tăng cường tính linh hoạt và tính sáng tạo của Mỹ trong việc tham gia vào cơ chế hợp tác đa phương. Mục tiêu cuối cùng của Mỹ là tăng cường quyền lãnh đạo và khống chế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Về chiến lược kinh tế, Mỹ ủng hộ Hiệp định thương mại tự do đa phương Châu Á - Thái Bình Dương, được gọi là Hiệp định đối kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc Mỹ tích cực tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương xuất phát từ các lý do sau: Thứ nhất, Mỹ coi TPP là phương tiện để thúc đẩy các lợi ích tại châu Á. Mỹ cam kết theo đuổi TPP như một mũi tên trúng 2 đích. Một mặt, TPP sẽ giúp Mỹ lấy lại các đồng minh trong khu vực, qua đó dọn đường cho sự trở lại của Mỹ trong tương lai. Mặt khác, TPP sẽ giải quyết phần nào những khó khăn nội tại của kinh tế Mỹ trong tương lai gần; Thứ hai, TPP sẽ là nền tảng để tiến tới một khu vực thương mại tự do toàn châu Á. Việc hoàn tất hiệp định TPP sẽ là nền tảng để tiến tới một khu vực thương mại tự do cho toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương. (FTAAP). Mỹ hy vọng hiệp định TPP sẽ thu hút sự tham gia của một số nền kinh tế mạnh khác như: Canada, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc và Malaysia. TPP sẽ là động lực cho “một hiệp định thương mại khu vực của thế kỷ 21 với tiêu chuẩn cao và tầm bao quát rộng”, có khả năng sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu của Mỹ; Thứ ba, TPP sẽ kiềm chế sự cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc. TPP sẽ là con đường ngắn nhất đưa Mỹ trở lại khu vực này và cũng là nhân tố quan trọng giúp đẩy nhanh xu thế xuất khẩu hàng hoá của Mỹ sang thị trường khu vực. Với Mỹ, TPP sẽ là những viên gạch nền, là hạt nhân cho khu vực thương mại châu Á – Thái Bình Dương bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như các nước chủ chốt khác trong ASEAN, phục vụ lợi ích thực tế và lâu dài của Mỹ đối với châu Á – Thái Bình Dương và trên hết là tăng cường địa vị, vai trò của Mỹ tại khu vực này./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực