(ĐCSVN) – Tình hình khu vực Trung Đông trong năm 2012 tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều vấn đề trở thành điểm nóng của thế giới. Tuy không diễn biến ồn ào, sực mùi súng đạn và chết chóc như cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria, song cuộc khủng hoảng hạt nhân vốn đã kéo dài suốt gần 10 năm qua tại Iran cho tới nay vẫn chưa tìm được lời giải đáp cũng là một đề tài gây trăn trở.
|
Người dân Iran giơ cao khẩu hiệu "năng lượng hạt nhân là quyền lợi hiển nhiên của chúng tôi" (Ảnh: yalejournal.org) |
Trong năm 2012, các nước đã đưa ra nhiều quan điểm trái chiều liên quan tới tình hình Iran. Trong khi Israel tỏ ra quyết tâm dùng “biện pháp mạnh” để kiềm chế sức mạnh hạt nhân của Iran như dọa tấn công quân sự đánh Iran, đề nghị Liên hợp quốc áp đặt “giới hạn đỏ” cho chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, quan điểm này lại vấp phải thái độ e dè từ phía Mỹ. Washington cho rằng, hiện họ vẫn đang cân nhắc tới hai giải pháp ngoại giao và quân sự để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Phương án thứ hai chỉ được triển khai nếu như phương án thứ nhất tỏ ra không hiệu quả và thất bại trong việc thuyết phục Iran từ bỏ chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi.
Về phía Iran, ngay cả khi phải đối mặt với những lời đe dọa từ phía Israel cũng như sức ép trừng phạt ngày một gia tăng từ phía Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), nước Cộng hòa Hồi giáo này vẫn tuyên bố quyết tâm phát triển hạt nhân nhằm phục vụ cho nhu cầu dân sự. Trong năm 2012, Iran và nhóm P5+1 đã từng 3 lần tham gia đàm phán song đều không mang lại kết quả như mong đợi trong bối cảnh hai bên chưa tìm được tiếng nói chung và chưa giải tỏa được sự hoài nghi lẫn nhau. Hiện “khái niệm một Iran sở hữu khả năng hạt nhân hay một Iran sử dụng hạt nhân với mục đích quân sự” vẫn còn rất mơ hồ và chưa được kiểm chứng. Rõ ràng, phương Tây vẫn chưa thể tìm một cái cớ “thuyết phục” để phát động một cuộc tấn công quân sự nhằm chống lại Iran.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn đặt ra là điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Israel – một nước “không đội trời chung” với Iran tại khu vực Trung Đông sắp có những thay đổi lớn về chính trị. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Nentanyahu cũng sẽ buộc phải đánh giá lại các lựa chọn của mình sau khi ông Obama – người vốn ưu tiên các giải pháp ngoại giao hơn là các biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân của Iran đắc cử Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ 4 năm tới và bản thân các tướng lĩnh quân sự, tình báo của Israel cũng phản đối công khai quyết định gây chiến của Tel Aviv.
Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ayatola Ali Khamenei - người đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề hạt nhân của Iran cho đến nay vẫn để ngỏ khả năng về việc Iran và phương Tây sẽ thông qua một thỏa hiệp về vấn đề này. Chỉ có một yếu tố quan trọng nhất từ bên ngoài quyết định vấn đề này là việc chính quyền Mỹ và các nước châu Âu có chấp nhận quyền của Iran để làm giàu uranium ở mức độ thấp nhằm phục vụ cho các mục tiêu dân sự hay không. Nếu câu trả lời là có thì rất có thể các bên sẽ đi tới đàm phán về các biện pháp an toàn và thanh tra một cách chặt chẽ và hiệu quả để đảm bảo rằng, Tehran sẽ không thể đảo ngược được chương trình hạt nhân đang theo đuổi để phục vụ cho mục tiêu quân sự. Tuy nhiên, nếu câu trả lời là không thì khả năng thông qua một thỏa thuận giữa Iran và phương Tây liên quan tới chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Tehran rất khó có khả năng thành hiện thực.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, ngay cả khi các cuộc thương thuyết giữa Iran và các nước phương Tây không gặt hái được thành công trong năm 2013 thì nguy cơ nước Cộng hòa Hồi giáo này phải đương đầu với một cuộc tấn công quân sự của phương Tây là rất ít. Cụ thể, Iran có thể đạt được mục tiêu này thông qua việc kéo dài các nỗ lực ngoại giao hay tiến trình đàm phán, hạn chế quy mô làm giàu uranium và tránh các bước leo thang tiếp theo khiến cộng đồng thế giới thêm hoài nghi về khả năng Iran sử dụng hạt nhân cho mục đích quân sự.
