(ĐCSVN) – Trong tháng 10 năm 2014, Thủ tướng Trung Quốc đã thực hiện thành công chuyến thăm Nga với hàng loạt thoả thuận được ký kết trên nhiều lĩnh vực. Chuyến thăm này được coi là sự kiện tiếp tục thể hiện cụ thể mối quan hệ chiến lược giữa hai “đối tác tự nhiên".
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhân chuyến thăm của người đứng đầu chính phủ Trung Quốc đến Nga ngày 14/10 (Ảnh: Tass-Ria) |
Chiến lược “chuyển hướng” hay là “xoay trục” sang châu Á không chỉ là một khái niệm cơ học thuần tuý, được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông thế giới khi Tổng thống Mỹ tuyên bố những ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Mỹ mà giờ đây đã trở thành câu nói “cửa miệng" khi đề cập đến chính sách đối ngoại của Nga. Sự thay đổi chiến lược này của Nga vốn không phải là ý tưởng mới xuất hiện mà là hệ quả tất yếu của một quá trình thay đổi lúc âm thầm lúc dữ dội của nền chính trị thế giới.
Trong thời gian gần đây, sự chuyển hướng này càng được đẩy mạnh không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà sự liên kết chính trị, giao lưu văn hoá xã hội cũng được nâng lên một tầm mức mới. Sau sự kiện bán đảo Krime sáp nhập vào Liên bang Nga và cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra mà vẫn chưa có hồi kết, Mỹ và phương Tây áp đặt lệnh cấm vận ngày càng ở mức độ khắt khe hơn đối với Nga thì sự chuyển hướng này ngày càng rõ rệt hơn.
Nga đã xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển vùng Viễn Đông, biến vùng này trở thành một trong những trọng điểm kinh tế tài chính của đất nước. Để khai phá vùng đất với nhiều tiềm năng lợi thế này, Nga rất muốn thu hút những nguồn lực tiềm năng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vốn đang được kỳ vọng là đầu tàu kinh tế thế giới trong những năm tiếp theo. Ngoài hai nền kinh tế trong tốp 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản, những nền kinh tế mới nổi và khu vực ASEAN đang làm nên bức tranh phát triển năng động tại khu vực này của thế giới. Với vị trí địa lý kề cận khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Nga nhất định không bỏ qua cơ hội phát triển cùng khu vực.
Đang trên đường trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhu cầu sử dụng tài nguyên và năng lượng của Trung Quốc là rất lớn. Vì vậy một “đối tác tự nhiên” như Nga từ lâu đã ở trong tầm ngắm của các nhà hoạch định chính sách phát triển của Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại lựa chọn Nga làm điểm đến đầu tiên trong chuyên công du của ông ra nước ngoài hồi tháng Ba năm 2013. Điều này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng chiến lược trong quan hệ chính trị giữa hai nước. Rõ ràng là quan hệ đối tác chính trị giữa Nga và Trung Quốc đã được nhìn nhận trên một tầm mức mới, có chất lượng cao hơn so với những thời kỳ trước đó.
Trong những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, những nhà “cải cách” của Nga đã từng ảo tưởng “dựa vào tiềm lực và kinh nghiệm quản lý của châu Âu” để “cải tổ” nhưng điều đó đã đổ vỡ chóng vánh khi những diễn biến địa chính trị diễn ra mạnh mẽ ở châu Âu. Thêm vào đó, thế hệ lãnh đạo mới của Nga đã nhận rõ, đường lối hội nhập châu Âu của Nga đã mất tính thời sự và đổ vỡ vì bị cản trở phá hoại. Điều đó có thể lý giải bởi châu Âu không cần đến một nước lớn như Nga, hơn nữa lại là nước Nga với vị thế và lợi ích riêng của mình. Ngày càng nhiều sự khác biệt giữa Nga với châu Âu và phương Tây, vì vậy Moscow không có lựa chọn nào khác hơn là phát triển những liên hệ thương mại - kinh tế và kinh tế thay thế.
Trong hơn 30 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc và các nước khác ở châu Á tăng trưởng mạnh mẽ, tạo ra xung lực hình thành một trung tâm của nền kinh tế và chính trị thế giới tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Vì thế việc Nga chuyển hướng sang châu Á không phải là điều gì đó mới mẻ, đáng ngạc nhiên. So với sự chuyển hướng sang châu Á, coi Trung Quốc là đối tác đối tác thương mại lớn của Mỹ và nhiều nước châu Âu thì những bước đi của Nga tuy có chậm hơn nhưng lại hết sức mạnh mẽ. Tháng 5/2014, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai nước đã ký kết hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD. Theo đó, trong thời gian 30 năm Nga sẽ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống dẫn. Ngoài ra, hai bên đã ký kết hơn 50 thỏa thuận về sự hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau - từ ngành công nghiệp hàng không đến sản xuất khí hóa lỏng. Ngoài ra, Nga và Trung Quốc đang phát triển hợp tác trong những lĩnh vực khác. Ví dụ, hai bên đã nhất trí cùng nhau thiết kế chế tạo máy bay thân rộng có thể cạnh tranh với máy bay Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Và bây giờ quan hệ Nga - Trung lên cấp độ mới. Ông Vladimir Putin đã tuyên bố như vậy theo kết quả cuộc gặp với người đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình: “Trung Quốc giữ vững vị trí đối tác thương mại hàng đầu của Nga. Năm ngoái, khối lượng trao đổi hàng hóa giữa hai nước đã lên tới gần 90 tỷ USD. Chúng tôi sẽ cố gắng để đến năm 2015 con số này đạt 100 tỷ USD".
Sự chú ý cũng đã được giành cho sự hợp tác trong lĩnh vực quân sự. Các nhà lãnh đạo của Nga và Trung Quốc thỏa thuận rằng, trong năm tới sẽ tổ chức cuộc tập trận chung nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Hai bên chủ trương hợp tác chặt chẽ hơn trong chính sách đối ngoại, kể cả trong khuôn khổ Liên hợp quốc, BRICS và APEC.
Ông Putin nhấn mạnh rằng, Nga và Trung Quốc có lợi ích chung trên quy mô toàn cầu và khu vực. Và chỉ bằng những nỗ lực chung mới có thể ổn định lại tình hình trên thế giới và cụ thể ở châu Á: “Chúng ta đang cùng nhau giải quyết các vấn đề cấp bách trong khu vực châu Á, nơi vẫn còn sự căng thẳng gay gắt do những mâu thuẫn. Vẫn chưa xóa bỏ nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, nguy cơ khủng bố, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, nạn tội phạm xuyên quốc gia, nạn cướp biển đang đe dọa toàn bộ khu vực. Yếu tố gây mất ổn định nghiêm trọng là vấn đề Syria và vấn đề Trung Đông. Chúng tôi nhận thức được rằng, chỉ bằng nỗ lực tập thể nhắm mục tiêu mới có thể đối phó hiệu quả với các thách thức này”.
Trong buổi tiếp Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Moscow, Tổng thống Nga V. Putin đã nói: “Chúng ta là những đối tác tự nhiên, đồng minh tự nhiên và là những người hàng xóm của nhau. Chúng ta đang cùng xây dựng những mục tiêu lớn và hoàn toàn thực tế và đem lại lợi ích cho công dân hai nước”.
Các chuyến thăm của những người đứng đầu chính phủ hai nước xen kẽ giữa các chuyên thăm của hai nhà lãnh đạo hàng đầu từng bước cụ thể hoá các thoả thuận cấp cao càng tăng thêm sự gắn kết giữa Nga và Trung Quốc. Bản thân Nga đã coi Trung Quốc như một điểm cầu có tính quyết định trong chiến lược chuyển hướng sang châu Á nhiều kỳ vọng.
Tuy nhiên, chính giới Nga cũng lưu ý các nhà hoạch định chính sách của mình cần tránh ảo tưởng một chiều chuyển hướng sang châu Á mà cần cân bằng các lợi ích của Nga ở khu vực này và đừng quên những lợi ích của Nga ở khu vực khác, nhất là ở châu Âu.
Theo giới doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế của Nga, biện pháp trừng phạt của phương Tây rõ ràng đã đẩy nhanh sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại rằng trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc sẽ tranh thủ ràng buộc áp đặt những điều kiện riêng và xoay chuyển tình hình hợp tác một cách thực dụng thiên về có lợi cho họ. Điều này thể hiện rõ qua chương trình hợp tác giữa các khu vực Viễn Đông Nga và Đông - Bắc Trung Quốc những năm 2009 - 2018. Trong số các đề án chung thực hiện trên lãnh thổ Nga, có thăm dò khai thác mỏ quặng kim loại hỗn hợp ở khu vực Đông - Nam Ngoại Baikal, mỏ magiê ở Savinskoye… Còn trên lãnh thổ Trung Quốc là đề án sản xuất máy và chế tạo thiết bị nâng cao chất lượng than, đề án chế biến nhôm thỏi v.v… Nói cách khác, phía Trung Quốc quan tâm đến phát triển khai thác tài nguyên thiên nhiên tại Liên bang Nga, còn ở địa bàn nước mình thì chú trọng phát triển chu trình sản xuất công nghiệp nội tại. Chuyên viên Liubov Novoselova từ Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga nhận xét: “Trung Quốc luôn luôn biết khéo léo thúc đẩy tuyến lợi ích của mình trong tất cả các đề án chung”.
Đâu đó, giữa Nga và Trung Quốc có thể vẫn tồn tại những tranh chấp nhất định nhưng điều đó không ảnh hưởng đến cái mà người Trung Quốc gọi là “đại cục”, tức là mối quan hệ chiến lược giữa hai nước đã được định hình và phát triển. Theo cách nói của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì Trung Quốc và Nga là "các nước có tinh thần xây dựng", giúp duy trì "cân bằng chiến lược quốc tế".
Nga đã chuẩn bị phương án đối phó lâu dài các biện pháp trừng phạt của phương Tây thì việc tìm kiếm cơ sở phối hợp mới ở phương Đông là điều hiển nhiên. Trong đó, Nga dự định phát triển hợp tác không chỉ với Trung Quốc mà còn với cả những đối tác khác trong khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Việt Nam và các nước ASEAN. Cho nên, bài học về cân bằng các lợi ích cũng nằm trong tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo nước Nga./.