(ĐCSVN) – Vụ lính Mỹ, ngày 11/3, xả súng vào hai làng Alokozai và Garrambai tại quận Panjwan, tỉnh Kandahar, Afghanistan, cướp đi sinh mạng của 16 thường dân vô tội đã thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ trên khắp quốc gia Nam Á này. Vụ việc trên không chỉ tiếp túc khoét sâu thêm mối quan hệ vốn đã bị sứt mẻ giữa Kabul và Washington mà còn phần nào cản trở chiến lược mà Mỹ đang theo đuổi tại chiến trường Afghanistan.
|
Thượng sĩ Robert Bales (bên trái) - người gây nên vụ xả súng đẫm máu tại Afghanistan ngày 11/3 (Ảnh: US Army) |
Từ hơn 10 năm về trước (2001), quân đội Mỹ đã đặt chân vào chiến trường Afghanistan dưới danh nghĩa “giải phóng” quốc gia Nam Á này khỏi chế độ Taliban và đưa Afghanistan quay trở lại con đường dân chủ. Tuy nhiên, đây chỉ là danh nghĩa tự xưng của quân đội Mỹ và trên thực tế, người dân Afghanistan lại chỉ xem họ như “một lực lượng quân đội chiếm đóng” tại quốc gia này. Bởi một lẽ, quân đội Mỹ và người dân Afghanistan hoàn toàn khác nhau về lối sống, truyền thống văn hóa-tôn giáo. Thậm chí nhiều người dân Afghanistan còn cho rằng, binh lính Mỹ không hề có thiện chí để thấu hiểu và tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo của người nước này (đặc biệt sau vụ đốt kinh Koran tại căn cứ quân sự Bagram của Mỹ ở Afghanistan).
Cho dù kế hoạch thuyên chuyển binh lính từ chiến trường này sang chiến trường khác luôn được Mỹ thực hiện một cách đều đặn, song cũng vì thế mà nhiều người lại được điều động tới chiến trường Afghanistan vài lần. Cuộc chiến kéo dài tại chiến trường này đã khiến cho nhiều binh lính Mỹ bị mất tinh thần và thậm chí là bị trầm cảm. Đây là một trong số những nguyên nhân dẫn đến một loạt những vụ việc gây ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ giữa quân đội Mỹ và nước sở tại như vụ lính Mỹ đốt kinh Koran; xúc phạm thi thể các phiến quân Taliban và mới đây nhất là vụ xả súng nhằm vào dân thường ở hai ngôi làng tại quận Panjwan…
Theo kết quả một cuộc điều tra được công bố ngày 13/3 (tức là chỉ 2 ngày sau vụ thảm sát ở Kandahar) cho thấy, có tới 50% người dân Mỹ ủng hộ việc chính phủ tăng tốc thực hiện kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan; 24% số người được hỏi cho rằng, chính phủ nên thực hiện kế hoạch này theo lịch trình đã định vào cuối năm 2014; trong khi đó, chỉ có 21% số người được hỏi cho rằng, Mỹ nên duy trì sự hiện diện tại Afghanistan cho tới chừng nào hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra. |
Ngay sau vụ việc trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Ngoại trưởng Hillary Clinton đều đã lên tiếng xin lỗi về vụ việc kể trên và tuyên bố sẽ tiến hành điều tra kỹ lưỡng để đưa kẻ thủ ác ra xét xử. Kết quả điều tra cuối cùng của Mỹ cho thấy, vụ thảm sát trên do t
hượng sĩ Robert Bales, 38 tuổi, thực hiện độc lập, với động cơ cá nhân. Tuy nhiên, thông tin trên đã không thể xoa dịu được sự giận dữ của chính phủ và người dân Afghanistan khi Washington liên tục từ chối yêu cầu của Kabul về việc đưa binh lính này ra xét xử công khai. Theo lập luận của phía Washington thì binh lính Mỹ tại Afghanistan được hưởng quyền đặc cách về ngoại giao và không bị chi phối bởi luật pháp của Afghanistan. Về phần mình, Tổng thống Afghanistan cũng đã cáo buộc Lầu Năm góc không hợp tác đầy đủ trong công tác điều tra vụ thảm sát đẫm máu ngày 11/3.
