Chiến lược mới của Ngân hàng UBS (Thuỵ Sĩ) sau vụ lừa đảo lịch sử
Thứ sáu, 23/09/2011 17:21 (GMT+7)
Ngân hàng danh tiếng UBS của Thụy Sĩ đã đưa ra chiến lược hoạt động của ngân hàng trong thời gian tới, đồng thời quyết định cách chức Giám đốc điều hành Oswald Gruebel, sau khi ngân hàng này vừa trở thành nạn nhân của một vụ giao dịch lừa đảo có quy mô lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Thụy Sĩ, làm thất thoát khoảng 2 tỷ USD (1,5 tỷ euro) vào ngày 15/9 vừa qua.
Theo nhật báo Tages Anzeiger của Thụy Sĩ, hội đồng quản trị của UBS cũng tham khảo ý kiến của một trong những cổ đông lớn nhất của ngân hàng này là Tập đoàn đầu tư nhà nước Singapore (GIC).
GIC đã bày tỏ sự thất vọng và lo ngại đối với những sai sót của UBS, qua đó kêu gọi ngân hàng này phải hành động nhanh chóng để khôi phục lòng tin của khách hàng đối với UBS. Tages Anzeiger cho biết kế hoạch đề xuất tái cơ cấu ngân hàng UBS bao gồm việc cắt giảm 1/3 tài sản rủi ro, hiện đang có giá trị khoảng 130 tỷ franc.
Giới truyền thông Thụy Sĩ dự đoán rằng người kế nhiệm cho ông Gruebel có thể sẽ là ông Sergio Ermotti, người đã rời khỏi ngân hàng UniCredit vào tháng 4/2011 để làm việc tại UBS với vai trò là phụ trách hoạt động kinh doanh của ngân hàng này tại châu Âu.
Trước đó, Quốc hội Thụy Sĩ đã bác bỏ đề nghị của phe Trung tả thuộc Đảng Dân chủ Xã hội, đòi cấm các hoạt động đầu tư rủi ro và kế hoạch nâng cao vốn của ngân hàng UBS và Credit Suisse, sau vụ lừa đảo nghiêm trọng liên quan đến ngân hàng UBS nói trên.
Sau khi thống kê chi tiết, số tiền bị thất thoát của UBS từ vụ việc này đã lên tới 2,3 tỷ USD. Nghị sỹ của Đảng Dân chủ Xã hội, Susanne Leutenegger Oberholzer đã đề nghị Quốc hội Thụy Sĩ thảo luận về đề xuất cấm hoạt động đầu tư rủi ro trong ngành ngân hàng, nhằm ngăn chặn nguy cơ Chính phủ phải tung ra các gói giải cứu dành cho các ngân hàng gặp nạn, như đã từng làm với UBS trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Tuy nhiên, Quốc hội Thụy Sĩ đã bác bỏ yêu cầu này với 55 phiếu chống, 42 phiếu thuận và 6 phiếu trắng. Trong khi đó, Hạ viện Thụy Sĩ đang thảo luận về kế hoạch buộc UBS và Credit Suisse phải giữ ít nhất 10% vốn chủ sở hữu vốn cấp 1 trong tổng số tài sản rủi ro, so với mức tương ứng 7% mà công ước Basel III đã đề ra.
Ngoài ra, Hạ viện cũng yêu cầu hai ngân hàng này nắm giữ 9% các loại hình vốn khác, như trái phiếu có thể chuyển đổi linh hoạt (CoCo bond), đồng thời nâng tổng số vốn lên 19%. Theo dự kiến, các quy định này sẽ được áp dụng từ đầu năm 2012./.