Chính sách đối ngoại của Nga với những khái niệm mới

Thứ hai, 05/12/2016 17:25
(ĐCSVN) - Ngày 1/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký Sắc lệnh phê chuẩn khái niệm mới về chính sách đối ngoại của Nga, nhằm tiếp tục bổ sung và làm mới những mục tiêu, nhiệm vụ chủ chốt trong lĩnh vực đối ngoại của quốc gia này trước những thay đổi mà thế giới đã trải qua trong 3 năm vừa qua.

Theo giới phân tích, Sắc lệnh do Tổng thống Putin phê chuẩn có những điểm mới được giới nghiên cứu và dư luận đặc biệt quan tâm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua Khái niệm mới về Chính sách đối ngoại của LB Nga.
Ảnh tienphong.vn

Bối cảnh mới về an ninh toàn cầu

Sắc lệnh đã chỉ rõ 4 biểu hiện mới của an ninh toàn cầu là: (1) Những quan hệ mâu thuẫn về kinh tế, xã hội, chính trị ngày càng bị khoét sâu, làm gia tăng sự bất ổn; (2) Việc hiện đại hóa các lực lượng chiến lược, các chủng loại vũ khí mới đạt tới mức gây nguy hại đến sự ổn định chiến lược do Nga – Mỹ đã đạt được thông qua các hiệp định kiểm soát vũ khí; (3) Nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh trên diện rộng ngày càng mạnh mẽ hơn (bao gồm cả xung đột hạt nhân giữa các nước lớn ở mức thấp); (4) Theo đó, an ninh toàn cầu hiện đang bị đe dọa.

Cuộc chiến chống khủng bố quốc tế

Sắc lệnh nêu rõ 3 vấn đề quan trọng:

Một là,  các mối đe dọa khủng bố trên toàn cầu đã phát triển về chất, với sự trỗi dậy của tổ chức IS và các nhóm khủng bố khác đã gây nên những tội ác chưa từng có tiền lệ. Chúng còn theo đuổi ý đồ xây dựng một nhà nước riêng và gia tăng tầm ảnh hưởng trong vùng lãnh thổ giữa bờ biển Đại Tây Dương và Pakistan.

Hai là, nước Nga một lần nữa ghi nhận sự cần thiết “xây dựng nên một liên minh chống khủng bố quốc tế, dựa trên nền tảng pháp lý vững chắc cùng mối quan hệ hợp tác hệ thống, có hiệu quả, không mang màu sắc chính trị, không áp đặt các tiêu chuẩn kép. Đồng thời, tận dụng các tiềm năng trong xã hội dân sự, trước tiên là với mục đích ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và chặn đứng các tư tưởng cực đoan”.

Ba là, Nga coi cuộc chiến chống khủng bố quốc tế là một “nhiệm vụ quốc gia vô cùng quan trọng”. Nga cũng cam kết sẽ nỗ lực tối đa trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trên tinh thần tôn trọng luật pháp Nga và luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, Nga cũng thể hiện lập trường của mình nhằm ủng hộ một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Syria. Moscow sẽ tiếp tục theo đuổi các giải pháp về chính trị, ngoại giao cho các quan hệ xung đột ở Trung Đông, dựa trên nguyên tắc không can thiệp từ bên ngoài.

Vấn đề vũ khí hạt nhân

Khái niệm mới về chính sách đối ngoại của Nga còn nêu rõ, Moscow ủng hộ việc thiết lập các khu vực phi hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác trên thế giới, mà trước tiên là ở Trung Đông.

Nga khẳng định sẵn sàng thảo luận về việc tiếp tục cắt giảm tiềm lực hạt nhân theo từng giai đoạn và ủng hộ các nỗ lực tăng cường an ninh toàn cầu. “Nga duy trì lập trường kiên định trong việc tăng cường an ninh và sự ổn định trên thế giới ở cấp độ chiến lược và khu vực… Trong khía cạnh này, Nga đề cao tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Hiệp ước chung Nga - Mỹ về tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí phòng thủ chiến lược được hai bên ký kết ngày 8/4/2010”.