Ngày 2/1, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Saeed Jalili tuyên bố, chính quyền Tehran trông đợi vào tương lai được nối lại đàm phán mang tính chất xây dựng với nhóm P5+1. Tuy nhiên, ông Jalili cũng nhắc lại một lập trường rõ ràng của nước Cộng hòa Hồi giáo này rằng, “chừng nào, Iran còn nhận thấy các hành động của họ tuân thủ theo các nguyên tắc của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) thì chừng đó, Iran sẽ kiên quyết theo đuổi các quyền lợi dựa trên các khuôn khổ trên”.
Phát biểu trước báo giới ngày 2/1, ông Jalili – người vừa kết thúc chuyến thăm chính thức tới Ấn Độ cách đây không lâu khẳng định, Mỹ không thể áp đặt mô hình độc đoán về “giảm quyền lợi và tăng nghĩa vụ” đối với Iran về vấn đề hạt nhân. Theo lập luận của ông Jalili thì những việc làm tương tự nhằm phục vụ cho lợi ích của Mỹ không chỉ vi phạm quyền lợi của các nước khác mà còn vi phạm chính những tuyên bố của Mỹ về dân chủ và tự do thương mại. Trên thực tế, Washington đã có những hành vi nhằm can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của các nước khác và áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương lên các nước khác.
Xét về mặt hình thức, tuyên bố trên được ông Jalili đưa ra trong những ngày đầu tiên của năm 2013 cho thấy, “Iran tiếp tục theo xu hướng hợp tác và đối thoại với các cường quốc để giải quyết vấn đề hạt nhân gây nhiều tranh cãi”. Tuy nhiên, xét về mặt bản chất, mục tiêu trên lại rất khó trở thành hiện thực trong bối cảnh còn tồn tại nhiều mối nghi ngại vẫn chưa được giải tỏa giữa Iran và các nước phương Tây.
Kênh truyền hình vệ tinh PressTV, ngày 2/1, dẫn lời ông Seyyed Hossein Naqavi-Hosseini – phát ngôn viên Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia của Quốc hội Iran cho rằng, trong suốt năm qua, nhóm P5+1 đã tỏ ra “thiếu quyết tâm trong nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran”. Theo ông Hosseini, để chuẩn bị tiền đề cho các vòng đối thoại hạt nhân, Iran đã hợp tác tối đa với IAEA và nhóm P5+1. Tuy nhiên, những nỗ lực này của Iran đã không được đền đáp xứng đáng trong bối cảnh nhóm P5+1 “không tỏ ra quyết tâm thực sự nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran”.
Trong lời phát biểu ngày 2/1, ông Hosseini bác bỏ cáo buộc của các nước phương Tây rằng, Tehran đã không đáp trả trước những lời yêu cầu nối lại đàm phán, đồng thời cho rằng, Iran đang chờ đợi “phản ứng của nhóm P5+1 trước đề xuất 5 điểm do Tehran đưa ra trong vòng đối thoại đa phương diễn ra ở Moscow (Nga) hồi tháng 6/2012”.
Những diễn biến trên cho thấy, chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran – một chủ đề nóng bỏng tại Trung Đông, tốn nhiều giấy mực của báo giới song suốt năm qua sẽ khó có thể được giải quyết trong năm 2013. Chiều hướng giải quyết vấn đề này sẽ không thể mang lại kết quả nào đột phá nếu như các bên tiếp tục đi theo lối mòn và phương Tây tiếp tục áp dụng chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” đối với vấn đề hạt nhân của Iran mà không trao cho nước Cộng hòa Hồi giáo này một quan điểm mang tính thiện chí hay một cơ hội để xây dựng lòng tin thực sự.
Khả năng sẽ bùng nổ một cuộc xung đột quân sự tại Iran trong năm 2013 là rất thấp, song vấn đề này, nếu không được giải quyết dựa trên tinh thần thiện chí và hợp tác của tất cả các bên có liên quan sẽ khiến cho tình hình tại “chảo lửa” Trung Đông khó có thể hạ nhiệt./.