Vụ lính Mỹ xả súng thảm sát 16 dân thường, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, không chỉ khiến người dân Afghanistan mà còn cả lực lượng Taliban nổi giận. Nhiều người biểu tình đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Hamid Karzai từ chối ký vào bản thỏa thuận cho phép các nhà cố vấn và các lực lượng quân sự đặc nhiệm Mỹ ở lại Afghanistan sau thời điểm năm 2014. Chiều hướng sau vụ việc được cho là sẽ làm tổn hại nỗ lực của Mỹ nhằm đạt được thỏa thuận chiến lược với Kabul nhằm cho phép người Mỹ hiện diện lâu dài tại Afghanistan. Mặc dù, Washington đã lên tiếng rằng hành động của một binh sĩ Mỹ tại hai làng Alokozai và Garrambai xuất phát từ động cơ cá nhân, nhưng lời cáo buộc của người đứng đầu Chính phủ Afghanistan cùng làn sóng biểu tình của người dân đang nổ ra rất có thể sẽ gây khó khăn cho phương án mà Mỹ muốn thương lượng với nước chủ nhà.
Sau khi tiêu diệt tên trùm khủng bố Osama bin Laden, Tổng thống Obama đã tuyên bố kế hoạch rút toàn bộ binh lính Mỹ khỏi chiến trường Afghanistan vào năm 2014, trong bối cảnh Mỹ không có đủ điều kiện tài chính để tiếp tục duy trì lực lượng tại Afghanistan. Theo đó, quân đội Mỹ sẽ bắt đầu lộ trình rút quân khỏi chiến trường Nam Á này từ ngày 1/7. Tuy nhiên, sau vụ thảm sát tại quận Panjwan ngày 11/3, những nỗ lực của Mỹ nhằm liên hệ và tiến hành đàm phán với lực lượng Taliban-tạo tiền đề cho quá trình rút quân khỏi Afghanistan, lại càng trở nên xa vời khi Taliban tuyên bố thề trả thù cho những nạn nhân đã bị lính Mỹ thảm sát.
Trong khi đó, vụ việc ngày 11/3 cũng làm dấy lên không ít hoài nghi về một trong "những thành tựu ngoại giao" mà Nhà Trắng đang tung ra trong chiến dịch tái vận động tranh cử của ông Obama. Một số ứng cử viên đảng Cộng hòa đã không ít lần công kích kế hoạch rút quân của Nhà Trắng khỏi Iraq và Afghanistan khi cho rằng các quyết định này chỉ phục vụ mục tiêu chính trị năm bầu cử và về lâu dài có nguy cơ gây tổn hại cho an ninh của Mỹ. Hành động của binh lính Mỹ đã gây khó khăn cho Nhà Trắng trên nhiều phương diện, đặc biệt khi mà các báo cáo tình báo hồi tháng 1/2012 của Mỹ bị rò rỉ khẳng định rằng, các tay súng Taliban sẽ kiên trì chờ cho tới khi lính Mỹ và NATO rút đi sẽ gia tăng hoạt động để chiếm lại từng phần lãnh thổ của quốc gia Nam Á này.
Trước bối cảnh trên, ông Obama cũng đã đề nghị Tổng thống Karzai tái xác nhận các kế hoạch cho phép các lực lượng Afghanistan đóng vai trò đầu tàu trong các chiến dịch trong năm 2013, dần tiến tới việc đảm đương toàn bộ trách nhiệm để duy trì an ninh trên khắp lãnh thổ Afghanistan vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, vụ việc đáng tiếc ngày 11/3 đã khiến mối quan hệ Washington-Kabul thêm rạn nứt và phủ bóng đen lên hy vọng vừa nhen nhóm về thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Afghanistan. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề lớn còn tồn tại, liên quan tới kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan đó là liệu chính phủ Afghanistan có khả năng tự duy trì sự ổn định cơ bản tại đất nước này. Bởi thực tế hiện nay cho thấy, sự hiện diện của các lực lượng an ninh Afghanistan là không đủ để duy trì sự an toàn cho người dân. Tuy nhiên, chừng nào quân đội Mỹ còn tiếp tục duy trì tại Afghanistan thì chừng đó, các vụ việc đáng tiếc vẫn còn có nguy cơ tái diễn và khiến cho tư tưởng “bài trừ Mỹ” của người dân Afghanistan càng trở nên sâu đậm. Rõ ràng, trong tình cảnh hiện nay, chiến lược mà ông Obama đang áp dụng tại chiến trường Afghanistan đang lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” và không dễ dàng sớm tìm ra lối thoát./.