Mối quan hệ Nga với các đối tác

Đối với Mỹ. Nga cho rằng, tương lai phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ trong các vấn đề toàn cầu và song phương chỉ có thể trở thành hiện thực dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lợi ích, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. 

Moscow không công nhận những chính sách về “thẩm quyền tư pháp ngoại biên” của Mỹ và mạnh mẽ bác bỏ những sức ép về chính trị, quân sự, kinh tế, đồng thời bảo toàn quyền phản ứng quyết liệt trước các hành động thiếu thân thiện, đặc biệt thông qua việc tăng cường phòng thủ quốc gia và áp dụng các biện pháp trả đũa.

Đối với EU. Nga khẳng định, EU vẫn là một đối tác chính trị, kinh tế của Nga và Moscow quan tâm tới việc xây dựng một mối quan hệ hợp tác “ổn định, có thể dự báo được” với liên minh này. Tuy nhiên, Sắc lệnh cũng cho rằng, hiện chính sách về thị thực của EU đang trở thành một rào cản lớn trong phát triển các quan hệ tiếp xúc giữa Nga - EU. Nga cho rằng, việc gỡ bỏ những rào cản này sẽ mang lại một “động lực thúc đẩy” mới nhằm phát triển quan hệ giữa Moscow với Brussels.

Sắc lệnh cũng bày tỏ sự quan ngại trước các động thái mở rộng quân sự của NATO về khu vực gần biên giới với LB Nga. Nga sẽ xây dựng các mối quan hệ với NATO dựa trên mức độ sẵn sàng của liên minh này trong việc tham gia vào một tiến trình đối thoại bình đẳng.

Đối với khu vực Đông Bắc Á. Nga khẳng định, chia sẻ lập trường chung trong nhiều vấn đề quốc tế với Trung Quốc và tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới; tiếp tục phát triển mối quan hệ gần gũi với Nhật Bản; kêu gọi các nỗ lực xoa dịu quan hệ đối đầu và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, hướng tới tương lai tái hòa giải giữa các bên thông qua đối thoại, nhằm mục tiêu bảo đảm sự ổn định và an ninh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Nga coi trọng việc tăng cường vị thế của mình tại Thái Bình Dương và thúc đẩy quan hệ với các nước trong khu vực là một đường lối mang tầm quan trọng chiến lược trong chính sách đối ngoại. Nga cũng sẽ tận dụng các công nghệ hiện đại để bảo vệ an ninh thông tin và nâng cao vị thế của giới truyền thông Nga ở nước ngoài.

Đối với khu vực Bắc Cực. Nga chủ trương “đưa ra các biện pháp tương tác” trước mọi mưu đồ làm bùng phát xung đột quân sự hay quan hệ đối đầu tại Bắc Cực. Moscow sẵn sàng phát triển các mối quan hệ với Canada, gồm cả vấn đề Bắc Cực dựa trên nền tảng cùng tôn trọng các lợi ích của nhau.

Như vậy, trước những chuyển động trên thế giới, Nga đã đưa ra Sắc lệnh nhằm bổ sung và làm rõ hơn chính sách đối ngoại mới của mình, bao gồm cả việc đánh giá lại môi trường an ninh toàn cầu, chủ nghĩa khủng bố, vũ khí chiến lược, các nguy cơ tiềm ẩn về an ninh… Trên cơ sở đó, Moscow đưa ra các đối sách chiến lược trong quan hệ với các đối tác trên các khu vực, đồng thời khẳng định trách nhiệm, vị thế của mình trên trường quốc tế.

Vì thế, giới phân tích cho rằng, đây là bước đi chủ động nhằm sớm đón nhận và thích nghi với quá trình cấu trúc an ninh toàn cầu “đa cực, đa trung tâm” đang chuyển mạnh từ định hướng, sang định hình./. 

Nguyễn Nhâm
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực