(ĐCSVN) - Ngày 17/8, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây cũng là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Joe Biden kể từ khi nhậm chức Phó Tổng thống Mỹ.
|
Ông Biden thăm châu Á với những ưu tiên hàng đầu (ảnh IT) |
Trong thời gian ở thăm, Phó Tổng thống Joe Biden sẽ hội kiến Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và hội đàm với Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Dự kiến sau các hoạt động ở Bắc Kinh, ông Biden sẽ đến vùng Tây Nam Trung Quốc và có cuộc nói chuyện với sinh viên đại học Tứ Xuyên. Sau đó, ông sẽ cùng ông Tập Cận Bình đến thăm một trường học được xây lại sau động đất 2008. Hai ông Biden và Tập Cận Bình cũng sẽ có bữa ăn chung tại một nhà hàng ở Thành Đô trước khi vị khách Trung Quốc sang Mông Cổ rồi đến Nhật Bản.
Dư luận cho rằng chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ giúp hai nước duy trì và mở rộng đối thoại mang tính xây dựng về toàn bộ các vấn đề hợp tác song phương. Chuyến thăm này của ông Joe Biden cũng nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế giữa Mỹ với Trung Quốc và khu vực châu Á.
“Nhân dân Nhật báo”, số ra ngày 16/8 đã đăng bài trả lời phỏng vấn của Phó Thổng thống Mỹ Biden nói rằng bản thân ông và Thổng thống Obama ngay từ khi nhậm chức đã biết mối quan hệ với Trung Quốc sẽ là một trong những tính toán ưu tiên hàng đầu, bày tỏ quyết tâm đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định trong vài chục năm. Phó Thổng thống Mỹ Biden nói rằng, trong quản lý những bất đồng giữa hai nước, Mỹ luôn thực hiện cách làm là triển khai hợp tác thực chất với Trung Quốc, cho rằng không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của việc hai nước tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn nữa, tìm kiếm không chỉ là kênh hiểu biết lẫn nhau mà gồm cả hình thức hợp tác mới. Nhân dân hai nước Trung - Mỹ càng học được cách hợp tác và phối hợp, hai nước Trung - Mỹ càng có thể cùng nhau hợp tác giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu. Với tư cách là hai nước lớn và có vai trò toàn cầu như Trung - Mỹ, hai nước đang đối mặt với nhiều thách thức giống nhau, chia sẻ nhiều trách nhiệm chung. Nếu Trung - Mỹ áp dụng các hành động chung càng nhiều trong những vấn đề này, thì nhân dân Trung - Mỹ và nhân dân thế giới càng được hưởng lợi nhiều hơn nữa.
Trên bình diện chính thức, chuyến công du Trung Quốc của Phó Tổng thống Mỹ sẽ là dịp để Washington và Bắc Kinh đối thoại về các hồ sơ nóng trong quan hệ song phương hiện nay, như món nợ công khổng lồ của nước Mỹ, tỷ giá bị cho là quá thấp của đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, vấn đề Đài Loan, vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc, và rất có thể là hồ sơ Biển Đông. Truyền thông Trung Quốc thì tin rằng Phó Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ bàn với Phó Tổng thống Mỹ về vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, theo báo Washington Times, phái đoàn Mỹ sẽ không đến để “đàm phán về hợp đồng bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan” với Trung Quốc. Quan chức Nhà Trắng cho biết hôm 15/8 rằng luật về quan hệ với Đài Loan vẫn là nền tảng của quan hệ giữa Washington với Đài Bắc.
Các giới chức Mỹ cho biết, chuyến thăm diễn ra khi mà Mỹ vẫn chưa giải quyết tận gốc mức nợ công khổng lồ và vừa bị hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s hạ cấp độ tín nhiệm về tín dụng và tài chính từ AAA xuống còn AA+, tạo sự nghi ngờ về vai trò của Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc sẽ không sẵn lòng mở hầu bao cho Mỹ, nếu không nhận được những đảm bảo về các khoản tiền cho vay của mình vẫn an toàn. Hiện nay, Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất lớn nhất của Mỹ, đồng thời là nước nắm giữ nhiều nhất trái phiếu Mỹ, trị giá hơn 1.000 tỷ USD và chưa có ý định bán số trái phiếu này. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích kinh tế quốc tế, điều này sẽ thay đổi, nếu các nhà lãnh đạo Bắc Kinh mất lòng tin vào sự ổn định của nền kinh tế Mỹ. Thậm chí, Trung Quốc và cả các quốc gia khác có thể sẽ lựa chọn những phương án khác để thay thế vai trò của Mỹ.
Ngay trước chuyến đi của ông J. Biden, Trung Quốc đã cảnh báo rằng: “Những ngày tươi đẹp mà Mỹ có thể đi vay để giải quyết những khó khăn tài chính của mình đã qua. Trung Quốc cần một sự đảm bảo của Mỹ về việc họ đủ khả năng kiểm soát các khoản nợ lâu dài của mình và ổn đinh nền tài chính, tín dụng. Bởi vậy, thông điệp mà Phó Tổng thống J.Biden mang tới Bắc Kinh, rất đơn giản, nhưng đã có hiệu ứng khá tốt. Đó là tiền của Trung Quốc sẽ an toàn cùng với Mỹ. Cam kết đó cũng tỏ ra thực chất khi ông khẳng định, Mỹ đang khôi phục trật tự trong lĩnh vực tài chính và có khả năng, ý chí để thực hiện nỗ lực đó của mình.
Chủ đề an ninh, theo ông Antony Blinken, cố vấn an ninh của Phó Tổng thống Biden thì chuyến thăm “là một phần của nỗ lực trong vòng hai năm rưỡi qua nhằm đổi mới và tăng cường vai trò của Mỹ ở châu Á”. Nhà Trắng cho biết, Mỹ duy trì niềm tin về vai trò của Mỹ như một cường quốc vùng Thái Bình Dương mà các quyền lợi gắn liền với ổn định kinh tế và trật tự chính trị của châu Á. Tại Mông Cổ, ngoài việc ca ngợi tiến trình dân chủ mà nước này đang thực hiện, ông Biden sẽ đề cập vấn đề hợp tác mở rộng kinh tế và quốc phòng với Mỹ. Tại Nhật Bản, các cuộc hội đàm của phó Tổng thống Mỹ sẽ tập trung vào các nỗ lực hồi phục ảnh hưởng của “ba tai họa” - động đất, sóng thần và tai nạn hạt nhân - cùng với các vấn đề vấn đề về an ninh và liên minh, trong đó có vấn đề hạt nhân và an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Chuyến công du châu Á của ông Biden mở màn cho điều mà các giới chức Mỹ mô tả là một nghị trình ngoại giao bận rộn về các sự kiện châu Á - Thái Bình Dương trong những tháng sắp tới. Tổng thống Obama sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 11 tới đây tại Honolulu. Từ đó ông sẽ bay sang Bali, Indonesia để dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á./.