Chiến lược quốc phòng của Mỹ: Tăng cường răn đe?

Thứ ba, 31/01/2012 14:13

Ngân sách quốc phòng của Mỹ sau khi cắt giảm vẫn còn hơn 40% chi phí quân sự của toàn thế giới

Ngày 5/1 Tổng thống Barack Obama đã công bố chiến lược quốc phòng (CLQP)  mới của Mỹ. CLQP được điều chỉnh theo hướng vì lợi ích an ninh lâu dài, bảo đảm an ninh cho Mỹ, các đồng minh, đối tác và khẳng định việc chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD).

Ông Obama nhấn mạnh, để ứng phó với các thách thức trong tương lai cần phải có sự phối hợp của toàn bộ các yếu tố tạo nên sức mạnh của Mỹ bao gồm cả ngoại giao, kinh tế, tình báo và an ninh nội địa. Ngân sách quốc phòng sẽ bị cắt giảm, nhưng Mỹ vẫn sẽ duy trì một lực lượng có khả năng giành chiến thắng trong một cuộc chiến lớn đồng thời vẫn có thể ngăn chặn kẻ xâm lược nếu xảy ra một cuộc xung đột thứ hai.

Tổng thống Mỹ Barack Obama bàn với các tướng
lĩnh về Chiến lược quân sự mới tại Lầu Năm Góc
ngày 5/1 (Ảnh AP)

Tinh giản lực lượng, tăng cường khả năng răn đe

Trong CLQP mới, Mỹ dự định sẽ cắt giảm 450 tỷ USD ngân sách dành cho quân đội và giảm 10 - 15% số lục quân và thủy quân lục chiến trong thập kỷ tới. Ông Obama nói "đỉnh điểm của chiến tranh đã thoái trào" tại Afghanistan và nước Mỹ cần phải khôi phục sức mạnh kinh tế.

Theo ước đoán, Lục quân Mỹ có khoảng 565.000 lính và Thủy quân Lục chiến là 201.000 lính. Nếu số liệu trên là chính xác thì số binh lính bị cắt giảm sẽ vào khoảng từ 76.000 - 114.000 quân. Chiến lược mới này cũng kêu gọi tăng cường đầu tư vào hệ thống máy tính và Mỹ có khả năng sẽ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của nước này nhiều hơn nữa mà không gây hại tới an ninh quốc gia –  tuyên bố này được các tổ chức kiểm soát vũ khí và một số nghị sỹ hoan nghênh.

Cũng theo Tổng thống Obama, Mỹ sẽ đảm bảo an ninh quốc gia bằng những lực lượng an ninh thông thường, nhỏ gọn nhưng linh hoạt hơn. Ông cam kết xóa bỏ hệ thống quân sự lạc hậu từ thời Chiến tranh Lạnh, tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết cho tương lai, bao gồm tình báo, giám sát, do thám và chống khủng bố.

CLQP mới của Mỹ sẽ hướng vào việc giảm quân số, đặc biệt là bộ binh, hiện đại hóa vũ khí, khí tài, nâng cao khả năng tác chiến của không quân và hải quân. “Lực lượng vũ trang phải có khả năng giáng trả các nguy cơ mới xuất hiện, và Mỹ sẽ mở rộng sự hiện diện quân sự tại CA-TBD để bảo vệ lợi ích của Mỹ”.

Trước đây, Mỹ đã từng nỗ lực duy trì một lực lượng có khả năng giành chiến thắng trong 2 cuộc chiến lớn cùng một lúc. Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cho rằng chiến lược mới này không có sự khác biệt lớn so với trước. Chiến lược trước đây nhằm đối phó với những xung đột lớn trong quá khứ, còn chiến lược mới nhằm đối phó với những xung đột mà Mỹ có khả năng phải đối mặt trong thế kỷ XXI. Ông khẳng định: "Đừng có nhầm lẫn - Chúng ta sẽ có khả năng chiến đấu và đánh bại nhiều kẻ thù cùng một lúc".

Như vậy, Tổng thống Obama cùng với các lãnh đạo Bộ Quốc phòng của Mỹ chỉ làm cho bộ máy quân sự gọn nhẹ hơn, nhưng hiệu quả hơn để không làm ảnh hưởng đến uy tín và vị thế cường quốc số một thế giới của Mỹ.

Cơ cấu lại không gian chiến lược

Chiến lược lần này của Washington khẳng định, châu Âu là đồng minh và đối tác tích cực nhất của Mỹ trong sự nghiệp duy trì an ninh và ổn định kinh tế toàn cầu. Mỹ khẳng định hiện vẫn còn tồn tại nhiều thách thức về an ninh và các cuộc xung đột chưa được giải quyết tại nhiều vùng ở khu vực này và Mỹ có những lợi ích lâu dài trong việc duy trì an ninh, thịnh vượng tại châu Âu nên “vị thế của chúng tôi tại châu Âu phải được nâng cao”.

Đối với khu vực CA-TBD một lần nữa được Mỹ đặt làm ưu tiên hàng đầu. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói rằng đây là một bước thay đổi lịch sử đối với tương lai và khẳng định khu vực CA-TBD giờ trở thành một trọng tâm lớn hơn “vì khu vực đang ngày càng có tầm quan trọng đối với tương lai của Mỹ xét cả về kinh tế lẫn an ninh quốc gia”.

