Nhân dân Cuba anh hùng vừa kỷ niệm tròn 50 năm Chiến thắng Hiron, ngày mà các lực lượng vũ trang Cuba đã đập tan cuộc tập kích của lực lượng lưu vong do Mỹ hỗ trợ nhằm tiêu diệt Nhà nước non trẻ. Liên quan tới sự kiện này, mới đây Mỹ đã giải mật nhiều tư liệu.
|
Chủ tịch Cuba Fidel Castro nói chuyện với các thành viên của Các lực lượng vũ trang Cuba gần bãi biển Playa Hiron khi xảy ra cuộc đổ bộ Vịnh Con Lợn. |
Ngày 17/4/1961, khoảng 1.500 người Cuba lưu vong, từng được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) huấn luyện, đã đổ bộ lên bờ biển Hiron, phía Nam Cuba với hy vọng kích động một cuộc nổi dậy. Mục tiêu của chúng là chiếm một bộ phận lãnh thổ Cuba, lật đổ chính quyền của Fidel Castro, dựng lên một chính quyền lâm thời cũng đã được Mỹ chuẩn bị sẵn ở Miami. Chúng âm mưu từ khu vực chiếm đóng này sẽ tiến hành các cuộc hành quân, tạo ra một cuộc nội chiến để Mỹ lấy cớ can thiệp trực tiếp. Tuy nhiên, lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro đã được cảnh báo về vụ xâm nhập này và có thời gian chuẩn bị lực lượng nên đến ngày 19/4/1961, cuộc tấn công xâm lược đã thất bại hoàn toàn chỉ trong vòng 3 ngày.
Sau 50 năm, những diễn biến này đã được kho văn khố an ninh quốc gia của trường Đại học George Washington (Mỹ) giải mật và chính thức công bố trong dịp này. Cách đây 2 tuần, Mỹ đã công bố 4 bộ hồ sơ liên quan đến vụ tấn công thất bại nhằm vào chính quyền của Chủ tịch Fidel Castro lúc bấy giờ.
Ngày 15/8, Mỹ tiếp tục giải mật và công bố những trang tài liệu khác, trong đó thu hút sự chú ý là những thông tin cho biết một đặc vụ thuộc CIA đã bắn nhầm vào các phi công phe mình, lái những chiếc máy bay được ngụy trang giống máy bay quân sự của Cuba, trong cuộc xâm nhập bất thành ấy. Ngoài ra, tài liệu cũng cho thấy giới chức Mỹ đã cho phép sử dụng bom napal một cách hạn chế để tấn công các mục tiêu quân sự và bảo vệ khu vực đầu cầu khi lực lượng lưu vong đổ bộ lên Vịnh Con Lợn.
Tuy nhiên, cuối cùng thì cuộc đột kích ấy cũng bị đập tan và “Sự kiện Vịnh Con Lợn” đi vào lịch sử như là thất bại quân sự lớn đầu tiên của Mỹ ở Tây bán cầu. Cuộc xâm lược ấy - ngược lại mưu đồ của các thế lực Mỹ - nó lại làm cho lãnh tụ cách mạng Cuba, Chủ tịch Fidel Castro càng trở nên nổi tiếng hơn. Nó cũng tạo dựng thêm nhiều tình cảm quốc quốc tế và sự ủng hộ cuộc Cách mạng chính nghĩa của nhân dân Cuba nhằm bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước sau này.
Có thể nói, khi những trang thông tin mật được giải mã và công bố, sự thật được phơi bày, những hành vi kiểu “tấn công lật đổ”, sử dụng vũ khí sát thương nguy hiểm… mà chính quyền Mỹ thời đó từng sử dụng đối với các quốc gia khác nhằm phục vụ mưu đồ riêng của mình, rất đáng bị lên án. Và nó càng đáng bị lên án hơn khi đã nhiều năm tháng qua đi, sự thù địch chống Cuba vẫn kéo dài với những chiêu bài cấm vận, cô lập mà chính quyền Mỹ theo đuổi.
Thế giới ngày nay đang càng trở nên phức tạp. Ổn định và hoà bình luôn bị đe doạ bởi không ít những điểm nóng xung đột, cả giữa các quốc gia hay giữa các phe, nhóm, đảng phái ngay trong một quốc gia… Những cuộc tấn công can thiệp, dù dưới danh nghĩa nào, cũng đáng bị lên án và cần loại bỏ khỏi đời sống chính trị toàn cầu. Bởi dẫu vì lý do gì, tấn công và bạo lực, nhất là có sử dụng những loại vũ khí huỷ diệt nguy hiểm như bom napal, chất độc hoá học, nghiêm trọng hơn là vũ khí hạt nhân… đều gây ra những tổn thất vô cùng to lớn về cả vật chất và tinh thần của nhiều thế hệ nhân loại. Những bài học của lịch sử, của quá khứ, hơn bao giờ hết, luôn cần được nhìn nhận một cách khách quan, mang tinh thần cầu thị./.