Chuyến thăm tìm kiếm cho tương lai

Thứ tư, 08/02/2012 18:33

Chuyến thăm 8 ngày của Tổng thống Hàn Quốc tới Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Trung Đông không chỉ nhằm mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế…

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak đang có chuyến thăm kéo dài 8 ngày tới Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Trung Đông. Mục đích của chuyến thăm nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và tìm kiếm nguồn dầu mỏ cho Seoul, thay thế cho nguồn cung từ Iran đang bị “trục trặc” do lệnh cấm vận của EU và Mỹ. Cùng với mục tiêu này, một mục đích nữa mà Hàn Quốc hướng tới, đó là việc tăng cường sự có mặt của Hàn Quốc ở khu vực này - nơi vốn được coi là lãnh địa tranh giành tầm ảnh hưởng của nhiều nước lớn.

Mục tiêu thứ nhất của Tổng thống Lee Myung-Bak có vẻ như đã thành công khi ngay tại chặng dừng chân đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã nhận được “cái gật đầu” đầy hứa hẹn của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Sau cuộc hội đàm song phương, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí sẽ hoàn tất việc ký kết Hiệp định Tự do thương mại song phương vào nửa đầu năm nay. Điều này sẽ đem lại nhiều mối lợi cho Hàn Quốc khi một hiệp định thương mại tự do có thể cho phép các công ty Hàn Quốc xuất khẩu hàng hoá đến châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Song, thắng lợi quan trọng hơn đối với Seoul là việc hai nước nhất trí nối lại đàm phán một dự án trị giá 20 tỷ USD để xây dựng 4 lò phản ứng hạt nhân trên bờ Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Hàn Quốc tại chặng dừng chân ở Thổ Nhĩ Kỳ
(ảnh: Internet)

Cần nhắc lại rằng, thỏa thuận này được hai bên xúc tiến bên lề Cuộc họp Thượng đỉnh G20 tại Cannes, Pháp, năm 2011. Theo đó, Hàn Quốc sẽ tham gia đầu tư các dự án nhà máy điện hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, do không thống nhất được nhiều điều khoản, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng đàm phán với Hàn Quốc và sau đó lại mời Nhật Bản tham gia. “Số phận đã an bài” khi thảm họa thiên tai tại Nhật Bản ngày 11/3/2011 một lần nữa khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải dừng đàm phán với Tokyo và cơ hội “lại mỉm cười” với Hàn Quốc.

Trong khi đó, mặc dù ngày 7/2, Tổng thống Lee Myung-Bak mới bắt đầu thăm 3 nước Trung Đông khác là Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, nhưng mọi việc tiếp tục có những diễn biến thuận lợi với Hàn Quốc khi lãnh đạo của cả 3 nước này đều ngỏ ý sẽ “hậu thuẫn” Hàn Quốc trong lĩnh vực năng lượng.

Thực ra, có khá nhiều lý do khiến Tổng thống Lee Myung-Bak phải bận tâm ở thời điểm hiện tại và buộc nhà lãnh đạo này phải tìm kiếm những mối quan hệ hợp tác mới ở Trung Đông. Hiện, Hàn Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ 5 thế giới. Trong đó, khoảng 10% lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Iran. Mặc dù Seoul chưa cắt giảm nhập dầu thô từ Iran, nhưng đây sẽ là việc “chẳng chóng thì chày”, khi Seoul là đồng minh thân thiết của Mỹ và phương Tây. Đối với nền kinh tế Hàn Quốc, thực tế cho thấy, nếu giảm nguồn nhập khẩu dầu từ Tehran, Hàn Quốc sẽ đối mặt với tình trạng gia tăng giá nhiên liệu trong nước và lạm phát tăng cao. Chính vì thế, những cam kết chắc chắn từ Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Đông sẽ giúp Hàn Quốc phần nào yên tâm hơn trong việc duy trì sự ổn định của nền kinh tế nước này thời gian tới.

Nhìn từ một góc độ chính trị, chuyến thăm kéo dài 8 ngày tại Trung Đông của Tổng thống Hàn Quốc còn chứa một hàm ý khác. Đó là thúc đẩy sự “có mặt nhiều hơn” của Hàn Quốc tại khu vực này - nơi vốn là lãnh địa độc chiếm của các cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc, EU. Dẫu mới chỉ là bước khởi đầu, song nếu tận dụng được cơ hội, biết đâu Hàn Quốc lại có thể “bắt rễ” được với các nước Trung Đông? Từ đó, không chỉ đảm bảo nguồn cung dầu mỏ, mà còn tìm kiếm nhiều cơ hội mới trong tương lai. Cổ nhân có câu: “Có thực mới vực được đạo”. Chuyến thăm 8 ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ và những cam kết nồng thắm mà Tổng thống Lee Myung-Bak nhận được từ Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ cho thấy điều đó./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực