Trong khuôn khổ khóa họp lần thứ 66 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vừa diễn ra Hội nghị chuyên đề cấp cao về Hợp tác Quốc tế chống khủng bố. Trong bối cảnh thế giới luôn đối mặt với những hiểm nguy như những vụ khủng bố kinh hoàng ở Mumbai, Ấn Độ, tình trạng đánh bom liều chết ở các nước Trung Đông, và mới đây nhất là vụ đánh bom khiến cựu Tổng thống Afghanistan, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Afghanistan thiệt mạng...
Những vụ khủng bố này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tồn tại dai dẳng của bóng ma khủng bố. Bởi vậy Hội nghị này được xem là lời kêu gọi tăng cường quyết tâm chung chống khủng bố và xây dựng một thế giới an toàn cho tất cả mọi người.
Có thể thấy rằng, vấn đề về chống khủng bố luôn là chủ đề thời sự nóng bỏng không của riêng quốc gia nào trên thế giới. Hầu như không có Hội nghị quốc tế lớn nào, không có cuộc gặp cấp cao nào mà chủ để này không được nhắc tới. Hội nghị của Đại Hội đồng LHQ lần này cũng vậy.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố một kỷ nguyên mới trong việc hợp tác chống khủng bố giữa các quốc gia đã được mở ra, những cam kết và sự quyết tâm cần được thể hiện nhằm đánh bại chủ nghĩa khủng bố và xây dựng một thế giới ngày càng an toàn và hòa bình hơn.
TTK Ban Ki-moon nhấn mạnh sự quyết tâm đã được thể hiện cách đây 5 năm khi các nước thông qua chiến lược chống khủng bố toàn cầu của LHQ, nhưng cũng cho rằng cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để có thể đưa ra hiệp định toàn diện chống chủ nghĩa khủng bố.
Ông Ban Ki-moon cũng cho biết LHQ và Saudi Arabia đã ký một thỏa thuận mà theo đó, trong 3 năm tới, Saudi Arabia sẽ đóng góp 10 triệu USD để thành lập Trung tâm Chống khủng bố của LHQ (UNCCT) tại New York. Trung tâm này sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ việc thực hiện Chiến lược Chống khủng bố toàn cầu cũng như thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, củng cố khả năng của các quốc gia riêng lẻ và xây dựng cơ sở dữ liệu về các hoạt động hiệu quả nhất trong chống chủ nghĩa khủng bố.
Cũng tại Hội nghị lần này, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 66 Nassir Abdulaziz Al-Nasser cho rằng chủ nghĩa khủng bố chỉ có thể bị đánh bại khi các quốc gia cùng nhau làm việc và hành động với một cam kết chung để thực hiện Chiến lược chống khủng bố toàn cầu, cụ thể là thực hiện những sáng kiến chung, chia sẻ thông tin, tham gia vào việc đánh giá mối đe dọa chung và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết bất cứ khi nào cần.
Rõ ràng, chống khủng bố là một cuộc chiến rất gian nan, khốc liệt và có thể nói là cuộc chiến tốn kém nhất từ trước tới nay. Chỉ tính riêng số tiền nước Mỹ bỏ vào cuộc chiến này trong năm 2009 đã lên tới 50,5 tỷ USD. Thế mà “pháo đài bất khả xâm phạm- nước Mỹ- vẫn chưa an toàn. Chưa hết, 2 cuộc chiến mà Mỹ phát động dưới cái cớ “chống khủng bố và ngăn chặn nguy cơ vũ khí hủy diệt” đã trở thành những “vũng lầy” chưa lối thoát. Các cuộc chiến đó chẳng những không đưa các nước trên thế giới đoàn kết lại trong nỗ lực chung ngăn chặn khủng bố, mà lại trở thành yếu tố gây chia rẽ sâu sắc. Sự đối đầu căng thẳng không chỉ giữa các đối thủ ở hai bên bờ chiến tuyến khủng bố- chống khủng bố, mà còn ngay giữa các đồng minh trên cùng trận tuyến chống khủng bố.
Từ đây có thể thấy rằng, muốn loại bỏ khủng bố khỏi đời sống chính trị thế giới phải có nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia các nước, bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh thế giới, không gây thiệt hại cho dân thường vô tội.
Chống khủng bố cũng không thể chỉ dựa vào biện pháp quân sự. Ai cũng biết mầm mống bất công có thể dẫn đến những hành động cực đoan, là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố ẩn náu. Chính vì thế, chủ nghĩa khủng bố chỉ có thể ngăn chặn khi loại bỏ được tận gốc cội nguồn của nó là sự áp bức, bất công, xâm lược, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo, văn hóa. Điều đó chỉ có thể đạt được bằng cách thế giới cùng hợp tác với nhau chặt chẽ hơn nữa vì một mục đích chung là chống khủng bố./.