Chính sách của Mỹ đối với I-ran trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ
Thứ sáu, 17/02/2012 00:57 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Hiện nay, cuộc xung đột I-ran - I-xra-en liên quan đến chương trình hạt nhân của I-ran ngày một căng thẳng và có nguy cơ bùng lên thành một cuộc chiến tranh đẫm máu bất cứ lúc nào. Điều này cũng đang gây áp lực lên Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đưa ra các đối sách phù hợp và làm nóng lên một cuộc tranh cãi quyết liệt đúng vào năm bầu cử.
Trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ, dư luận cho rằng, nhiều khả năng Tổng thống Ô-ba-ma không can dự vào cuộc xung đột quân sự chống lại I-ran mà ưu tiên giải quyết bằng con đường ngoại giao. Gần đây, những phát biểu bóng gió, những lời cảnh báo và tín hiệu chính trị phát đi từ I-xra-en về khả năng tấn công quân sự I-ran đang đè nặng áp lực lên Tổng thống Ô-ba-ma. Những đồn đoán về một cuộc tấn công quân sự nhằm vào chương trình hạt nhân của I-ran đã lên đến cao trào, khi một nhà phân tích chuyên về thông tin tình báo của I-xra-en Rô-nen Bê-man kết luận trong một bài báo đăng trên Tạp chí “New York Times” số ra cách đây 1 tuần rằng, I-xra-en sẽ tấn công I-ran trong năm 2012. Bộ trưởng Quốc phòng I-xra-en Ê-hút Ba-rắc đã khiến Mỹ lo ngại khi ông kêu gọi hành động kịp thời chống lại I-ran. Sau đó, một tác giả chuyên bình luận chính trị của báo “Bưu điện Washington” Đa-vít I-gna-ti-út đã “rung lên những hồi chuông” báo động khi đăng bài báo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pa-nét-ta nói “nhiều khả năng I-xra-en sẽ tấn công I-ran vào tháng 4, 5 hoặc 6.2012”.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích đăng trên các báo Reuters, AP..., trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào tháng 11 tới, Chính quyền Ô-ba-ma sẽ không can dự vào bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào. Theo New York Times (6.2.2012) trả lời phỏng vấn đài NBC, Tổng thống Ô-ba-ma nhấn mạnh, Mỹ đã và vẫn sẽ tiếp tục cân nhắc mọi biện pháp để ngăn chặn I-ran chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng trước mắt, sẽ ưu tiên xử lý vấn đề an ninh cấp bách này thông qua các kênh ngoại giao. Ông nói: Mọi hành động quân sự thêm nữa ở trong vùng Vịnh đều làm gián đoạn và gây tác động lớn đối với Mỹ về giá dầu mỏ. Chúng tôi vẫn còn Quân đội ở Áp-ga-ni-xtan, nơi có chung biên giới với I-ran. Vậy nên chúng tôi muốn một giải pháp ngoại giao với I-ran.
Gia tăng áp lực trừng phạt kinh tế, chính trị là chiến lược ưu tiên của Mỹ để giải quyết vấn đề I-ran trong bối cảnh hiện nay. Ngày 6-2-2012, tổng thống Ô-ba-ma đã ký sắc lệnh phong tỏa toàn bộ tài sản và các lợi ích của Chính phủ I-ran, Ngân hàng Trung ương I-ran (CBI) và tất cả các tổ chức tài chính I-ran nằm trong phạm vi quyền hạn của Mỹ trong một nỗ lực “bóp nghẹt” kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Trước khi ban hành sắc lệnh mới, ông Ô-ba-ma đã tuyên bố những biện pháp trừng phạt hà khắc của Mỹ và châu Âu sẽ gây ra khó khăn lớn đối với I-ran. Theo đánh giá, động thái mới này của Mỹ đã làm nóng tình hình căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của I-ran và cho thấy ưu tiên chiến lược của Mỹ trong giải quyết vấn đề I-ran hiện nay là gia tăng áp lực trừng phạt kinh tế, chính trị.
Theo giới phân tích, càng nhiều biện pháp trừng phạt được ban hành và chứng tỏ hiệu quả, kế hoạch tấn công I-ran của I-xra-en sẽ bị trì hoãn. Phát ngôn viên Nhà trắng Ca-nây phủ nhận những ý kiến cho rằng, lệnh trừng phạt mới của Mỹ là dấu hiệu cho thấy sự lo ngại tăng cao về cuộc tấn công quân sự của I-xra-en. Ông này khẳng định, lệnh trừng phạt của Mỹ lên I-ran đã siết chặt nền kinh tế I-ran và làm trầm trọng sự căng thẳng giữa nội bộ lãnh đạo I-ran. Theo một quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nếu các quốc gia còn tiếp tục mua dầu từ I-ran thông qua CBI và các tổ chức tài chính của nước này thì việc thanh toán sẽ bị chặn lại từ thị trường Mỹ. Về phần mình, trước lệnh trừng phạt mới của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao I-ran Ra-min Me-man pa-rát nói: “Đây chỉ là một hành động thù địch khác, một cuộc chiến tâm lý chứ không gây ra tác động gì. Trừng phạt không thể ảnh hưởng đến chương trình hạt nhân của chúng tôi”.