Chính sách đối ngoại cân bằng của U-crai-na

Thứ sáu, 23/09/2011 17:57

(ĐCSVN) - Tháng 2.2010 sau khi giành được thắng lợi từ cuộc bầu cử Tổng thống U-crain-na, ông Y-a-nu-cô-vích đã bắt tay ngay vào điều chỉnh chính sách đối ngoại của quốc gia này, chuyển hướng lo đối ngoại từ chính sách ngoại giao “thân phương Tây toàn diện” sang chính sách “phát triển cân bằng quan hệ với các nước”.

Tháng 7.2010, Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích đã ký “Luật nguyên tắc chính sách đối nội và đối ngoại”, từ phương diện pháp luật xác định phương hướng điều chỉnh chính sách ngoại giao. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, hơn một năm nay chính sách ngoại giao của U-crai-na cơ bản là thành công, môi trường ngoại giao được cải thiện rõ rệt.

U-crai-na vẫn kiên định thúc đẩy hệ tác nhất thể hóa với châu Âu. Trong chính sách đối ngoại của U-crai-na, châu Âu vẫn là phương hướng ưu tiên, quan điểm này không thay đổi. Ngày 1.3.2010, sau khi nhậm chức Tổng thống chưa đầy 1 tuần, Y-a-nu-cô-vích đã đến thăm Tổng bộ của Liên minh châu Âu (EU) tỏ rõ 2 nội dung trọng điểm với EU: Thứ nhất, châu Âu vẫn là một phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao của U-crai-na, chính sách này vẫn được duy trì. Thứ hai, U-crai-na sẽ cải thiện quan hệ với Nga, nhưng không có nghĩa U-crai-na sẽ hoàn toàn đứng về phía Nga. Sự cải thiện quan hệ Nga - U-crai-na không chỉ có lợi đối với U-crai-na, mà cũng có lợi đối với châu Âu, vì quan hệ Nga - U-crai-na được cải thiện, thì sự ổn định cung ứng nguồn khí thiên nhiên của châu Âu mới được bảo đảm. Tổng thống Y-a-nu-cô-vích ngay sau khi nhậm chức đã đến thăm EU còn có hàm ý là xoa dịu phái đối lập trong nước, các cử tri thân phương Tây của U-crai-na sẽ nhận thấy nước mình không phải “con rối của điện Krem-lin”. Ông Y-a-nu-cô-vích muốn thông qua đối ngoại để tỏ rõ sự thịnh tình của mình đối với các quốc gia châu Âu, xóa bỏ những nghi kỵ từ Mỹ và châu Âu.

Sau các chuyến thăm châu Âu, Tổng thống Y-a-nu-cô-vích đã nhiều lần nhấn mạnh, nhất thể hóa với EU là một phương châm chiến lược của U-crai-na, U-crai-na hy vọng tăng cường hợp tác toàn diện với EU. Hơn 1 năm nay, những nỗ lực nhất thể hóa của U-crai-na với châu Âu chủ yếu tập trung trên 3 phương diện: tiếp tục thúc đẩy ký kết các Hiệp ước liên hiệp của EU; tiến hành đàm phán chế độ miễn thị thực giữa hai bên; đẩy nhanh xây dựng khu mậu dịch tự do U-crai-na - EU. Trên 3 phương diện này, U-crai-na đều giành được những tiến triển, nhưng lại chưa phải là những bước đột phá. Đàm phán Hiệp ước liên hiệp U crai-na - EU được bắt đầu tại Hội nghị Thượng đỉnh EU tháng 9.2008. Tại Hội nghị đó, Tổng thống Pháp Xác-cô-đi đồng thời là Chủ tịch luân phiên ủy ban thường trực EU tuyên bố, EU sẽ cùng U-crai-na ký kết Hiệp ước liên hiệp, từ đó làm sâu sắc thêm “mối quan hệ đặc biệt” giữa hai bên. Đối với châu Âu, Hiệp. ước liên hiệp có thể khiến cho U-crai-na “đến gần” hơn với các tiêu chuẩn của EU toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế- và tư pháp. Đối với U-crai-na cùng với EU ký kết Hiệp ước này cũng có nghĩa U-crai-na đã đi bước đi đầu tiên thâm nhập vào EU, trở thành nước được lựa chọn trong danh sách mở rộng các thành viên của EU. Tuy nhiên, hiệp ước này mới chỉ dừng lại ở góc độ đàm phán, chưa hề có biến chuyển mang tính đột phá. Tháng 11.2010, trong Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Brúc-xen (Bỉ), Chủ tịch Uỷ ban EU Ba-rô-xô hy vọng Hiệp ước liên hiệp giữa U-crai-na và EM sẽ được ký kết trong Hội nghị Thượng đỉnh năm 2011. Tuy vẫn đang trong tiến trình đàm phán, nhưng sự thừa nhận của các thành viên EU đã khiến cho U-crai-na thấy những hy vọng.

