Tổng thống Mỹ B.Obama (B.Ô-ba-ma) đã công bố chiến lược quốc phòng mới của Mỹ. Ông Ô-ba-ma đưa ra lý do để điều chỉnh chiến lược quốc phòng là vì lợi ích an ninh quốc gia lâu dài, bảo đảm an ninh cho cả Mỹ lẫn các đồng minh và đối tác. Đồng thời ông cũng khẳng định việc chuyển hướng trọng tâm sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông nhấn mạnh để ứng phó với các thách thức trong tương lai cần phải có sự phối hợp của toàn bộ các yếu tố tạo nên sức mạnh của Mỹ trong đó gồm ngoại giao, phát triển kinh tế, tình báo và an ninh nội địa. Ông cũng tuyên bố rằng mặc dù ngân sách quốc phòng của Mỹ trong 10 năm tới bị cắt giảm thế nhưng vẫn ưu tiên quan tâm đến vấn đề phúc lợi, y tế của thương binh, cựu binh cũng như gia đình họ.
|
Tổng thống Ô-ba-ma và các tướng lĩnh quân đội Mỹ. Ảnh: Foreign Policy |
Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, được công bố trên trang web của Lầu Năm Góc, lần này đề cập đến bối cảnh an ninh thế giới trong tình hình mới, các nhiệm vụ then chốt đặt ra đối với quân đội Mỹ và phương hướng xây dựng quân đội Mỹ tới năm 2020.
Bản chiến lược quốc phòng mới của Mỹ đánh giá mặc dù Bin La-đen (Bin Laden) đã bị tiêu diệt, rất nhiều thủ lĩnh cấp cao bị bắt hoặc triệt hạ, giáng một đòn mạnh vào Al Qaeda, thế nhưng mạng lưới này cũng như lực lượng cực đoan hiện vẫn còn hoạt động tại nhiều nơi, đe dọa đến lợi ích của Mỹ, đồng minh, đối tác và các nước. Vì vậy, trong tương lai trước mắt “Mỹ sẽ tiếp tục có biện pháp chủ động đối phó với những mối đe dọa này”.
Đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bên cạnh tăng cường mối quan hệ với các đồng minh hiện có thì Mỹ sẽ mở rộng hợp tác với các đối tác mới nổi trong khu vực vì lợi ích chung. Bản chiến lược mới cho hay, Mỹ sẽ chú trọng hơn đến quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với Ấn Độ, giúp nước này phấn đấu trở thành đầu tàu kinh tế trong khu vực cũng như nhân tố chính bảo đảm an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương. Đồng thời, Mỹ sẽ duy trì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành cường quốc trong khu vực này, đặc biệt là sức mạnh quân sự, Mỹ tuyên bố: “Điều đó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế cũng như an ninh của Mỹ trên nhiều phương diện. Mỹ vẫn sẽ tiếp tục có những quan tâm đầu tư cần thiết để duy trì tầm ảnh hưởng của mình trên cơ sở tuân thủ các điều ước đã ký kết cũng như luật pháp quốc tế”.
Tại khu vực Trung Đông, chiến lược quốc phòng mới sẽ hướng đến việc ứng phó với lực lượng cực đoan, các mối đe dọa gây bất ổn cũng như tăng cường cam kết với các nước đồng minh và đối tác trong khu vực. Trong đó chú trọng đến an ninh Vùng Vịnh, việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo.
Chiến lược lần này của Oa-sinh-tơn khẳng định, châu Âu là đồng minh và đối tác tích cực nhất của Mỹ trong sự nghiệp duy trì an ninh và ổn định kinh tế toàn cầu. Mỹ khẳng định hiện vẫn còn tồn tại nhiều thách thức về an ninh và các cuộc xung đột chưa được giải quyết tại nhiều vùng ở khu vực này và Mỹ có những lợi ích lâu dài trong việc duy trì an ninh, thịnh vượng tại châu Âu nên “vị thế của chúng tôi tại châu Âu phải được nâng cao”.
Ngoài những khu vực trên, Mỹ đề cập đến vấn đề thiết lập các quan hệ đối tác mới với ngày càng nhiều quốc gia, trong đó có cả các nước tại khu vực châu Phi và Mỹ La-tinh. Cuối cùng, bản báo cáo cho rằng: “Việc phổ biến công nghệ vũ khí hạt nhân, sinh-hóa cũng như các cuộc tấn công an ninh mạng có nguy cơ ngày càng thách thức các lợi ích của Mỹ nên Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường các tiềm lực của mình, phối hợp hành động với các đối tác trong và ngoài nước, thực hiện các chiến dịch hiệu quả nhằm chống phổ biến vũ khí hạt nhân”.