Với kết quả cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga khóa VI, chính trường nước Nga thời gian tới gần như đã được định hình.
Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga khóa VI vừa diễn ra hôm Chủ Nhật (4/12) cho thấy, Đảng Nước Nga Thống Nhất cầm quyền đã chiến thắng áp đảo. Tuy nhiên, không như mong đợi, số ghế mà Đảng này giành được đã không đạt 2/3 tổng số 450 ghế theo quy định để có quyền thông qua các thay đổi Hiến pháp. Kết quả này dẫn đến những dự báo sớm về chính trường nước Nga trong một nhiệm kỳ lãnh đạo mới.
So với cuộc bầu cử năm 2007, khi đó Đảng Nước Nga Thống Nhất giành được đa số áp đảo 64,3% số phiếu ủng hộ và giữ 315 trên tổng số 450 ghế trong Duma Quốc gia, lần này, chỉ với khoảng 50% số phiếu, Đảng Nước Nga Thống Nhất đã mất đi một vị thế quan trọng trong “chính quyền lập pháp” tối cao này.
|
Quyền lực tại nước Nga vẫn nằm trong tay những người "mới mà không mới" (Ảnh: Reuters) |
Theo luật bầu cử mới được sửa đổi cuối năm 2008, nhiệm kỳ của Duma Quốc gia Nga khóa mới sẽ kéo dài 5 năm thay vì 4 năm như trước đây. Sự “mất thế” của Đảng Nước Nga Thống Nhất cũng bởi vậy sẽ kéo dài hơn.
Quan tâm đến chính trường Nga, dư luận thường chú ý tới cuộc bầu cử Tổng thống nhiều hơn (việc này sẽ diễn ra vào tháng 3/2012). Tuy nhiên, kết quả của cuộc bầu cử Hạ viện cũng có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc bầu cử Tổng thống. Bởi với một đảng mà vị thế đang lên thì chiến thắng của người đại diện ra tranh chức Tổng thống sẽ được bảo đảm chắc chắn hơn. Còn với một đảng cầm quyền thì người đại diện cho đảng ra tranh cử mà chiến thắng thì uy tín và vị thế của đảng cũng sẽ được củng cố vững chắc hơn.
Chính vì ý nghĩa đó mà trước kỳ bầu cử Hạ viện đã diễn ra nhiều động thái quan trọng cả từ phía Đảng Nước Nga Thống Nhất lẫn người đại diện cho đảng ra tranh cử Tổng thống. Ngày 27/11, đương kim Thủ tướng Putin, Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống Nhất đã chính thức nhận lời đề cử của đảng để trở thành người đại diện cho đảng này ra tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra.
Cũng ngay trước cuộc bầu cử Hạ viện, “cặp bài trùng” Medvedev (đương kim Tổng thống) - Putin (đương kim Thủ tướng) có cuộc trao đổi trên các phương tiện thông tin đại chúng Nga và tuyên bố, nếu ông Putin đắc cử Tổng thống thì sẽ chỉ định ông Medvedev làm Thủ tướng.
Theo dư luận, đây sẽ là một sự đổi ngôi khá “ngoạn mục”, bởi cho đến lúc này, uy tín của cả hai đều đang khá cao trong cử tri Nga. Động thái này cũng được coi như để thu thêm phiếu của cử tri cho đảng Nước Nga Thống Nhất.
Kết quả bầu cử Hạ viện tuy đã mang lại thắng lợi cho Đảng Nước Nga Thống nhất nhưng lại không hội đủ 2/3 số ghế ở Hạ viện đã phần nào cho thấy uy tín của đảng đã có phần suy giảm. Cũng như vậy, nhìn vào những thành tựu của nước Nga thời gian gần đây, người ta ghi nhận những việc đã làm được của “cặp đôi” Putin - Medvedev, đặc biệt là ông Putin với 2 nhiệm kỳ Tổng thống trước đó… Tuy nhiên, cử tri Nga vẫn chờ đợi ở họ “nhiều hơn thế nữa”.
Có một thực tế không thể phủ nhận là trong những năm gần đây, các đảng phái chính trị ở Nga cạnh tranh ngày càng gay gắt trong việc thu hút cử tri, làm cho đời sống chính trị ở nước này trở nên sôi động. Chính sự cạnh tranh ấy đã tạo động lực thôi thúc các đảng phái chính trị không ngừng hoàn thiện cương lĩnh hoạt động của mình để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.
Trong số những đảng đang vươn lên giành được ngày càng nhiều sự ủng hộ của cử tri Nga có Đảng Cộng sản Liên bang Nga. Trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia năm 2007, Đảng này chỉ giành được gần 12% số phiếu bầu (giữ 57 ghế), thì ở lần bầu cử này, họ đã giành được vị trí thứ hai với hơn 19% số phiếu ủng hộ.
Như vậy, với kết quả của cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga khóa VI, chính trường nước Nga thời gian tới với một Quốc hội mới, một Tổng thống mới và Thủ tướng mới đã gần như được định hình. Một phép thử về lòng tin của cử tri đối với giới lãnh đạo cũng đã khá rõ ràng và những bước đi tiếp theo sẽ nằm trong tay những gương mặt “mới mà không mới” ấy của nước Nga./.