Việc đàm phán chế độ miễn thị thực giữa U-crai-na với EU đã bắt đầu từ năm 2005. Tháng 2.2005, tại Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban hợp tác giữa U-crai-na và EU đã thông qua kế hoạch hành động U-crai-na - EU, hai bên bắt đầu tiến hành những đàm phán miễn thị thực và xây dựng khu mậu dịch tự do. Cũng trong năm 2005, phía U-crai-na đã thực hiện chế độ miễn thị thực cho các công dân thuộc các nước EU, nhưng phía EU vẫn chưa có đãi ngộ công bằng trong chế độ miễn thị thực đối với công dân U-crai-na. Tháng 11.2010, tại Hội nghị Thượng đỉnh Brúc-xen, hai bên đã ký kết “Kế hoạch hành động miễn thị thực”, đưa ra những điều kiện cơ bản để hai bên thực hiện miễn thị thực một cách ổn thỏa. Tháng 5.2011, Phó Thủ tướng U-crai-na A-li-ép cho biết vẫn sẽ tích cực thực hiện cam kết với EU, trong năm 2011 khởi động hạng mục hộ chiếu nhận dạng bằng sinh học.

Khu mậu dịch tự do U-crai-na - EU cũng đã được đề xuất xây dựng thông qua “Kế hoạch hành động U-crai-na – EU” được thông qua năm 2005. Ngày 18.2.2008, tại Ki-ép, Tổng thống Y-a-nu-cô-vích và Ủy viên thương mại EU Man-đen-xơn thông báo, hai bên đã chính thức bắt đầu tiến hành đàm phán về vấn đề xây dựng khu mậu dịch tự do. Đến tháng 2.2010, tổng cộng hai bên đã tiến hành 15 cuộc đàm phán, cuối năm 2011 hai bên có hy vọng ký kết hiệp định xây dựng khu mậu dịch tự do.

Phía EU cho biết, EU hoàn toàn ủng hộ con đường phát triển mà U-crai-na đã lựa chọn, đồng ý các sản phẩm gang thép và dệt may xuất khẩu sang EU được miễn thuế. Trên lĩnh vực nông nghiệp, EU sẽ miễn 80% thuế cho U-crai-na đối với các sản phẩm nông nghiệp. U-crai-na hy vọng đẩy nhanh ký kết khu mậu dịch tự do với EU, nhưng “con dao hai lưỡi” này liệu có mang lại cho U-crai-na nhiều điều tốt đẹp không vẫn còn là điều khó dự báo.

U-crai-na là một thành viên quan trọng của kế hoạch phát triển “Quan hệ đối tác phía Đông” của EU, cũng là một địa duyên quan trọng để châu Âu mở rộng ảnh hưởng xuống phía Đông, cho nên, lôi kéo U-crai-na là một chiến lược của EU.

Quan hệ Nga - U-crai-na có nhiều tiến triển mới: Sau nhiều năm mâu thuẫn do va chạm và khủng hoảng kinh tế giữa Nga và U-crai-na, U-crai-na không có cách nào “gánh vác nổi những gánh nặng” kinh tế từ phía Nga. Việc cải thiện quan hệ với Nga là một vấn đề mà sau khi Y-a-nu-cô-vích lên nắm quyền mới được đặc biệt chú trọng, trong khi đó Nga cũng đặt rất nhiều kỳ vọng đối với Chính quyền mới của U-crai-na, hy vọng có thể bù đắp được “khoảng thời gian 5 năm bị lãng phí”. Ngày 5.3.2010, sau khi đi thăm các nước EU trở về Y-a-nu-cô-vích đã ngay lập tức đến Mát-xcơ-va, làm cho quan hệ giữa Nga và U-crai-na trở nên “ấm” hơn. Trên một số vấn đề lớn ảnh hưởng đến quan hệ Nga - U-crai-na, Tổng thống Y-a-nu-cô-vích đã thừa nhận rằng: U-crai-na sẽ không gia nhập NATO; bảo đảm địa vị của tiếng Nga; gia hạn thuê căn cứ hải quân Xe-va-xtô-pôn cho Hạm đội Biển Đen của Nga đóng quân tại U-crai-na. Hai bên đều tỏ rõ sẽ dốc sức phát triển kinh tế thương mại và hợp tác đầu tư, thúc đẩy sự triển khai hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực như năng lượng, hàng không, vũ trụ, hạt nhân, vận tải, thông tin và thậm chí cả trên lĩnh vực quân sự Hai nước còn quyết định thành lập các ủy ban liên quốc gia, thương thảo và điều phối cụ thể các hạng mục, lĩnh vực hợp tác, đây là nền tảng quan trọng cho hợp tác hữu nghị giữa Nga và U-crai-na trong những năm tới.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực