Chuyến công du "phá băng"

Thứ tư, 14/09/2011 16:08

Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mơ-rôn (David Cameron) vừa có chuyến thăm Nga nhằm “phá băng” mối quan hệ chính trị giữa hai nước, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Anh sang thăm Nga trong vòng 5 năm, sau khi quan hệ hai nước trở nên căng thẳng vì vụ cựu điệp viên A.Lít-vi-nen-cô (A.Litvinenko) bị đầu độc tại Luân Đôn năm 2006.

Chuyến thăm của Thủ tướng Ca-mơ-rôn được Tổng thống Nga Mét-vê-đép nhận định là “một sự kiện được mong đợi từ lâu và có ý nghĩa đối với quan hệ Nga-Anh cũng như đóng góp to lớn vào sự phát triển hợp tác chung châu Âu”. Từ lâu, Nga-Anh có quan hệ lợi ích chính trị - kinh tế ràng buộc với nhau. Hai nước đều là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề quốc tế và có trách nhiệm chung trong việc đối phó với thách thức của thế giới như chủ nghĩa khủng bố, cực đoan, phổ biến vũ khí hạt nhân…

Tuy nhiên, giữa hai nước còn tồn tại không ít bất đồng như việc Anh thúc đẩy mạnh mẽ NATO "Đông tiến", hay những khác biệt trong quan điểm về vấn đề Cô-xô-vô và xung quanh đường ống dẫn khí đốt từ Nga cho châu Âu… Quan hệ hai nước đã "rơi tự do" sau khi xảy ra vụ đầu độc cựu nhân viên Cơ quan An ninh Liên bang Nga A-lếch-xan-đơ Lít-vi-nen-cô tại Luân Đôn năm 2006. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Nga từ chối dẫn độ cựu nhân viên KGB An-đrây Lu-gô-vôi (Andrei Lugovoi), người mà Luân Đôn nghi ngờ đã sát hại ông Lít-vi-nen-cô, dẫn tới việc hai nước lần lượt trục xuất các nhà ngoại giao của nhau. Đó cũng là lý do giải thích vì sao trong suốt 5 năm qua không có chuyến thăm cấp cao nào giữa hai nước.

Bất chấp những căng thẳng trong quan hệ chính trị, cũng như ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tình trạng nợ công ở châu Âu, hợp tác kinh tế giữa Nga và Anh vẫn phát triển khá mạnh mẽ. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước trong năm 2010 đã tăng 25% so với năm trước đó và đạt 15,9 tỷ USD. Theo số liệu thống kê chính thức, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 49,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 10 tỷ USD. Anh hiện đứng vị trí thứ năm trong số những quốc gia có số vốn đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế Nga.

Dù không nói ra, nhưng Luân Đôn hiểu rất rõ rằng, để mâu thuẫn chính trị làm ảnh hưởng tới hợp tác kinh tế là điều hoàn toàn bất lợi bởi lẽ nếu điều đó xảy ra, các doanh nghiệp Anh sẽ là người chịu thiệt thòi nhất. Hiện có hơn 600 công ty của Anh đang hoạt động trên lãnh thổ Nga với tổng trị giá đầu tư khoảng 18 tỷ USD. Trong khi đó, Anh cũng như nhiều nước châu Âu khác đang phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu và khí đốt từ Nga. Nhiều tập đoàn lớn của Anh như Tập đoàn dầu khí Shell đang muốn hợp tác với Nga trong việc khai thác dầu và khí đốt ở vùng Xi-bê-ri. Bản thân Mát-xcơ-va cũng không muốn mất đi thị trường xuất khẩu tiềm năng như Anh.

Không chỉ phát huy thành quả kinh tế đã đạt được trong những năm qua, chuyến thăm của ông Ca-mơ-rôn tới Nga còn nhằm mục đích tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu để "hóa giải" các bất đồng đang còn tồn tại. Trong cuộc hội đàm, các nhà lãnh đạo Nga và Anh đã thảo luận nhiều vấn đề “nóng” trên thế giới hiện nay như tình hình ở Li-bi, Xy-ri, chương trình hạt nhân của I-ran, chủ đề an ninh châu Âu. Việc một loạt các hợp đồng thương mại, trong đó có bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng trung tâm tài chính tại Mát-xcơ-va, trị giá 340 triệu USD được ký kết nhân chuyến thăm Nga của Thủ tướng Ca-mơ-rôn đã minh chứng cho nỗ lực của cả hai phía.

Chỉ lưu lại Mát-xcơ-va trong 24 giờ ngắn ngủi, song chuyến thăm của ông Ca-mơ-rôn đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho quan hệ Nga - Anh. Cho dù hai bên còn chưa nhất trí về một số vấn đề như tình hình ở Xy-ri, hay tình hình nhân quyền ở mỗi nước, nhưng có thể nói, quan hệ Nga-Anh đã qua thời nguội lạnh./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực