Chuyển động mới trong chiến lược ngoại giao kinh tế của Trung Quốc

Thứ hai, 27/06/2011 11:35

(ĐCSVN) - Tiếp sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới các nước Kazakhstan, Nga, Ucraina, sáng ngày 24/6, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã bắt đầu chuyến thăm chính thức ba nước Châu Âu: Hungary, Anh và Đức kéo dài từ ngày 24-28/6.  

 

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (Ảnh: www.gb.cri.cn)

Họp báo trước chuyến thăm, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Doanh và Phó Vụ trưởng Vụ Châu Âu - Bộ Thương mại Trung Quốc Uông Trí Minh đã công bố về nội dung quan trọng trong chuyến thăm chính thức ba nước của ông Ôn Gia Bảo. Theo đó, Trung Quốc đánh giá: Hiện nay, tình hình chính trị trên thế giới có những biến động rất lớn. Nền kinh tế toàn cầu có những biểu hiện khôi phục nhưng còn chậm chạp. Các quốc gia đều phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ và khó khăn lớn. Việc gia tăng quan hệ ngoại giao giữa các nước nhằm khắc phục những nguy cơ và khó khăn đó là vô cùng cần thiết.

Trung Quốc nhận
định, thế kỷ XXI là thế kỷ hòa bình, hợp tác và phát triển giữa. Bản thân Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 12 với quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế, sáng tạo trong khoa học - kĩ thuật; cải thiện quyết liệt đời sống dân sinh; thực hiện nghiêm túc chính sách tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; nâng tầm vóc toàn diện của quốc gia và vị thế quốc tế lên một tầm cao mới. Trong thời gian sắp tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục nâng cao và hoàn thiện hơn về mặt đối ngoại, nhất là thúc đẩy cơ chế ngoại giao kinh tế. Chính vì vậy, việc mở rộng quan hệ, gia tăng tính hiệu quả và thực chất trong quan hệ với các nước Châu Âu là vô cùng quan trọng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá,
đây là chuyến thăm quan trọng của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đến ba nước: Hungary, Anh và Đức để thúc đẩy giao lưu, hợp tác, kết nối về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội thúc đẩy quan hệ ngoại giao, hợp tác phát triển giữa Trung Quốc và các nước.

Với Hungary, đây là chuyến thăm và làm việc đầu tiên của một Thủ tướng Trung Quốc tới Hungary trong suốt 24 năm qua. Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, làm việc với Tổng thống Pál Schmitt và Chủ tịch Quốc hội nước này. Lãnh đạo hai nước sẽ cùng tham gia "Diễn đàn kinh tế thương mại Trung Quốc- Trung và Đông Âu", với sự có mặt của hơn 200 doanh nghiệp lớn của Trung Quốc. Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ giới thiệu rõ hơn về lập trường, chủ trương trong việc liên kết hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung, Đông Âu.

Hungary là một trong những quốc gia có quan hệ quan trọng nhất của Trung Quốc tại Trung và Đông Âu. Năm 2010, Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế thứ ba của Hungary. Kim ngạch mậu dịch năm 2010 giữa hai bên tăng tới 28,1%, đạt 8,72 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử quan hệ kinh tế hai nước. Trong 4 tháng đầu năm 2011, kim ngạch mậu dịch hai nước tăng tới 16,1%, đạt 2,97 tỷ USD. Hungary là nước nhập khẩu lớn nhất hàng hóa của Trung Quốc tại khu vực Trung - Đông Âu. Dự kiến trong chuyến thăm của ông Ôn Gia Bảo, hai bên sẽ ký một loạt các hiệp định, hợp đồng hợp tác kinh tế giữa chính phủ và doanh nghiệp hai nước.

Trong chuyến thăm nước Anh, tại London, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh David Cameron, thăm và đánh giá về một số công trình nằm trong danh mục hợp tác giữa hai nước. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết: Mục đích chuyến thăm Anh lần này của ông Ôn Gia Bảo nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Anh- Trung Quốc lên một nấc thang và tầm cao chiến lược mới, tăng cường hiểu biết về mọi mặt giữa hai quốc gia.

Trung Quốc và Anh là những đối tác quan trọng của nhau về mặt thương mại. Anh là thị trường lớn thứ 3 của Trung Quốc tại Liên minh Châu Âu; là nơi Trung Quốc tập trung đầu tư khá nhiều về kinh tế thương mại và dịch vụ ngân hàng. Ngược lại, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của Anh. Năm 2010, tổng kim ngạch thương mại của cả hai nước đạt 50,08 tỷ USD, vượt qua kim ngạch đạt được trước thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 2008. Tính riêng từ tháng 1 đến tháng 4-2011, kim ngạch thương mại của cả hai nước đạt 16,34 tỷ USD. Anh đã đầu tư trực tiếp tại Trung Quốc 0,34 tỷ USD. Quan hệ kinh tế hai nước liên tục phát triển hữu nghị, ổn định. Việc giao lưu, hợp tác kinh tế, khoa học - kỹ thuật giữa một bên là “cựu công xưởng thế giới”, cựu cường quốc số 1 thế giới (Anh) với “công xưởng thế giới hiện nay”, một nước đang vươn tới vị trí cường quốc số 1 thế giới (Trung Quốc), nhằm trao đổi, rút kinh nghiệm trong quá trình phát triển, sẽ giúp Trung Quốc hạn chế và loại bỏ những nhân tố bất lợi trong quá trình tiến hành công nghiệp hóa, thành thị hóa, hội nhập quốc tế. Trong hiện tại và tương lai, Trung Quốc và Anh vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp trong việc trao đổi ý kiến và ửng xử đối với những vấn đề quốc tế mà hai bên quan tâm. Dự kiến trong chuyến thăm, hai chính phủ và doanh nghiệp hai nước sẽ ký nhiều hiệp định, hợp đồng đầu tư, trao đổi kinh tế.

Với Đức, trong chuyến thăm và làm việc trước đây, Thủ tướng hai nước đã ký Hiệp định quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược Trung - Đức, xác lập cơ chế đối thoại cấp cao giữa hai chính phủ. Trung Quốc và Đức cũng đã thống nhất nguyên tắc tham khảo ý kiến của nhau về các vấn đề quốc tế. Mục đích chính trong chuyến thăm Đức của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo là cùng thảo luận với các nhà lãnh đạo Đức về việc thực hiện các cam kết đã được ký kết. Một mặt thể hiện được tầm quan trọng trong quan hệ Trung - Đức, mặt khác, đề xuất rõ hơn những việc cần làm để có thể tăng mạnh kim ngạch thương mại và hợp tác kinh tế toàn diện của hai nước.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Doanh nhấn mạnh, trên thực tế, có rất nhiều vấn đề Trung - Đức không cùng chung quan điểm, nhưng việc hợp tác kinh tế, chính trị, văn hóa một cách hữu nghị, cùng có lợi là dòng chủ lưu trong quan hệ hai nước, trong đó lợi ích kinh tế giữa hai nước là nhân tố chủ đạo. Có thể thông qua đối thoại, giúp đỡ cùng nhau phát triển để giải quyết vấn đề tăng cường tính hiệu quả và thiết thực trong hợp tác kinh tế, giúp cho quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp vững mạnh là tiêu chí hàng đầu, đích hướng đến của chuyến thăm.

Đức là đối tác thương mại, nơi thu hút đầu tư và trao đổi khoa học - kỹ thuật lớn nhất của Trung Quốc tại Châu Âu; là nước chủ chốt trong Liên minh Châu Âu, nước có nền kinh tế vững mạnh nhất châu Âu và giữ nhiều vai trò trụ cột trong các thể chế kinh tế, chính trị, quân sự trên thế giới được xác định là trọng điểm trong chính sách ngoại giao nước lớn của Trung Quốc. Sau khủng hoảng kinh tế, quan hệ hợp tác thương mại Trung - Đức ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ. Năm 2010, kim ngạch thương mại của cả hai nước đạt 142,4 tỷ USD, tăng 34,8%, chiếm gần 30% tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc - EU. Tính đến cuối năm 2010, tổng vốn đầu tư của Đức vào Trung Quốc đạt 17,2 tỷ USD. Trung Quốc đã ký kết nhiều hiệp định chuyển giao về mặt khoa học -kỹ thuật với Đức lên tới 51,4 tỷ USD. Trong chuyến thăm và làm việc lần này, hai bên sẽ thảo luận và ký kết những hiệp định mới, đồng thời đưa ra biện pháp thúc đẩy việc hợp tác phát triển về các ngành sản xuất trọng điểm như: công nghiệp ô tô, công nghiệp vừa và nhỏ, chế tạo cơ giới - những lĩnh vực mà Trung Quốc và Đức đều giữ tư cách là nhà sản xuất và thị trường hàng đầu thế giới hiện nay. Báo chí Trung Quốc đánh giá: Trung Quốc rất kỳ vọng vào chuyến thăm lần này của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, đồng thời cũng chuẩn bị nhiều phương án, cách thức phát triển mạnh mẽ hơn, hợp tác thành công hơn giữa hai nước trong tương lai.

Chuyến công du lần này của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nằm trong chiến dịch ngoại giao con thoi, được coi là một bước chuyển động lớn nhằm giữ vững vị trí đối tác kinh tế số 1 của các nước châu Âu - một chuyến đi mang dấu ấn rõ rệt của chiến lược ngoại giao kinh tế. Bên cạnh đó, việc gia tăng tính mật thiết, tăng cường sự tin tưởng, hướng tới sự đồng thuận với các đối tác, các nước lớn về chính trị, quân sự chính là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay.

Có thể nói rằng, với tư cách là một quốc gia lớn, đang trỗi dậy mạnh mẽ, mỗi bước đi của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và những thay đổi của quốc gia rộng lớn này được cả thế giới chú ý. Cũng cần nhấn mạnh là, bản thân sự phát triển của Trung Quốc đã và đang đặt ra những nhu cầu ngày một lớn hơn về thị trường, nguyên nhiên liệu, khoa học công nghệ khiến cho Trung Quốc ở một số nơi, trong những thời điểm nhất định đang thiếu dần đi sự bình tĩnh cần thiết, sự thực dụng và những ứng xử nôn nóng đang dần đi ngược với phương châm “trỗi dậy hòa bình” và mong muốn xây dựng “thế giới hài hòa” của nước này. Mặc dù đã cố gắng giải thích bằng lý luận và thực tiễn nhưng cái gọi là “mối đe dọa Trung Quốc” hay nhẹ hơn là “sự ảnh hưởng của Trung Quốc” đang ngày càng hiện hữu rõ rệt, nỗ lực cải thiện hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế đang ngày càng mất đi tác dụng. Điều đó khiến cho mỗi sự hiện diện, mỗi động thái của Trung Quốc ở bất cứ đâu đều là điểm nóng về thời sự, thu hút nhiều sự chú ý phân tích.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực