Chính sách ngoại giao của Mỹ trong thời gian qua
Thứ tư, 15/09/2010 17:48 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Mới đây, tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry có bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời gian qua. Trong đó, bà Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Ô-ba-ma trong việc tái xây dựng các liên minh truyền thống và hành động theo cách thức đa phương. Phương thức này trái ngược với cách thức của chính quyền tiền nhiệm Bu-sơ là phụ thuộc vào sức mạnh quân sự, và nó đã bắt đầu cho thấy những kết quả.
Theo bà Hi-la-ry, Mỹ đang tích cực ủng hộ các cuộc đàm phán hoà bình trực tiếp giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. Bà cho biết sẽ có chuyến công du tới Ai Cập và Giê-ru-xa-lem để tham dự vòng hai cuộc đàm phán này.
Đối với tình hình I-rắc, Mỹ đang tiến hành chuyển giao và quá độ sang mối quan hệ đối tác dân sự, điều chưa từng có từ trước tới nay. Mỹ cũng đang tăng cường áp lực quốc tế nhằm buộc I-ran tiến hành đàm phán một cách nghiêm túc về chương trình hạt nhân của nước này. Ngoài ra, Mỹ cũng đẩy mạnh hợp tác với Pa-ki-xtan trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, mối quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự của Mỹ vẫn là cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan.
Chính sách đối ngoại của Oa-sinh-tơn thời gian qua cho thấy, Mỹ đã quay trở lại với các đồng minh thân cận nhất, đây là những quốc gia chia sẻ các lợi ích và giá trị căn bản nhất cũng như các cam kết để giải quyết các vấn đề chung. Tại các khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á và Thái Bình Dương, Mỹ đã và đang làm mới và tăng cường các quan hệ đồng minh vốn là hòn đá tảng đối với sự thịnh vượng và an ninh toàn cầu.
Trên lĩnh vực kinh tế, Mỹ cũng đã mở rộng quan hệ với Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và thúc đẩy mạnh mẽ việc theo đuổi thoả thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các quốc gia khu vực. Mỹ cũng đã tăng cường tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và cuối năm nay bà Hi-la-ry sẽ đại diện cho nước Mỹ tham gia EAS tổ chức tại Hà Nội.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, tất cả những thách thức hay các rào cản không tồn tại tách biệt. Vì vậy, để giải quyết những vấn đề chính sách đối ngoại Mỹ cần phải cân nhắc trên cả phạm vi toàn cầu và khu vực để xem xét những mối liên hệ, ràng buộc về lợi ích giữa các quốc gia.