Tại CA-TBD, bên cạnh việc tăng cường mối quan hệ với các đồng minh hiện có Mỹ sẽ mở rộng hợp tác với các đối tác mới nổi trong khu vực vì lợi ích chung. Mỹ sẽ chú trọng hơn đến quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với Ấn Độ, giúp nước này phấn đấu trở thành đầu tàu kinh tế trong khu vực cũng như nhân tố chính bảo đảm an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương. Đồng thời, Mỹ sẽ duy trì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.  

Liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành cường quốc trong khu vực này, đặc biệt là sức mạnh quân sự, Mỹ tuyên bố: “Điều đó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế cũng như an ninh của Mỹ trên nhiều phương diện. Mỹ vẫn sẽ tiếp tục có những quan tâm đầu tư cần thiết để duy trì tầm ảnh hưởng của mình trên cơ sở tuân thủ các điều ước đã ký kết cũng như luật pháp quốc tế”. 

Tại khu vực Trung Đông, chiến lược quốc phòng mới sẽ hướng đến việc ứng phó với lực lượng cực đoan, các mối đe dọa gây bất ổn cũng như tăng cường cam kết với các nước đồng minh và đối tác trong khu vực. Trong đó chú trọng đến an ninh vùng Vịnh, việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo.

Phản ứng khác nhau của dư luận

Chiến lược này đã gây ra những phản ứng khác nhau tại nước Mỹ và trên thế giới. Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John McCain nói: Mỹ không thể chấp nhận một “nền quốc phòng bị chi phối bởi ngân sách”.

Joe Lieberman, một thượng nghị sỹ độc lập, cảnh báo rằng chiến lược mới sẽ “làm gia tăng nguy cơ” kẻ thù của Mỹ sẽ đánh giá thấp quyết tâm chiến đấu của Mỹ.

Nghị sỹ đảng Cộng hòa Buck McKeon, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Quốc hội Mỹ, coi “Đây là chiến lược “đứng sau lãnh đạo” của một nước Mỹ tụt hậu. “Tổng thống đã gói gọn việc rút quân dưới vỏ bọc của một chiến lược mới nhằm biện minh cho việc tái bố trí ngân sách cho quân đội và quốc phòng”.

Còn giới phân tích quốc tế lại cho rằng không nghi ngờ gì nữa, mục đích của CLQP mới là để giúp Mỹ có thể đối phó với hai thách thức chính là Trung Quốc tại châu Á và Iran ở Trung Đông. Những “môi trường” mà các đối thủ tìm cách ngăn không cho Mỹ tiếp cận được ông Obama gợi lên có thể được hiểu là Biển Đông và gần đây hơn là eo biển Hormuz.

Thông tấn xã Trung Quốc đăng bài phân tích về CLQP mới tập trung vào châu Á của Mỹ, gọi đây là hành động "phô diễn sức mạnh". Tân Hoa cho rằng sự hiện diện của Mỹ có thể thúc đẩy ổn định, phát triển nhưng cũng có thể "đe dọa nền hòa bình" của khu vực.

Trung Quốc cho biết sự có mặt của Mỹ sẽ giúp Bắc Kinh duy trì "môi trường hòa bình" trong khu vực trong khi nước này tập trung phát triển kinh tế. Nhưng Trung Quốc cảnh báo Mỹ "nên tránh phô diễn sức mạnh vì điều này không giúp giải quyết các tranh chấp trong khu vực".

Hàn Quốc lại đang lo những cắt giảm lớn về quốc phòng của Washington sẽ tác động tới lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc và như vậy, sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ chiến lược quốc phòng của Seoul.

Tại Tokyo, Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản Ichikawa Yasuo nói rằng CLQP mới của Mỹ có khả năng sẽ không ảnh hưởng tới các chính sách của Nhật Bản. Nhật Bản hoan nghênh lập trường của Mỹ trong việc đặt trọng tâm lớn hơn vào khu vực CA-TBD.

Australia đang hy vọng sẽ rất có lợi từ CLQP mới của Mỹ. Giới phân tích quân sự nói rằng chiến lược mới của Mỹ đồng nghĩa rằng Australia sẽ có vai trò lớn hơn trong khu vực CA-TBD.

Tiến sĩ Rod Lyon, giám đốc Chương trình Quốc tế và Chiến lược thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia, nhận định: mặc dù tái định hướng chiến lược của mình theo hướng tập trung vào CA-TBD nhưng Mỹ cũng mong muốn các đối tác, trong đó có Australia, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chung.

Như vậy, theo CLQP mới, sau khi cắt giảm ngân sách, tinh giản lực lượng, bố trí lại không gian chiến lược… Mỹ vẫn giữ được vị thế cường quốc số một của mình. Tuy nhiên, theo ước tính, ngân sách quốc phòng của Mỹ sau khi cắt giảm vẫn còn hơn 40% chi phí quân sự của toàn thế giới. Và so với chính thu nhập quốc nội, thì Mỹ vẫn là nước giữ kỷ lục về mức chi tiêu cho quân sự./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực